Juwai IQI (tập đoàn truyền thông và bán hàng bất động sản được thành lập bởi IQI và Juwai.com) đã đăng trên cổng thông tin dành cho người tiêu dùng châu Á về những lợi ích mà các doanh nghiệp bất động sản nước ngoài nên đầu tư vào Việt Nam.
Doanh nghiệp này nhận định: "Việt Nam đã cho thấy sự phát triển với tốc độ cao, và trở thành thị trường có chất lượng hàng đầu cho các nhà đầu tư trên khắp thế giới quan tâm bất động sản, muốn đầu tư vào quốc gia này. Việt Nam sẽ vượt qua hầu hết các quốc gia châu Á trong những năm tới, khi có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đạt 7% mỗi năm".
Dưới đây là những lợi ích được Juwai IQI nhận định để các doanh nghiệp bất động sản nước ngoài nên đầu tư vào Việt Nam:
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới, với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 6,46% kể từ năm 2000. Điều này đã đưa Việt Nam lên vị trí thứ ba nước có nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Tỉ lệ này dự kiến sẽ tiếp tục được duy trì trong tương lai.
Trong khi đó, quốc gia này có nhiều lĩnh vực công nghiệp với những cơ hội đầu tư kinh doanh lớn. Nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ sớm chuyển dịch cơ cấu từ nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp.
Chính phủ Việt Nam đã có các chính sách thu hút đối với nhà đầu tư nước ngoài. Kể từ năm 2015, việc nới lỏng chính sách người nước ngoài sở hữu bất động sản tại Việt Nam, cho phép các nhà đầu tư ngoại quốc được sở hữu 30% số căn hộ trong các dự án nhà ở mới, hạn ngạch này đã nhanh chóng thu hút các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia. Từng ngày, các qui định về sở hữu bất động sản đối với người nước ngoài ngày càng hoàn thiện hơn bao giờ hết.
Việt Nam là một trong những "điểm nóng" đầu tư thuận lợi cho người nước ngoài do vị trí có nhiều tiềm năng. Quốc gia này nằm ở trung tâm của các nước ASEAN nên rất gần với nhiều tuyến đường vận tải biển quan trọng trong xuất nhập khẩu.
Để thị trường bất động sản tự do hơn, nỗ lực đáng khen ngợi khác của Việt Nam là việc tham gia vào một số hiệp định thương mại với nhiều quốc gia. Đặc biệt là với các nước láng giềng trong khu vực châu Á.
Một số hiệp định thương mại mà Việt Nam với tư cách thành viên bao gồm: Thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thành viên của ASEAN và Khu vực Thương mại Tự do ASEAN (AFTA), Hiệp định Thương mại Song phương (BTA) với Mỹ...
Ngoài ra, Việt Nam đang cải thiện mối quan hệ với châu Âu và Trung Quốc. Việc kí kết Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam với châu Âu là một phần của việc mở rộng mối quan hệ với các khu vực thế giới.
Tất cả các hiệp ước này cho thấy sự nhiệt tình của Việt Nam trong việc chào đón các nhà đầu tư nước ngoài và giao thương với các nước khác trên thế giới.
Việt Nam đã đầu tư xây dựng các cảng mới, đường cao tốc và bệnh viện trong những năm gần đây. Điều này đã làm thay đổi mạnh mẽ cơ sở hạ tầng của đất nước, dẫn đến việc di chuyển trong nước dễ dàng hơn trước.
Mua bất động sản ở nơi có qui hoạch cơ sở hạ tầng trong tương lai như các tuyến tàu điện ngầm hoặc các cảng mới... có thể mang lại sản phẩm đầu tư tuyệt vời.
Dân số của Việt Nam đạt hơn 96,2 triệu người tính đến tháng 4/2019. Dân số tăng thì nhu cầu bất động sản sẽ tăng theo, đặc biệt là ở các thành phố lớn như TP HCM và Hà Nội. 50% dân số dưới 30 tuổi và nhóm nhân khẩu học trẻ này sẽ rất tiềm năng cho các nhà đầu tư.
Với những ưu điểm trên từ thị trường bất động sản ở Việt Nam, điều này cho thấy rõ lí do tại sao các nhà đầu tư trên khắp thế giới đang đổ xô về quốc gia Đông Nam Á này để đầu tư.