Người Trung Quốc đua nhau mua không khí đóng chai vì ô nhiễm | |
92% dân số thế giới hít không khí ô nhiễm |
Ô nhiễm không khí khiến 600.000 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong mỗi năm. Ảnh minh họa: Medical Daily |
Theo báo cáo mới của UNICEF, khoảng 600.000 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong mỗi năm do các bệnh bắt nguồn hoặc trầm trọng hơn vì ô nhiễm không khí ngoài trời và trong nhà. Ô nhiễm không khí là mối đe dọa đặc biệt nghiêm trọng với trẻ em do phổi và hệ miễn dịch ở trẻ chưa phát triển hoàn thiện.
"Các tác nhân ô nhiễm không chỉ gây hại cho lá phổi của trẻ, mà còn xâm nhập vào mạch máu não, làm tổn thương vĩnh viễn não bộ, ảnh hưởng tới cả tương lai của trẻ", Anthony Lake, Giám đốc điều hành UNICEF, nhấn mạnh.
Bào thai trong bụng mẹ cũng đứng trước nguy cơ cao vì ô nhiễm. Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng phơi nhiễm liên tục các tác nhân ô nhiễm ở mức độ cao có liên quan tới tỷ lệ sẩy thai, sinh non cao và tỷ lệ sinh thấp.
CNN hôm 31/10 cho hay, báo cáo này dựa trên các hình ảnh vệ tinh và cho thấy tình trạng ô nhiễm ở phạm vi toàn cầu. Khoảng hai tỷ trẻ em đang sống trong điều kiện không khí ngoài trời không đạt tiêu chuẩn an toàn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đa phần tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Khói bụi giao thông, sử dụng năng nhiên liệu hóa thạch, bụi bặm và đốt rác là những nguyên nhân chính gây ô nhiễm. Tuy nhiên, bản đồ ô nhiễm không tính đến tình trạng ô nhiễm trong nhà, vốn phổ biến ở các vùng nông thôn, nơi người dân vẫn sử dụng củi và than để nấu nướng và sưởi ấm.
Báo cáo trên được UNICEF công bố trước thềm Hội nghị về biến đổi khí hậu COP22 sẽ diễn ra tại Marakech, Morocco từ ngày 7-18/11 năm 2016. Qua đó, UNICEF kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm không khí vì tương lai thế giới.
"Bảo vệ trẻ em trước tình trạng ô nhiễm không khí không chỉ vì lợi ích của trẻ, mà của cả cộng đồng. Giảm thiểu ô nhiễm sẽ hạ thấp chi phí chăm sóc sức khỏe, tăng năng suất lao động, hướng tới xây dựng môi trường sống sạch hơn và quá trình phát triển bền vững", Lake nói.