Đối với bất kỳ ai sống trong chung cư hoặc một căn hộ riêng, việc có được ban công là một trong những lợi ích lớn. Tuy không sang trọng và rộng rãi bằng một khoảng sân đúng nghĩa nhưng ban công cũng đủ cung cấp một không gian ngoài trời hoàn hảo, nơi bạn có thể thư giãn và hít thở không khí trong lành. Và với một chút để tâm đến thiết kế, ban công của bạn có thể phục vụ như một nơi nghỉ ngơi, thư giãn ngoài trời đầy ấm cúng hay một địa điểm ăn uống, giải trí vô cùng hợp lý, theo Better Homes & Gardens.
Những ý tưởng trang trí ban công dưới đây sẽ gợi ý cho bạn cách biến không gian đơn điệu này thành một “ốc đảo” đầy ấn tượng:
Mang màu sắc và hoa văn vào ban công là cách làm đầu tiên để biến khu vực được cho là nhàm chán này trở nên sinh động và đầy phong cách. Hãy bắt đầu bằng cách bổ sung một tấm thảm trải phù hợp để làm nổi bật không gian và tạo ra một bề mặt sạch sẽ. Sau đó, bạn cần bố trí một vài chiếc ghế xung quanh và kèm theo đó là một vài chiếc gối trang trí có họa tiết độc đáo.
Ngoài ra, bổ sung thực vật là một cách dễ dàng để làm sống động không gian nhỏ ngoài trời này. Bạn cần ưu tiên chọn những chậu cây có kích thước vừa phải để đặt ngay góc ban công và những chậu nhỏ để đặt trên bàn nước hoặc lan can. Chỉ cần đảm bảo chọn giống phù hợp với ánh sáng và nhiệt độ trên ban công là bạn đã có một khu vườn tuyệt vời dùng cho mục đích trang trí và tận hưởng không khí mát mẻ mỗi ngày.
Sẽ thật khó để bạn đạt được sự riêng tư tuyệt đối nếu ban công của bạn hướng vào các căn hộ khác hoặc hướng ra mặt đường. Song, bạn có thể áp dụng một số cách đơn giản để thiết lập tính riêng tư tối đa cho không gian nghỉ ngơi này.
Cụ thể, hãy đặt các chậu cây cao dọc theo lan can hoặc treo một những cây có lá phát triển theo chiều dọc. Cách làm này sẽ vô cùng thiết thực, vừa giúp bạn tạo ra một “hàng rào” vững chắc cho ban công, vừa mang đến không gian xanh mát cho khu vực này.
Đồng thời, rèm cửa ngoài trời cũng là một giải pháp dễ dàng khác để chặn ánh sáng gay gắt cũng như hạn chế ánh nhìn của những người xung quanh.
Giải trí là một trong những mục đích chính yếu với bất kỳ ai muốn trang trí không gian ban công. Để đáp ứng nhu cầu này, bạn cần trang bị một chiếc xe đẩy tiện dụng với những vật dụng cần thiết cho hoạt động giải trí ngoài trời.
Với dụng cụ này, bạn có thể thuận tiện đưa tất cả các vật dụng ra bên ngoài ban công và mang trở lại trong nhà mà không tốn quá nhiều công sức. Bên cạnh đó, nếu bạn lo lắng về việc vật dụng bị vỡ khi vô tình rơi xuống trong quá trình di chuyển, hãy sử dụng những vật liệu bền, chống vỡ như melamine, nhựa hoặc thép không gỉ thay cho thủy tinh hay sành sứ.
Ngoài ra, đừng quên thêm vào một vài điểm nhấn, chẳng hạn như dây đèn LED hay một bức tranh mà bạn ưng ý, để làm tăng tính nghệ thuật cho không gian vui chơi đặc biệt này.
Một chiếc bàn nhỏ và một vài chiếc ghế là tất cả những gì bạn cần để thưởng thức cà phê sáng hoặc một bữa ăn bình dị ngoài ban công. Một mẹo nhỏ ở đây là hãy chọn một chiếc bàn với hình dạng bàn tròn thay vì hình chữ nhật hay hình vuông để giúp bạn dễ dàng di chuyển hơn nếu trời bất chợt mưa.
Song song đó, bạn cũng nên bố trí một chiếc trường kỷ nhỏ hoặc ghế dài bọc đệm để mở rộng chỗ ngồi cho nhiều thành viên trong gia đình. Ở trên bàn hoặc ghế, bạn hoàn toàn có thể bổ sung một vài phụ kiện mà mình yêu thích để trang trí, mang đến giá trị thẩm mỹ cao cho khu vực ăn uống độc đáo cho gia đình.
Dù có ý tưởng tuyệt vời thế nào, hãy biết cách điều chỉnh và trang trí ban công của bạn với những món đồ phù hợp về cả kích cỡ lẫn chất liệu. Một trong những lời khuyên khi thiết kế ban công là đừng nên gượng ép đặt quá nhiều đồ đạc cồng kềnh lên một ban công nhỏ, vì như vậy sẽ tạo ra cảm giác choáng ngợp và không thoải mái. Thay vào đó, hãy chọn các món đồ có hình dạng gọn gàng, phù hợp với diện tích ban công, chẳng hạn như ghế không tay vịn hay bàn tròn nhỏ nhắn.
Bên cạnh kích thước, độ bền của các món đồ nội thất cũng là một yếu tố quan trọng cần cân nhắc khi trang trí ban công. Những vật dụng có độ bền cao sẽ ít bị tác động bởi các yếu tố thời tiết và có thời gian sử dụng khá lâu. Theo đó, các chất liệu như nhôm, sắt, liễu gai, nhựa hay gỗ tếch sẽ chống chịu tốt với ngoại cảnh, giúp bạn tiết kiệm chi phí thay mới đồ nội thất một cách đáng kể.