Hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai - Bài cuối: Cần có cơ sở dữ liệu về đất đai thống nhất

Một trong những biện pháp khắc phục hạn chế của Luật Đất đai năm 2013, đảm bảo quản lý đất đai một cách minh bạch, hiệu quả, cũng như phòng ngừa các vấn đề phát sinh trong quản lý đất đai là cần xây dựng một hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về đất đai hoàn chỉnh, thống nhất ở quy mô quốc gia.

Đất ở xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột, tăng theo một số dự án trên địa bàn. (TTXVN).

Thiếu cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia thống nhất

Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia cần được xây dựng thống nhất trong phạm vi cả nước, gồm cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật về đất đai; cơ sở dữ liệu địa chính; cơ sở dữ liệu điều tra cơ bản về đất đai; cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cơ sở dữ liệu giá đất; cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai; cơ sở dữ liệu về thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai; cơ sở dữ liệu khác liên quan đến đất đai.

Quản lý đất đai, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin đất đai là những vấn đề quan trọng để đảm bảo quản lý đất đai một cách minh bạch, đồng thời góp phần phòng ngừa các vấn đề phát sinh trong quản lý đất đai. Hệ thống thông tin đất đai đảm bảo kết nối liên thông cải cách thủ tục hành chính giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với các ngành thuế, hải quan. Các thông tin về hiện trạng sử dụng đất đai, các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai, các thông tin về giá trị đất đai, góp phần làm giảm thiểu rủi ro không đáng có khi chuyển nhượng nhà đất cũng như hạn chế việc đầu cơ, thổi giá nhà đất gây bất ổn cho sự phát triển kinh tế.

Hệ thống thông tin đất đai còn liên kết với một số hệ thống thông tin khác đưa ra các thông tin phục vụ cho việc điều hành quản lý và xem xét việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đối với đất đai cho phù hợp với các mục tiêu của các tổ chức trong và ngoài nước. Hệ thống thông tin đất đai phục vụ đắc lực, hiệu quả cho việc hình thành, phát triển thị trường chuyển quyền sử dụng đất và thị trường bất động sản thông qua việc cung cấp đầy đủ và kịp thời các thông tin về đất đai.

Thời gian qua, đã có nhiều nguồn lực được đầu tư để xây dựng hệ thống thông tin đất đai và cơ sơ dữ liệu đất đai ở nước ta. Bước đầu hệ thống thông tin đất đai và cơ sơ dữ liệu đất đai đã được hình thành.

Tuy vậy, do chưa được đầu tư đồng bộ, hệ thống nên việc lưu trữ dữ liệu hiện nay còn phân tán, chưa được quản lý, vận hành một cách hợp lý, dẫn tới hiệu quả khai thác và sử dụng những dữ liệu này cho công tác quản lý của Nhà nước còn nhiều hạn chế. Dữ liệu đầu tư mới tập trung vào cơ sơ dữ liệu địa chính, còn các cơ sơ dữ liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất là các thành phần cấu thành cơ sơ dữ liệu đất đai hoàn chỉnh thì lại chưa được đầu tư. Việc đảm bảo dữ liệu được cập nhật, chia sẻ cho các đối tượng khác nhau cùng khai thác, sử dụng còn nhiều hạn chế và chưa được quan tâm, chú trọng đã phần nào giảm tính hiệu quả các nguồn lực đầu tư.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai, hồ sơ địa chính theo mô hình hiện đại, tập trung, thống nhất, đa mục tiêu, trong đó bảo đảm nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính để hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia tập trung, thống nhất; bảo đảm nguồn lực thực hiện các chỉ tiêu trong quy hoạch sử dụng đất.

Trong năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, hoàn thiện các công cụ để quản lý, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai, kết nối liên ngành, thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến về đất đai; thực hiện đúng yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 82 ngày 14/6/2019 về việc bố trí dự toán ngân sách, trích nguồn thu từ đất để đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai, hướng tới tăng số huyện và số tỉnh đưa cơ sở dữ liệu đất đai vào vận hành khai thác, sử dụng.

Các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm khẩn trương lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, các quy hoạch có sử dụng đất đồng bộ, thống nhất với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; khắc phục tình trạng tùy tiện điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép; rà soát các quy hoạch có sử dụng đất theo hướng bảo đảm phù hợp, đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất quốc gia, bảo đảm tính hệ thống, liên kết, đồng bộ, kế thừa và ổn định giữa các quy hoạch; việc bố trí sử dụng đất phải hợp lý, khai thác hiệu quả không gian, bảo đảm đồng bộ hạ tầng kỹ thuật với hạ tầng xã hội; nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Hoàn thiện dữ liệu đất đai

Tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất bổ sung một số quy định nhằm đảm bảo xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia theo hướng tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông trên phạm vi cả nước.

Tại chương XI của Dự thảo Luật, ngoài các nội dung kế thừa Luật Đất đai năm 2013, căn cứ vào mục tiêu cụ thể đến năm 2025 của Nghị quyết số 18 ngày 16/6 của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất sửa đổi, bổ sung các vấn đề sau:

Bổ sung quy định tại khoản 1, 2, 3 thuộc Điều 134 về Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai được thiết kế tổng thể và xây dựng thành một hệ thống tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông trên phạm vi cả nước; quy định cơ sở dữ liệu đất đai được xây dựng, vận hành để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai tại khoản 1, 3 thuộc Điều 135 tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất bổ sung quy định tại Điều 136 của Dự thảo Luật về quản lý, kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương và quy định về việc khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.

Bên cạnh đó, Điều 137 Dự thảo Luật bổ sung quy định về cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực đất đai và trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc xây dựng, tổ chức, hướng dẫn triển khai dịch vụ công trực tuyến về đất đai, bảo đảm tính đồng bộ, kết nối, liên thông.

Điều 138 bổ sung quy định về việc bảo đảm kinh phí để xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng hệ thống thông tin đất đai theo hướng được sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vốn vay, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và các nguồn khác theo quy định của pháp luật để đảm bảo mục tiêu hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu vào năm 2025 mà Nghị quyết số 18-NQ/TW đề ra.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc đề xuất bổ sung các quy định nêu trên là nhằm đảm bảo xây dựng hệ thống thông tin đất đai quốc gia theo hướng tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông trên phạm vi cả nước theo nội dung của Nghị quyết số 18 ngày 16/6 của Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa XIII, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai; kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

Trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tại Chương XI “Hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai” có Điều 134 “Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai” quy định: Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai được thiết kế tổng thể và xây dựng thành một hệ thống tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông trên phạm vi cả nước. Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai được xây dựng, vận hành để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai; kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai gồm các thành phần cơ bản: hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin; phần mềm xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.

Điều 135 “Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai” có quy định: Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai được xây dựng thống nhất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, quốc tế được công nhận tại Việt Nam, triển khai đồng bộ trong phạm vi cả nước.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai gồm các thành phần: cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật về đất đai; cơ sở dữ liệu địa chính; cơ sở dữ liệu điều tra, đánh giá đất đai; cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cơ sở dữ liệu giá đất; cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai; cơ sở dữ liệu về thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai; cơ sở dữ liệu khác liên quan đến đất đai.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai là nền tảng cơ sở cho triển khai công tác quản lý, nghiệp vụ, hoạt động về đất đai; cung cấp dữ liệu thông tin cho quản trị nhà nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phát triển Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số; tạo ra thông tin mới và các giá trị gia tăng; nguồn thu từ phí cung cấp dữ liệu, thông tin đất đai để phát triển, duy trì, vận hành cơ sở dữ liệu đất đai.

Điều 136 “Quản lý, khai thác và kết nối liên thông cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai” có quy định: Thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác thực điện tử có giá trị pháp lý như trong hồ sơ dạng giấy. Cơ sở dữ liệu đất đai là tài sản của Nhà nước phải được bảo đảm an ninh, an toàn chặt chẽ; nghiêm cấm mọi hành vi truy cập trái phép, phá hoại, làm sai lệch thông tin trong cơ sở dữ liệu đất đai. Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai là duy nhất, được quản lý tập trung và được phân cấp, phân quyền thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai phải được cập nhật đầy đủ, chính xác, kịp thời, đảm bảo phù hợp với hiện trạng quản lý, sử dụng đất đai trên thực tế.

Các bộ, ngành, cơ quan có liên quan được kết nối liên thông cơ sở dữ liệu chuyên ngành để cập nhật, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. Việc kết nối liên thông phải bảo đảm hiệu quả, an toàn, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

chọn
D2D ước lãi thêm 800 tỷ từ dự án Lộc An
Năm 2024 - 2029, D2D sẽ thực hiện tiếp giai đoạn 2 khu dân cư Lộc An với tổng mức đầu tư gần 1.116 tỷ đồng. Tổng doanh thu dự kiến trong giai đoạn 2 là hơn 2.181 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 795 tỷ đồng.