Hàng chục dự án ma của Alibaba bủa vây từ TP HCM đến Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu

Hàng chục dự án ma của Công ty CP Địa ốc Alibaba do anh em Chủ tịch Nguyễn Thái Luyện - Nguyễn Thái Lĩnh "vẽ" và thu tiền của khách hàng nằm tại các tỉnh ven TP HCM là Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và mới đây dạt ra tới Bình Thuận. Đáng chú ý, trước đó, Alibaba cũng vẽ dự án ngay tại TP HCM.

"Thay vì đi theo xu thế thị trường, Địa ốc Alibaba chủ động kiến tạo thị trường, khai phá tiềm năng phát triển vùng ven", Công ty CP Địa ốc Alibaba giới thiệu về định hướng của mình với nhà đầu tư.

Tuy nhiên, cách "khai phá tiềm năng" mà Chủ tịch HĐQT Alibaba Nguyễn Thái Luyện cùng em trai là Nguyễn Thái Lĩnh thực hiện là lập ra hàng chục dự án ma, do công ty tự vẽ, cơ quan chức năng xác nhận chưa làm thủ tục pháp lí… để huy động tiền của hàng nghìn khách hàng.

Alibaba hoạt động rầm rộ tại Đồng Nai với 29 dự án

Với chiến lược "chọn vùng ven để khai phá tiềm năng", Địa ốc Alibaba nêu rõ công ty này sẽ tập trung vào hai 2 tỉnh là Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu để chào bán đất nền. Thời gian gần đây, Alibaba hoạt động rầm rộ nhất tại tỉnh Đồng Nai, với số lượng dự án lên đến hàng chục.

anh-1-1568852461725

Trụ sở văn phòng Công ty Alibaba tại xã Long Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: Dân Trí).

Theo báo cáo của Công an tỉnh Đồng Nai, từ năm 2016 đến tháng 7/2019, tức từ thời điểm Công ty CP Địa ốc Alibaba chính thức được thành lập, công ty này đã quảng cáo, phân lô và bán 29 khu đất tập trung chủ yếu tại 3 huyện Long Thành, Nhơn Trạch và Xuân Lộc.

Long Thành được xem là "điểm nóng" của Alibaba khi số lượng dự án được thống kê lên đến 27 và tập trung nhiều nhất tại xã Long Phước. Số lượng dự án của Alibaba tại xã này đến 21 dự án, gồm Long Phước 1 đến Long Phước 16, Long Phước Golden Point, Long Phước Golden Point, khu dân cư Quốc tế Lilama…

Riêng 2 huyện Nhơn Trạch và Xuân Lộc, Alibaba có 2 dự án mà chính quyền Đồng Nai nhiều lần cảnh báo người dân thời gian qua, là Ali Aqua Nhơn Trạch và Ali Mega Xuân Lộc.

Ngoài việc tự lập dự án, phân lô bán nền, cơ quan chức năng Đồng Nai cũng cho biết thêm đã có 4 văn phòng trái phép của Alibaba tại Đồng Nai. Công an tỉnh Đồng Nai đã lập biên bản xử phạt hành chính và buộc phải tháo dỡ văn phòng trái phép này.

Đồng thời, Công an tỉnh Đồng Nai cũng khẳng định địa phương chưa tiếp nhận, xử lí hồ sơ về chấp thuận chủ trương đầu tư, thẩm định nhu cầu sử dụng đất, giao đất cho công ty này để thực hiện dự án bất động sản nào và 29 dự án mà Alibaba ngang nhiên chào bán đều là dự án ma.

Alibaba bán 8 dự án ma tại xã Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu

Ngoài Đồng Nai, điểm nóng còn lại của Địa ốc Alibaba do anh em Nguyễn Thái Luyện - Nguyễn Thái Lĩnh lãnh đạo thời gian qua là Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo kết quả xác minh của Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Alibaba đã quảng cáo, bán 8 dự án tại thị xã Phú Mỹ. 8 dự án này được tách thành hàng trăm thửa và đứng tên nhiều cá nhân.

ali_agvj

Các nhân viên Alibaba chống đối đoàn cưỡng chế ngày 13/6 tại dự án nằm ở địa bàn xã Tóc Tiên, TX Phsu Mỹ. (Ảnh: Thanh Niên).

Các dự án tại thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) có thể kể đến như Alibaba Tân Thành Center City 1, 2, 3… Alibaba Phú Mỹ Center City.

Đáng chú ý, liên tiếp 2 tháng 6-7/2019, chính quyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tài đã cưỡng chế 2 khu đất dự án Alibaba Tân Thành Center City 1 nằm tại xã Châu Pha và dự án Alibaba Tân Thành Center City 5 tại xã Tóc Tiên vì sử dụng đất sai mục đích.

Trong lúc cơ quan chức năng cưỡng chế dự án nằm tại xã Tóc Tiên, hàng trăm nhân viên trong đồng phục Alibaba đã có mặt, nhiều người ngăn cản, đập phá xe của lực lượng chức năng.

Công an thị xã Phú Mỹ đã khởi tố, bắt tạm giam đối với hai nhân viên của Alibaba là bà Nguyễn Huỳnh Tú Trinh và ông Trần Quốc Tĩnh về tội "cố ý làm hư hỏng tài sản".

Cũng sau sự việc này, Chủ tịch Alibaba Nguyễn Thái Luyện đã có một cuộc trao đổi với nhân viên công ty, được ghi lại và phát tán trên mạng xã hội. Ông Luyện có phát ngôn miệt thị, xúc phạm uy tín cơ quan chức năng. Thanh tra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xử phạt hành chính ông Nguyễn Thái Luyện 7,5 triệu đồng về hành vi này.

Alibaba tiếp tục dạt ra Bình Thuận vẽ dự án trên đất nông nghiệp

Sau hàng loạt vụ việc "nóng" liên quan cơ quan chức năng tại Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, gần đây, Địa ốc Alibaba có dấu hiệu dạt ra tỉnh Bình Thuận và tiếp tục chiêu bài cũ là rao bán dự án ma, phân lô bán nền và nhận đặt cọc từ nhà đầu tư.

canh1

Dự án Alibaba vẽ lên tại Bình Thuận thực chất là rừng keo lá tràm. (Ảnh: PLO).

Dự án ảo lần này của Địa ốc Alibaba nằm tại huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận với tên gọi Ali Venice City và Alibaba Newtimes City Thắng Hải.

Cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận cũng cho biết hiện trên địa bàn chưa nhận bất cứ văn bản nào liên quan chủ trương chấp thuận đầu tư, xây dựng dự án của công ty Alibaba.

Cụ thể, trường hợp dự án Alibaba Newtimes City thuộc xã Thắng Hải huyện Hàm Tân như quảng cáo của Alibaba, thực chất là đất nông nghiệp trồng keo lá tràm do ông Nguyễn Thái Lĩnh nhận chuyển nhượng lại của 3 hộ dân, với diện tích hơn 25 ha. 

Tỉnh Bình Thuận cũng cảnh báo người dân cảnh giác, không bị mắc lừa việc mua bán đất nền liên quan các dự án ma của Alibaba trên địa bàn tỉnh này.

TP HCM cũng có dự án của Alibaba

Không chỉ các tỉnh vùng ven mà ngay cả TP HCM cũng từng có dự án ma của Địa ốc Alibaba. 

Năm 2017, Công ty CP Địa ốc Alibaba và Công ty CP Alibaba Tây Bắc TP HCM tự nhận là chủ đầu tư dự án Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi Khu vực VIII - 3, có diện tích 97,58 hecta, thuộc Khu đô thị Tây Bắc, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi (TP HCM).

Dự án mà Alibaba tự xưng là chủ đầu tư này thực tế đang trong giai đoạn mời gọi đầu tư của Ban Quản lí Khu đô thị Tây Bắc, nhưng công ty của CEO Nguyễn Thái Luyện vẫn ngang nhiên công bố dự án, huy động vốn bằng hình thức đặt cọc giữ chỗ.

Cụ thể, Alibaba công bố tung ra 1.000 nền nhà và huy động vốn trái phép bằng "phiếu đặt chỗ", nhận đặt cọc 50 triệu đồng/nền.

Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) thời điểm đó đã có công văn gửi thường trực Thành uỷ, HĐND, UBND TP HCM và các cơ quan liên quan, báo cáo về hoạt động kinh doanh bất thường của 2 công ty cùng mang tên Alibaba này tại Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi.

Sau khi UBND TP HCM vào cuộc, Alibaba đã phải trả lại tiền cọc và tiền đặt chỗ cho khách hàng. 

Công an kêu gọi nạn nhân tố cáo hành vi lừa đảo của Alibaba

Chiều 18/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phối hợp Công an TP HCM kiểm tra, khám xét và bắt Chủ tịch HĐQT Công ty CP Địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Luyện và Giám đốc Nguyễn Thái Lĩnh (em ruột ông Luyện) để điều tra hành vi lừa đảo.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy Công ty Alibaba và các công ty thành viên đã tự vẽ các dự án không có thật, chưa làm thủ tục pháp lí, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép cho làm dự án… tại TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận và đã huy động tiền của hàng nghìn khách hàng để chiếm đoạt.

Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM đang chỉ đạo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu tập trung lực lượng làm rõ hành vi của hai bị can kể trên, mở rộng điều tra các đối tượng liên quan và thu hồi tài sản về cho người dân.

Các nạn nhân có thể gửi đơn tố cáo đến Phòng 15 - Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (số điện thoại 0693336619) hoặc Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an TP HCM tại địa chỉ số 674 đường 3/2, Phường 14, Quận 10.