Chỉ sau 3 năm hoạt động, Alibaba đã “phình to” nhanh chóng với số vốn điều lệ tăng từ 1 tỉ đồng lên 5.600 tỉ đồng, theo công bố trên website công ty. Giả sử số vốn điều lệ này là sự thật, Alibaba thuộc hàng những doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Việt Nam, gần bằng FLC (7.100 tỉ đồng) và vượt xa những doanh nghiệp có tên tuổi như Phát Đạt (3.000 tỉ đồng), Nam Long (2.300 tỉ đồng)…
Trong khi đó, số lượng nhân viên được quảng cáo là 2.600 người. Doanh nghiệp tự giới thiệu đang phân phối 48 dự án và gần 30.000 sản phẩm khắp các tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu…, mặc dù theo thông tin từ các cơ quan chức năng, đó đều là dự án ma.
Lí giải sự phát triển nhanh chóng của Alibaba, có sự kết hợp của nhiều nguyên nhân. Các yếu tố như “vẽ ra” dự án, chăm sóc khách hàng, vẽ mô hình đầu tư sinh lời, đào tạo nhân viên… được Alibaba làm nhuần nhuyễn, kết hợp chặt chẽ với nhau.
Trong kinh doanh, việc đầu tiên một doanh nghiệp muốn bước ra thị trường là tạo ra một sản phẩm, dịch vụ cụ thể. Alibaba tập trung vào sản phẩm đất nền, vốn là mặt hàng có giá trị lớn, được sự quan tâm của cả người muốn đầu tư và để ở.
Hiện tại, trên website của Alibaba, doanh nghiệp này cho biết đang kinh doanh 48 dự án địa ốc tại nhiều tỉnh phía Nam. Đa phần các dự án này đều là bán đất nền, phân lô chuyển nhượng. Trong khi đó, lãnh đạo công ty cho biết số lượng đất đang kinh doanh là 600 ha, do nhiều cá nhân đứng tên sở hữu.
Các dự án này có điểm chung là “dự án ma”, nghĩa là Alibaba không sở hữu khu đất, không được chuyển đổi mục đích sử dụng, nhưng vẽ ra dự án để bán cho khách hàng.
Các dự án "ma" tại khu vực sốt đất là địa điểm yêu thích của Alibaba. (Ảnh: Hà Bùi).
Nhiều người dân ở Bình Thuận, TP HCM, Đồng Nai… từng rất bất ngờ với việc lô đất của chính mình lại bị Alibaba rao bán công khai khi chưa chuyển quyền sở hữu. Chính quyền nhiều địa phương cũng phải cắm biển cảnh báo khách hàng về dự án “ma”, dự án không được phép chuyển đổi mục đích sử dụng.
Alibaba cũng khôn ngoan chọn vẽ dự án “ma” tại những nơi xảy ra sốt đất, vị trí đắc địa vùng ven thành phố. Đa phần dự án tập trung tại các khu vực đất nông nghiệp. Nói cách khác, Alibaba vẽ ra những sản phẩm tại những khu vực mà khách hàng quan tâm, kì vọng về đầu tư, sinh lời và thanh khoản tốt.
Có thể kể đến những dự án của Alibaba tại Long Thành và Nhơn Trạch (Đồng Nai). Khu vực Long Thành thường xuyên xảy ra sốt đất ăn theo dự án sân bay Long Thành trong tương lai. Alibaba vẽ ra cơ hội sinh lời, “lướt sóng” cho khách hàng từ các thông tin quy hoạch. Khu vực Nhơn Trạch, nằm ở phía đông nam TP HCM cũng là “miền đất hứa” với thông tin xây dựng cầu Cát Lái.
Xa hơn, Alibaba cũng vẽ ra các dự án tại Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu. Tại Bà Rịa - Vùng Tàu, doanh nghiệp này nhanh chóng ra mắt dự án đất nền khu vực Hồ Tràm, nơi có nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn đổ tiền làm dự án khiến sốt đất xảy ra.
Tương tự, tại Bình Thuận, thông tin về dự án sân bay Phan Thiết, các dự án nghỉ dưỡng lớn hàng trăm ha được xây dựng, đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết cũng là cái cớ hấp dẫn để Alibaba quảng cáo cho các dự án của mình.
Có thể thấy, Alibaba đã rất thành công khi bất chấp luật pháp để tạo ra những sản phẩm bất động sản có vẻ hấp dẫn trên thị trường.
Có được sản phẩm hấp dẫn, Alibaba thực hiện bước tiếp theo là khâu bán hàng. Khách hàng sẽ được quảng cáo các sản phẩm giá rất rẻ, cơ hội sinh lời lớn, thậm chí nếu không thích có thể trả lại công ty và được hoàn tiền kèm lãi suất.
Các lô đất nền của Alibaba thường được rao bán với giá dưới 10 triệu đồng/m2. Đơn cử, dự án Alibaba Long Thanh Capital (Đồng Nai), với một nền 100 m2, khách hàng chỉ cần bỏ ra 1 tỷ đồng, với nền 50 m2, giá chỉ là 500 triệu đồng. Thậm chí có những lô đất được bán giá chỉ 5-6 triệu đồng/m2, nghĩa là khoảng 250-300 triệu đồng cho một nền 50 m2.
Alibaba thường rao bán dự án rất rẻ. (Ảnh: Alibaba).
Một dự án "ma" khác tại huyện Nhơn Trạch rao bán khoảng 3-6 triệu đồng/m2, tức khoảng 300-600 triệu đồng cho một nền khoảng 100 m2. Tương tự, một dự án "ma" tại khu đô thị Tây Bắc Củ Chi với mức giá chỉ 5,5 triệu đồng/m2, nghĩa là một nền 100 m2, chỉ khoảng 550 triệu đồng.
Hầu hết dự án có giá bán chỉ bằng khoảng 40-50% so với mặt bằng thị trường. Như vậy, Alibaba đặc biệt hấp dẫn với phần lớn khách hàng, những người có tài khoản dư khoảng 300-500 triệu đồng có thể tham gia cuộc chơi bất động sản.
Giá rẻ chưa đủ, Alibaba còn tạo cho khách hàng cảm giác “an toàn” với lời cam kết sổ đỏ và sẵn sàng mua lại nếu khách hàng không thích.
Mô hình kinh doanh của Alibaba có sự kết hợp giữa hình thức như hợp tác đầu tư và mô hình Ponzi.
Theo giới thiệu, khách hàng khi ưng ý sản phẩm sẽ kí với Alibaba một hợp đồng hợp tác đầu tư góp vốn theo kiểu dân sự. Nghĩa là khách hàng sẽ đầu tư vào một phần dự án, còn phát triển toàn bộ là Alibaba. Định kì 3-6 tháng/lần, Alibaba sẽ chi trả lãi cho khách đều đặn theo mức lãi suất hấp dẫn 2-3%/tháng.
Ví dụ, một khách hàng đầu tư vào một lô đất nền trị giá 500 triệu đồng của Alibaba. Định kì 6 tháng một lần, Alibaba sẽ chi trả lợi nhuận ở mức 3%/tháng. Khi đó, khách hàng nhận về 500 triệu đồng và 90 triệu đồng tiền lãi. Alibaba vẽ ra viễn cảnh với 5-6 kì trả lãi, khách hàng sẽ hòa vốn và ngày càng thu lời từ khoản đầu tư của mình.
Điều đáng nói, mức lãi suất mà Aibaba trả cho khách hàng (24-36%/năm) cao hơn nhiều lần so với lãi suất tiền gửi của ngân hàng thương hiện tại (mức 7-8%). Nhiều người sẽ thắc mắc Alibaba lấy tiền ở đâu để chi trả? Câu trả lời nằm ở mô hình Ponzi.
Mô hình Ponzi được áp dụng nhiều trong các doanh nghiệp đa cấp. (Ảnh minh họa).
Mô hình Ponzi được đặt theo tên Charles Ponzi hay Carlo Ponzi (Italy), người đã nổi tiếng với việc áp dụng mô hình này trong năm 1920. Mô hình là hình thức doanh nghiệp huy động tiền của người này để trả nợ người khác. Doanh nghiệp cam kết trả lợi tức cao tới người cho vay. Người cho vay bị hấp dẫn bởi lợi tức cao.
Bằng hình thức này, kẻ đi vay càng ngày càng vay được những khoản tiền lớn hơn từ nhiều người cho vay mới hơn. Mô hình Ponzi được các công ty bán hàng đa cấp thường xuyên sử dụng. Ngoài ra, việc chơi hụi cũng áp dụng mô hình Ponzi.
Alibaba huy động “hụi” cũng giống như cách Sky Mining, Asama Mining huy động bằng tiền ảo. Điểm khác là Alibaba sử dụng sản phẩm bất động sản.
Để vận hành nhuần nhuyễn khâu bán hàng, tư vấn, huy động vốn, chi trả hoa hồng, Alibaba cũng rất thành công với việc đào tạo nhân viên. Không khó để tìm kiếm những video của Nguyễn Thái Luyện chia sẻ về cơ hội đầu tư, “truyền cảm hứng”, thông báo tình hình phát triển của Alibaba trên mạng xã hội.
Theo lời một số nhân viên Alibaba, doanh nghiệp này đãi ngộ hậu hĩnh nhân viên và đào tạo bài bản kiến thức và tổ chức văn hóa nội bộ.
Về đãi ngộ, nhân viên ở đây được nhận lương cứng 4 triệu đồng, trợ cấp chuyên cần 1 triệu đồng, trợ cấp ăn trưa 1 triệu đồng. Các nhân viên có bằng đại học sẽ nhận thêm phụ cấp 800.000 đồng/tháng. Ngoài ra, với mỗi giao dịch thành công, nhân viên sẽ được nhận ngay 3% hoa hồng.
Bên ngoài trụ sở Alibaba tại TP HCM. (Ảnh: Hà Bùi).
Đây được coi là mức thu nhập cao, đặc biệt với những người trẻ, không có bằng cấp hiện tại.
Khi được nhận vào làm, nhân viên được huấn luyện kĩ thái độ làm việc, tinh thần, kiến thức về dự án. Nhân viên ở đây cho biết thường được “truyền lửa” về tinh thần làm việc và tác phong. Nhân viên được yêu cầu mặc đồng phục áo trắng, thậm chí là vest để “chuyên nghiệp” với khách hàng.
Alibaba cũng chú ý đến việc xây dựng văn hóa nội bộ. Người dân ở khu vực đường Kha Vạn Cân (TP HCM) cho biết thường xuyên bắt gặp cảnh các nhân viên Alibaba được huy động để đi dọn rác, cỏ dại tại khu vực ven đường. Hoạt động này được tổ chức thường xuyên. Cũng theo lời kể, việc tổ chức cho nhân viên đi chơi, nghỉ dưỡng được tổ chức thường xuyên.
Bởi những lí do như vậy, nhiều nhân viên chia sẻ với Zing.vn rằng vẫn muốn tiếp tục gắn bó với Alibaba, thay vì tìm kiếm công việc khác, bất chấp việc cảnh sát điều tra và lãnh đạo doanh nghiệp bị tạm giam.
"Cách hoạt động, huy động vốn của Địa ốc Alibaba rất đáng ngờ. Rao bán những dự án đất nền không đủ hồ sơ pháp lí nhưng công ty lại cam kết siêu lợi nhuận", ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận xét.
GS Võ cho rằng Địa ốc Alibaba đang lợi dụng tâm lí của người Việt ưa thích đầu tư đất nền để gom các mảnh đất chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất thổ cư và đứng tên dưới các cá nhân khác để phân lô, bán lại cho người đầu tư.
"Các dự án ảo của Alibaba đang làm cho thị trường bất động sản Việt Nam trở nên không chuyên nghiệp, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, tạo nên một thị trường có nhiều rủi ro đối với những nhà đầu tư chất lượng", GS Đặng Hùng Võ khẳng định.