Toà nhà Landmark 81 nằm ở trung tâm khu đô thị cao cấp Vinhomes Central Park, trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh, TP HCM) chính thức hoạt động với đầy đủ các hạng mục từ ngày 28/4/2019. Đây là toà nhà cao nhất Việt Nam tại thời điểm này và thuộc top 10 công trình cao nhất thế giới. Đứng ở Đài quan sát nằm trên tầng 81, với độ cao gần 400 m so với mặt đất, phóng tầm mắt ra xa có thể nhìn thấy bao quát toàn cảnh TP HCM.
Hướng mắt về phía Nam, khu vực trung tâm TP HCM hiện lên với những toà nhà cao tầng san sát. Nổi bật ở vị trí trung tâm là toà tháp 68 tầng Bitexco Tower. Trước khi Landmark 81 ra đời, đây là công trình cao nhất TP HCM, gồm 68 tầng và cao 269 m với sân đỗ trực thăng. Đứng từ Đài quan sát của Landmart 81 Bitexco trở nên nhỏ bé. Xung quanh là nhiều toà nhà, cao ốc văn phòng tại quận 1 và bến Vân Đồn thuộc quận 4.
Khu vực trung tâm thành phố còn có nhiều toà nhà có kiến trúc đẹp mắt. Nhưng điểm nhấn của khu vực trung tâm, gồm quận 1 và quận 3 là các mảng xanh từ công viên, cây bên đường được quy hoạch xen lẫn các công trình và khu dân cư.
Cạnh sông Sài Gòn, dự án chung cư cao cấp Vinhome Golden River đang thi công. Kế bên công trình này là nhà ga Ba Son thuộc tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên.
Đối diện những toà nhà cao tầng ở trung tâm quận 1, bên kia sông Sài Gòn là khu đô thị Thủ Thiêm với nhiều dự án, công trình còn ngổn ngang. Từ trên cao nhìn xuống, có thể thấy rõ những tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm Đại lộ vòng cung, Đường ven hồ trung tâm, Đường ven sông Sài Gòn…
Lõi của Thủ Thiêm là Khu đô thị Sala với nhiều biệt thự, cao ốc, chung cư đã đưa vào sử dụng, một số khác vẫn còn thi công và đưa vào hoạt động trong thời gian tới.
Khu tái định cư Bình Khánh cho dự án Khu đô thị Thủ Thiêm hiện lên nổi bật với nhiều block nhà cao tầng. Quan sát từ nóc của Landmark 81, có thể thấy chung quanh khu tái định cư này cũng là những cao ốc cao cấp tại khu đất vàng quận 2.
Phóng tầm mắt ra xa hơn là khu vực cảng Tân Thuận với tàu lớn tàu nhỏ chở hàng, cập cảng. Ngoài ra, nhìn bằng mắt thường, khách tham quan vẫn có thể thấy được cầu Phú Mỹ, nối giữa quận 2 và quận 7. Nếu dùng ống kính tại đài quan sát trên Landmark 81, bạn có thể thấy rõ cây cầu dây văng lớn nhất TP HCM này cũng như hoạt động xuất nhập cảng của những chiếc tàu chở container lớn bé.
Ở góc nhìn cận, ngay dưới Đài quan sát là các toà Landmark thấp hơn cùng nằm trong khu đô thị cao cấp Vinhomes Central Park. Ngoài ra, còn có một công viên cây xanh nằm cặp sông Sài Gòn, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của cư dân và du khách.
Ngay dưới chân toà nhà cao nhất Việt Nam là nhà ga Tân Cảng, thuộc cầu vượt tuyến Metro số 1 cắt ngang đường Điện Biên Phủ nối vào trung tâm thành phố vừa được hợp long sau thời gian thi công.
Cạnh nhà ga Tân Cảng là cầu Sài Gòn, nối khu Đông TP HCM, gồm các quận 2, 9, Thủ Đức với hàng loạt các công trình, dự án trọng điểm của thành phố.
Nằm song song Xa lộ Hà Nội là tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, dự kiến đưa vào hoạt động năm 2022. Cặp bên dự án trọng điểm này là hàng loạt chung cư, nhà cao tầng mọc lên san sát.
Khu vực đường Điện Biên Phủ đến Ngã tư Hàng Xanh sau khi xuống cầu Sài Gòn.
Quận Bình Thạnh, Gò Vấp hầu như không thể tìm thấy một mảng xanh nào còn sót lại tại đây. Phía xa hơn là sân bay Tân Sơn Nhất.
Một mảng xanh lớn nhất còn lại hiện nay ngay trung tâm TP HCM là khu vực bán đảo Thanh Đa. Giữa TP HCM, các hoạt động nông nghiệp như trồng lúa, trồng mía, nuôi trồng thuỷ sản vẫn còn rất nhiều tại Thanh Đa.
Bán đảo Thanh Đa được ví như một ốc đảo giữa Sài Gòn, bởi chỉ có một con đường độc đạo di chuyển qua bán đảo, là cầu Thanh Đa. Phía xa cầu Bình Triệu và cầu Bình Lợi mới, giao cắt quốc lộ 13 và đường Phạm Văn Đồng thuộc quận Thủ Đức.
Sát với Landmark 81 cũng còn một mảng xanh nhỏ khác là Khu du lịch Văn Thánh (quận Bình Thạnh), nằm lọt thỏm giữa khu dân cư san sát, công trình cầu cạn Metro số 1 đi vào trung tâm thành phố.