4 ‘điểm chờ’ của bất động sản TP HCM

Sau giai đoạn chịu tác động kép từ dịch Covid-19 và đà giảm kéo dài từ năm trước, thị trường bất động sản TP HCM sẽ bước vào những "điểm chờ".

Thị trường bất động sản năm 2020 chịu tác động nặng nề bởi dịch Covid-19 cùng với đà suy thoái vốn có từ năm trước. Trong quí III/2020, mặc dù thị trường đã có sự phục hồi so với những quí đầu năm nhưng nhìn chung thanh khoản ở phân khúc đất nền và căn hộ vẫn ở mức thấp.

"Riêng nhà phố, biệt thự và nghỉ dưỡng, các phân khúc đặc biệt này hầu như không chịu sự ảnh hưởng khi thị trường lên xuống bởi lẽ những nhà đầu tư có nhiều tiền vẫn đi tìm mua bất động sản trong giai đoạn khó khăn vừa qua", ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận R&D của DKRA cho biết tại sự kiện diễn ra vào sáng ngày 8/10.

Theo quan sát của ông Nguyễn Hoàng, trong lúc thị trường được nhận định có nhiều khó khăn nhưng tỉ lệ hấp thụ của ba phân khúc nói trên vẫn ở mức tốt. Nhiều nhà đầu tư vẫn sẵn sàng mua dự án có giá trị cao 10 - 20 tỉ đồng mỗi căn.

Do vậy, Giám đốc R&D của DKRA cho rằng, "với phân khúc đặc biệt và số lượng có hạn, những người có điều kiện về tài chính hầu như không bị phụ thuộc vào thị trường.

Thậm chí trong quí III vừa qua, trong khi nhiều người có tâm lí e ngại giao dịch vào tháng 7 âm lịch, một số chủ đầu tư đưa ra rất nhiều chương trình ưu đãi để kích thích bán hàng và những nhà đầu tư có tài chính tốt lại tận dụng hết những chính sách này để sở hữu bất động sản".

4 ‘điểm chờ’ của thị trường bất động sản - Ảnh 1.

Theo ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&D DKRA Việt Nam, thị trường bất động sản ở quí cuối năm và có thể bước sang năm 2021 gần như ở "điểm chờ". (Ảnh: DKRA)

Từ kết quả khảo sát và ghi nhận thông tin tại một số sàn giao dịch, đại diện DKRA đánh giá thị trường bất động sản ở quí cuối năm và có thể bước sang năm 2021 gần như ở "điểm chờ".

Liên quan đến vấn đề pháp lí, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu từng nhìn nhận, những vướng mắc trong công tác thanh tra, kiểm tra liên quan đến quản lí sử dụng đất và rà soát quá trình cổ phần hóa tại TP HCM trong thời gian qua khiến việc giải quyết thủ tục pháp lí các dự án kéo dài.

Thống kê của HoREA cho thấy, nửa đầu năm nay TP HCM chỉ có ba dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, 5 dự án được công nhận chủ đầu tư và 12 dự án được chấp thuận đầu tư.

Tính đến hết tháng 8/2020, trên địa bàn thành phố vẫn còn 63 dự án nhà ở (30.402 căn nhà và căn hộ oficetel) của 17 doanh nghiệp bị chậm cấp sổ hồng.

Điểm chờ thứ nhất về vấn đề chính sách pháp lí từ phía cơ quan Nhà nước nhằm giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại các dự án.

Thời gian qua, thị trường bất động sản TP HCM liên tục đón nhận những thông tin khan hiếm nguồn cung, nhiều chủ đầu tư kêu khó khi tiến độ dự án chậm trễ, thời gian chôn vốn kéo dài.

Do đó, ông Nguyễn Hoàng cho rằng khi những vấn đề pháp lí này được tháo gỡ, thị trường sẽ đón nhận nguồn cung tốt hơn.

Điểm chờ thứ hai là nguồn cung dồi dào, cùng với sức mua được cải thiện nhờ sự hồi phục của nền kinh tế nói chung. Điều này sẽ làm thị trường xuất hiệu tín hiệu tích cực và trở nên sôi động hơn.

Vấn đề về hạ tầng giao thông được xem là điểm chờ thứ ba. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Hoàng, "không phải tự nhiên mà vào thời điểm khó khăn này, Nhà nước liên tục khởi công các dự án về hạ tầng giao thông.

Hiện nay, để kích thích nền kinh tế phát triển, giải ngân vốn đầu tư công vào các dự án hạ tầng giao thông là một trong những yếu tố quan trọng".

Cũng theo ông Nguyễn Hoàng, thị trường bất động sản TP HCM không chỉ gói gọn ở TP HCM mà được gọi là vùng TP HCM, bao gồm các tỉnh giáp ranh như Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thời gian qua, trong lúc thị trường TP HCM suy giảm thì thị trường các tỉnh giáp ranh lại phát triển phần lớn nhờ hạ tầng khu vực phát triển hơn.

"Nếu như trước đây khi ra khỏi TP HCM, chúng ta chỉ nghĩ đến phân khúc đất nền thì bây giờ các thị trường này đã đa dạng các loại hình từ căn hộ, nhà phố, biệt thự,… và các loại hình này đều phát triển tương tự như TP HCM", Giám đốc R&D DKRA Việt Nam ví dụ.

Điểm chờ cuối cùng là việc hình thành TP Thủ Đức trong tương lai. Mặc dù định hướng này không phải được thực hiện trong thời gian ngắn nhưng khi một kế hoạch mới được công bố, bao gồm những chi tiết triển khai tương đối đầy đủ sẽ tác động cụ thể đến thị trường.

Theo ông Nguyễn Hoàng, "việc thành lập TP Thủ Đức không chỉ đơn thuần về mặt hành chính, tức sáp nhập ba quận lại thành một mà còn tác động nhiều đến cơ chế chính sách của Nhà nước về đầu tư hạ tầng giao thông cho địa phương, thu hút đầu tư, phát triển khu vực này".

Thực tế sau khi có thông tin Thủ Đức sẽ lên thành phố, bất động khu Đông ngay lập tức thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư. Nguồn cung các dự án mới trong quí III vừa qua cũng tập trung tại khu vực này.

Cụ thể, gần 78% nguồn cung căn hộ trong quí vừa qua tập trung ở khu Đông, tương đương 4.946 căn và lượng tiêu thụ đạt gần 4.200 căn.

Dự kiến trong quí IV, thị trường sẽ đón nhận khoảng 6.500 - 7.000 căn hộ gia nhập thị trường và khu Đông vẫn chiếm tỉ trọng lớn trong nguồn cung.

Ngoài ra, hơn 60% nguồn cung phân khúc nhà phố và biệt thự cũng tập trung ở ba quận 2, 9 và Thủ Đức và đều được hấp thụ hoàn toàn.

Theo dự báo của DKRA, nguồn cung của phân khúc này tương đương như quí III, dao động 8.000 - 1.000 căn vào quí cuối năm và khu Đông tiếp tục giữ vị thế dẫn đầu về nguồn cung. Sức cầu có thể tăng nhẹ nhưng khó tăng đột biến trong ngắn hạn.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.