Chiều ngày 29/12/2022 vừa qua, Tòa án nhân dân TP HCM đã tuyên án bị cáo Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc điều hành CTCP Địa ốc Alibaba án tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bên cạnh đó, Nguyễn Thái Luyện và vợ liên đới phải bồi thường hơn 2.445 tỷ đồng cho 4.548 bị hại, theoTTXVN.
Theo đó, Nguyễn Thái Luyện đã thành lập 22 công ty trực thuộc Alibaba, giao những người thân trong gia đình hoặc thân tín làm người đại diện theo pháp luật, sau đó tổ chức mua số lượng lớn đất nông nghiệp.
Tính đến ngày khởi tố vụ án là ngày 13/9/2019 (hơn 3 năm kể từ ngày thành lập), Alibaba đã tự lập ra 58 dự án dân cư, phân lô trái pháp luật, đưa ra các thông tin không có thật, tự đặt tên các dự án để kêu gọi, lừa ký hợp đồng bán đất nền dưới dạng thổ cư để huy động tiền từ khách hàng...
Sau nhiều năm xét xử, vụ án Alibaba sau cùng đã đi đến hồi kết. Vụ việc này cũng phần nào cho thấy tầm quan trọng trong công tác quản lý dữ liệu đất đai ở nước ta.
Trao đổi với người viết, KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội nhìn nhận, việc bị cáo Nguyễn Thái Luyện lập 58 dự án tự phân lô, bán nền đất nông nghiệp để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản một lần nữa cho thấy lỗ hổng trong quản lý dữ liệu đất đai.
Theo ông Ánh, dữ liệu quản lý đất đai có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng kế hoạch phát triển quốc gia, địa phương cũng như đời sống từng tổ chức, cá nhân. Đó cũng là cơ sở để quản lý đất đai hiệu quả, hạn chế việc vẽ quy hoạch, xây dựng các dự án "ma".
"Chính phủ đã phê duyệt, giao Bộ Tài nguyên Môi trường (TNMT) lập Đề án Kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất nhằm đánh giá thực trạng tình hình sử dụng đất đai của các cấp trong 5 năm qua, nhằm đánh giá được sự biến động đất đai, làm cơ sở cho việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hiện trạng sử dụng đất được công khai, thể hiện rõ trên bản đồ sẽ giúp người dân nắm rõ các thông tin về đất đai, từ đó tránh được những thủ đoạn của Nguyễn Thái Luyện", ông Ánh chia sẻ.
Vị chuyên gia cho biết thêm, trong 20 năm (năm 2000 - 2020), ngành TNMT đã có những lần công bố các dự án số hoá bản đồ, tin học hoá quản lý địa chính từ cấp địa phương tới quốc gia… song thông tin đất đai của ngành vẫn chưa hoàn thiện. Điều này vô tình tạo cơ hội cho các dự án giả tràn lan. Đây là một lỗ hổng để những cá nhân như Nguyễn Thái Luyện thực hiện hành vi phạm tội.
Bên cạnh việc công khai đầy đủ thông tin về đất đai; xây dựng dữ liệu, bản đồ số hoá đất đai cũng cần nâng cao năng lực, chuyên môn của những người quản lý lĩnh vực đất đai, địa chính.
"Từ năm 2005, ngành TNMT đã khởi động kiểm kê đất đai bằng bản đồ số, tuy nhiên phần mềm vẽ bản đồ chỉ hỗ trợ in ấn, xuất bản, chưa có chức năng quản lý, kết nối mạng.
Trong khi đó, nhiều cán bộ địa chính ở các địa phương khả năng cập nhật biến động bản đồ bằng phần mềm đồ họa vẫn còn hạn chế; người quản lý chưa thuần thục về vẽ, người biết vẽ lại thiếu thông tin nên việc đồng bộ hóa dữ liệu bản đồ số còn trở ngại.
Bởi vậy, cán bộ địa chính cấp xã, phường cần phải cải thiện kỹ năng đọc bản vẽ, sử dụng đồ hoạ... thay vì quản lý theo phương thức cũ, dựa trên tờ bản đồ vẽ tay từ những năm 90 của thế kỷ trước.
Việc cập nhập sự biến động về dữ liệu đất đai, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là mấu chốt để loại bỏ những sai phạm về đất", theo KTS Trần Huy Ánh.
Dưới góc nhìn của ông Ánh, quản trị tài nguyên đất đai có vai trò quan trọng, tạo nên nguồn lực để phát triển kinh tế quốc gia. Thu thuế từ đất đai và tài sản trên đất đóng góp hơn 1/3 ngân sách quốc gia.
Minh chứng thêm cho tầm quan trọng của việc quản lý đất đai, vị kiến trúc sư lấy ví dụ về mô hình quản lý đất thời kỳ Pháp thuộc.
"Hà Nội thời Nguyễn là một tỉnh, có sơ đồ định danh hành chính, còn quản lý đất đai bằng sổ sách, chia ra 4 loại đất gồm: đất của vua (sở hữu nhà nước); đất công phân cho dân cày cấy (không được bán); đất công do cộng đồng tự quản và đất riêng.
Khi Pháp chiếm Hà Nội, tới năm 1885 đã đo đạc bản đồ và phân ra 2 loại đất: đất công và đất tư (trong đó có 55% là đất công).
Năm 1903, Hà Nội đã sung công 2.333/8.528 thửa đất (chiếm 1/3 diện tích thành phố lúc đó) để cho thuê lại và bán đi nhập vào công quỹ, chi ngân sách mở rộng đường phố, các việc công ích, nhờ đó hạ tầng được phát triển.
Căn cứ vào tài liệu, cơ quan quản lý đã gắn số thửa vào bản đồ quản lý, cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, bao gồm trích lục bản đồ tỷ lệ 1/200. Tài liệu được Quốc gia lưu trữ, bảo vệ, là công cụ chống lấn chiếm, sử dụng đất trái phép. Đến nay, chúng ta vẫn có thể học hỏi nhiều điều từ mô hình quản trị đất đai từ hàng trăm năm trước", ông Ánh cho hay.