Có thể nói, Công ty Alibaba là điển hình của tình trạng phân lô bán nền với dự án ma, với kiểu bán hàng đa cấp, lấy tiền người sau trả lãi cho người trước; người góp vốn vào dự án đất thì không có đất mà được trả lãi. Kiểu kinh doanh này đánh vào lòng tham nên công ty này thu hút được đội ngũ hơn 2.600 nhân viên và hàng ngàn hợp đồng, nhưng suốt thời gian dài không bị ai tố cáo.
Theo điều tra của Bộ Công an thì thủ đoạn của Công ty Alibaba là không lập dự án theo các quy định pháp luật đối với dự án bất động sản mà tự phân lô bán nền trên đất nông nghiệp. Cụ thể, Công ty Alibaba mua đất nông nghiệp với giá chỉ 100.000 - 150.000 đồng/m². Để được tách thửa thì buộc phải đạt hạn mức đất tối thiểu và với điều kiện lô đất đó phải tiếp giáp đường. Về hạn mức tách thửa đất nông nghiệp, tùy mỗi tỉnh quy định phải trên 500m² hoặc trên 1.000m².
Để đạt điều kiện tiếp giáp đường, Công ty Alibaba nộp đơn xin tự nguyện hiến đất mở đường trong chính khu đất của mình. Thẩm quyền cho phép làm đường thuộc UBND xã, nên một số xã đã ký cho Công ty Alibaba mở đường mà không cần tuân thủ các quy định như phải được quy hoạch và phải đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật, cốt nền.
Và nhờ có đường, Công ty Alibaba mới tiến hành thủ tục tách thửa được. Tuy nhiên, nếu đất nông nghiệp được quy hoạch đất ở tại nông thôn thì mỗi 1.000m² cũng chỉ lên thổ cư được 200m² (số còn lại đất vườn). Tuy nhiên, Công ty Alibaba lại tự phân 100m²/lô và đem bán hoặc hợp tác với cam kết chuyển mục đích sử dụng đất là đất ở. Tức là, công ty này đã lừa đảo khách hàng khi đất không thể chuyển đổi mục đích thành đất ở, nếu có nhận đất cũng không xây nhà được.
Việc Công ty Alibaba bị xử lý, lãnh đạo công ty này bị bắt đã gây rúng động trong thị trường bất động sản, đặc biệt đối với các dự án tự phân lô bán nền, đã và đang diễn ra ở nhiều nơi. Trong thực tế, rất nhiều địa phương trên cả nước có tình trạng xây dựng nhà không kiên cố trên đất nông nghiệp và chính quyền địa phương thường bỏ qua những trường hợp này.
Công ty Alibaba cũng như nhiều công ty địa ốc tận dụng kẽ hở này, dùng danh nghĩa cá nhân để phân lô bán nền đất nông nghiệp. Nếu một dự án tiến hành đúng trình tự thủ tục thì phải do UBND cấp tỉnh phê duyệt và qua rất nhiều sở, ngành, cơ quan chức năng xem xét, mất nhiều năm mới xong, nhưng với việc lách luật, tự phân lô, chỉ qua chính quyền cấp xã, huyện thì thời gian chỉ tính bằng tuần, bằng tháng và không phải tốn nhiều chi phí.
Do vậy, nhiều doanh nghiệp đã vận dụng, lách luật để trục lợi, lừa đảo khách hàng. Và để những dự án tự phân lô này xảy ra, chắc chắn phải có sự tiếp tay hoặc làm ngơ của chính quyền địa phương. Nếu chính quyền ký cho phép làm đường mà không qua quy hoạch, không đảm bảo cốt nền, rõ ràng đã tiếp tay cho tội phạm; hoặc nếu không cho phép, công ty tự làm đường trên địa bàn mà chính quyền địa phương “không biết” thì cũng phải chịu trách nhiệm. Bởi, không có chuyện xây đường, đổ đất ầm ầm hàng ngày mà chính quyền… không biết.
Vụ việc của Công ty Alibaba chính là một bài học đắt giá trong việc khắc phục những lỗ hổng pháp lý về đất đai.
Nhà đất 09:29 | 20/09/2019
Nhà đất 05:55 | 20/09/2019
Kinh doanh 17:04 | 19/09/2019
Kinh doanh 16:00 | 19/09/2019
Kinh doanh 12:10 | 19/09/2019
Kinh doanh 10:10 | 19/09/2019
Nhà đất 21:05 | 23/06/2019
Thời sự 18:51 | 23/06/2019