7 năm ‘vắng bóng’ bà Đặng Thị Hoàng Yến, Khu công nghiệp Tân Tạo hiện làm ăn ra sao?

Đã 7 năm cổ đông Tân Tạo không còn thấy sự xuất hiện của cựu “nghị sĩ” Đặng Thị Hoàng Yến tại các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) trên cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Tại ĐHĐCĐ năm 2019 diễn ra vào ngày 28/6 vừa qua của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (mã chứng khoán ITA), ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP phát triển Đô thị Kinh Bắc tiếp tục đảm nhiệm vai trò chủ tọa. Đây là năm thứ 3, người em trai của bà Đặng Thị Hoàng Yến thay chị đảm trách vai trò quan trọng này, và cũng là năm thứ 7 liên tiếp nữ Chủ tịch HĐQT không xuất hiện tại ĐHĐCĐ Tân Tạo.

Sự vắng mặt của của Chủ tịch HĐQT là một dấu hỏi lớn đối với cổ đông qua các năm và tại ĐHĐCĐ năm 2019, một số cổ đông đã bày tỏ việc không hài lòng trước sự vắng mặt của bà Yến trong nhiều năm liền.

"Bận cỡ nào thì chủ tịch hội đồng quản trị cũng phải tiếp xúc với các cổ đông. Nếu có đầu tư ra nước ngoài thì cũng nên nghĩ về nguồn cội trước", một cổ đông phát biểu tại phiên họp, theo biên bản ĐHĐCĐ thường niên được công ty công bố.

Một cổ đông khác đề nghị ông Đặng Thành Tâm, chủ tọa phiên họp, đồng thời là em trai bà Yến, phải tham gia vào ban lãnh đạo của Tân Tạo trước tình trạng người đứng đầu liên tục vắng mặt.

 "Anh Tâm đang đứng bên ngoài nghe chừng không có trách nhiệm, anh Tâm nói nhưng không thực hiện được", cổ đông này nêu ý kiến.

Đáp lại sự bức xúc của cổ đông thì ban lãnh đạo (BLĐ) của công ty này vẫn thiếu rõ ràng và chỉ cho biết rằng “những ý kiến của cổ đông sẽ được BLĐ tập đoàn tập hợp lại và báo cáo lại với chủ tịch tập đoàn và sẽ thông báo lại”.

 Tuy vậy cho đến nay cổ đông vẫn chưa nhận được một câu trả lời chính thức nào.

7 năm ‘vắng bóng’ bà Đặng Thị Hoàng Yến, Khu công nghiệp Tân Tạo hiện làm ăn ra sao? - Ảnh 1.

Bà Đặng Thị Hoàng Yến. (nguồn ảnh: Internet).

CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (mã chứng khoán ITA) được thành lập vào năm 1993, cùng với Tổng CTCP phát triển Đô thị Kinh Bắc của người em Đặng Thành Tâm- là bộ đôi tập đoàn tư nhân hàng đầu một thời trong lĩnh vực đầu tư bất động sản khu công nghiệp, cạnh tranh sòng phẳng với các ông lớn quốc doanh như Becamex hay IDICO.

Trong thời hoàng kim của hai đế chế kinh doanh, chị em bà Hoàng Yến đều được bầu làm đại biểu Quốc hội.

Trong đó, bà Yến được Ủy ban MTTQ tỉnh Long An giới thiệu ứng cử và trúng cử đại biểu Quốc hội khóa 13 năm 2011 nhưng tới năm 2012, bà bị miễn nhiệm đại biểu Quốc hội do dính đến bê bối sai lệch hồ sơ.

Tân Tạo lao dốc từ đó và người ta cũng không còn thấy sự xuất hiện của bà Đặng Thị Hoàng Yến, dù vị này cho tới nay vẫn đứng tên chủ tịch HĐQT.

 Việc điều hành các kì đại hội lần lượt được ủy quyền cho Tổng giám đốc Thái Văn Mến (điều hành đại hội Tân Tạo từ 2013-2016) và em trai bà là ông Đặng Thành Tâm ( điều hành đại hội Tân Tạo từ 2017 đến nay).

Trong năm 2012, lãi sau thuế của Tân Tạo giảm hơn một nửa, xuống còn 33,2 tỉ đồng. Những năm sau đó, kết quả kinh doanh của công ty này liên tục trồi sụt.

7 năm ‘vắng bóng’ bà Đặng Thị Hoàng Yến, Khu công nghiệp Tân Tạo hiện làm ăn ra sao? - Ảnh 2.

Đơn vị tính: Tỉ đồng.

Năm 2013, ITA ghi nhận doanh thu chỉ vỏn vẹn 11,2 tỉ đồng nhưng đến năm 2015, nhờ hoạt động cho thuê đất hiệu quả đã giúp cho doanh thu của công ty tăng vọt lên đạt 741,1 tỉ đồng và lãi sau thuế 136,4 tỉ đồng. Đây cũng là năm doanh thu tăng trưởng cao nhất trong gần 10 năm qua, dù vậy sang đến năm 2017, lợi nhuận sau thuế của công ty này chỉ đạt 8,2 tỉ đồng.

Qua tới năm 2018, nhờ việc doanh thu tài chính tăng mạnh cùng với áp lực các khoản chi phí giảm xuống, Tân Tạo ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 82,7 tỉ đồng. Song nếu so với số vốn điều lệ khổng lồ hơn 10.000 tỉ đồng thì hiệu quả kinh doanh này của ITA vẫn còn rất khiêm tốn.

Năm 2019, ĐHĐCĐ của Tân Tạo dưới sự chủ trì của ông Đặng Thành Tâm đã đặt ra mục tiêu doanh thu ước đạt 1.885 tỉ đồng và lợi nhuận thuần 455 tỉ đồng. Tuy nhiên, nửa đầu năm kết quả thực ghi nhận được là 129,4 tỉ đồng tiền lãi, chỉ mới hoàn thành 28,4% chỉ tiêu đề ra.

Do vậy, ban lãnh đạo ITA sẽ còn rất nhiều việc phải làm trong 6 tháng cuối năm nếu không muốn thêm một lần lỡ hẹn với cổ đông. Bởi thực tế liên tiếp trong nhiều năm trước, Tân Tạo đã không thể hoàn thành kế hoạch đề ra.

Năm 2015, ITA đặt kế hoạch doanh thu 1.588 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 510 tỉ đồng. Tuy vậy, ITA trong năm đó chỉ thực hiện được vỏn vẹn 25% kế hoạch lợi nhuận. Trong các năm từ 2016-2018, ITA tiếp tục đề ra kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu lợi nhuận đều rất cao, nhưng điều đáng buồn là chưa một lần doanh nghiệp này hoàn thành chỉ tiêu.

Ngoài việc nuôi tham vọng lớn, trong năm 2019 công ty này cho biết sẽ thực hiện thoái vốn hàng loạt tại: Dự án Đô thị Tân Tạo; bán 4,6ha tại khu đất An Khang; thoái toàn bộ vốn tại CTCP Sài Gòn Đà Lạt và Dự án khu TM-DV-Nghỉ dưỡng tại Bãi Sao, Phú quốc. Đồng thời sẽ mạnh tay đầu tư ủy thác khoảng 8 triệu USD vào Dự án công nghệ cao tại Hoa Kỳ, mức vốn đăng ký khoảng 10 triệu USD.

Đến thời điểm hiện tại, HĐQT của Tân Tạo ngoài Chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến còn có các thành viên là ông Nguyễn Thanh Phong, ông Trần Hoàng Ân và ông Hồ Huỳnh Hồ.

Điều đáng chú ý là dù không chủ trì ĐHĐCĐ, song báo cáo quản trị thể hiện bà Yến vẫn tham dự đầy đủ các cuộc họp HĐQT và kí Nghị quyết HĐQT.

Cập nhật tới cuối tháng 6/2019, cổ đông lớn của Tân Tạo là CTCP Đại học Tân Tạo (7,42%), bà Đặng Thị Hoàng Yến ( 5,79%), ngoài ra ông Đặng Thành Tâm cũng nắm giữ 3,1% cổ phần tại công ty này.


chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.