Việc thiết lập một không gian phù hợp và yên tĩnh là điều vô cùng quan trọng khi trẻ chuyển sang học trực tuyến tại nhà. Dù đó là hình thức học tập tạm thời hay dài hạn, hãy đảm bảo tạo ra cho trẻ một môi trường tràn đầy năng lượng, giúp trẻ tập trung cao độ để đạt được hiệu suất học tập cao nhất, theo trang Draper & Kramer.
Dưới đây là 5 mẹo thiết lập không gian học tập trực tuyến mà bạn có thể tham khảo:
Đối với những ngôi nhà có diện tích khiêm tốn hoặc bị động trong việc thiết lập phòng học cho trẻ, việc tìm ra một khu vực cố định để trẻ học tập có thể là một thách thức. Song, đây lại được xem là một cơ hội tốt, giúp mang lại sự hứng thú cho trẻ, vì nó tạo cảm giác giống như di chuyển từ lớp học này sang lớp học khác khi ở trên trường.
Chẳng hạn như, trẻ có thể ngồi trong phòng sách khi đang học qua ứng dụng Zoom, ngồi trong phòng khách khi làm bài tập về nhà hay ngồi ở bàn ăn khi thực hiện một dự án sáng tạo cùng bạn qua màn hình máy tính. Điều này không chỉ giúp “chia tay” một ngày dài đơn điệu mà còn có thể khơi dậy nguồn cảm hứng, biến việc học của trẻ trở nên thú vị và hấp dẫn hơn trong những ngày dịch bệnh.
Khi tạo ra cho trẻ không gian học tập mở như trên, bạn cũng cần cố gắng xác định một nơi sẽ đóng vai trò chính yếu cho việc học của trẻ. Khu vực này phải là một nơi cực kỳ yên tĩnh và đảm bảo đầy đủ độ sáng cần thiết. Đồng thời, vì đây là nơi hướng đến mục đích chính là tiếp thu kiến thức nên không được để các vật dụng không liên quan làm phân tán tư tưởng của trẻ. Tại khu vực chính yếu này, trẻ có thể tham gia các buổi lên lớp trực tuyến cùng giáo viên hay thực hiện một dự án đòi hỏi sự tập trung cao độ.
Nếu trẻ thích sự riêng tư khi tham gia các lớp học trực tuyến nhưng vẫn muốn thoải mái khi được ở trong khu vực sinh hoạt chung của gia đình, bạn có thể ngăn một phần phòng khách hoặc một số khu vực khác trong nhà bằng cách lắp đặt một tủ sách mở hoặc dựng một bức tường tạm. Cách làm này cũng có thể được áp dụng khi trẻ có thêm anh, chị, em ruột, giúp phân tách trẻ ra những khu vực riêng để có thể học tập tốt nhất.
Khi học tập ở nhà, sách vở và dụng cụ học tập của trẻ rất dễ rơi vào tình trạng lộn xộn, không được sắp xếp một cách quy củ ở vị trí chỉ định. Chính vì vậy, bạn hãy đặt tất cả những vật dụng học tập cần thiết trong balo của trẻ và đặt nó gần khu vực học tập, tương tự như cách trẻ hay làm khi đến trường. Đây là một mẹo vô cùng tuyệt vời để giúp trẻ giữ được nề nếp trong học tập cũng như sinh hoạt thường ngày. Khi chuyển sang khu vực học tập khác, trẻ cũng chỉ việc mang theo balo và chuẩn bị cho chương trình học tiếp theo của mình, giúp giữ được cảm giác quen thuộc như khi đi học thực thụ.
Nếu trẻ đang ở độ tuổi cần phải tham gia các lớp học về thủ công và mỹ thuật cả ngày, bạn hãy cân nhắc lắp đặt một chiếc xe đẩy hoặc một bộ ngăn kéo bên cạnh khu vực học tập để giữ mọi thứ ngăn nắp và cố định ở một nơi. Điều này không chỉ giúp trẻ tìm thấy những thứ mình cần một cách nhanh chóng mà còn hình thành cho trẻ thói quen gọn gàng trong bất kỳ tình huống nào.
Khi trưởng thành, chúng ta dành ra khá nhiều tiền bạc cho những bộ bàn ghế để giúp lưng, cổ và vai gáy không bị mỏi hay đau nhức khi làm việc trong thời gian dài. Đối với trẻ, bạn cũng cần đầu tư với mức độ tương tự trong không gian học tập tại nhà để hỗ trợ tư thế ngồi một cách tốt nhất, đảm bảo quá trình phát triển cơ và xương của trẻ không bị tác động xấu.
Theo đó, hãy thử thêm đệm ngồi vào ghế để tạo cho trẻ cảm giác thoải mái trong trường hợp phải ngồi quá lâu. Bạn cần chú ý chọn những chiếc bàn, chiếc ghế có kích cỡ phù hợp với vóc người của trẻ, sao cho trẻ có thể đặt cánh tay ngang với bàn mà không phải chồm đến trước hoặc hạ thấp lưng. Nếu bàn ghế có sẵn hơi cao so với trẻ thì bạn cần đặt một chiếc ghế hoặc hộp kê chân bên dưới và cố gắng kê đủ gối phía sau sao cho lưng trẻ không bị cong khi ngồi học.
Trong quá trình học, nếu trẻ thường xuyên cúi cổ xuống để nhìn vào màn hình thì hãy cân nhắc đầu tư một chiếc giá đỡ máy tính xách tay, một con chuột không dây và một bộ bàn phím không dây để giữ cho đầu của trẻ luôn ở tư thế phù hợp.
Nếu trẻ dưới 6 tuổi, việc đặt một chiếc bàn học cố định có lẽ không quá cần thiết vì trẻ thường không ngồi quá lâu một chỗ mà có xu hướng di chuyển thường xuyên. Tuy nhiên, nếu trẻ ở độ tuổi lớn hơn, việc đầu tư vào một chiếc bàn học “xịn” là điều vô cùng xứng đáng. Đó có thể là một chiếc bàn đa năng tích hợp kệ sách, hay một chiếc bàn có thể gấp gọn lại và sử dụng với mục đích khác. Việc sử dụng những chiếc bàn này sẽ khá tiện dụng cho trẻ trong học tập, ngoài ra còn có thể giúp bạn “tiết kiệm” được một khoảng không gian phục vụ cho mục đích sinh hoạt khác của gia đình.