Sáng ngày 15/9, tại Hà Nội, UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến phản biện xã hội đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, cần bổ sung vào Dự thảo quy định về đất đai thuộc khu vực quyền tài sản công, đất đai thuộc khu vực quyền tài sản tư và gắn với nó là các quy tắc quản lý phù hợp.
Theo GS.TS Đặng Hùng Võ, chuyển dịch đất đai đang diễn ra rộng khắp và phức tạp. Trong hoàn cảnh này, một khái niệm tương tự “đất công” và “đất tư” như ở các nước khác cần được đặt ra.
Cụ thể, “đất đai thuộc khu vực quyền tài sản tư” là đất do khu vực tư nhân sử dụng bao gồm đất đã giao, cho thuê đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân. Nhà nước quản lý khu vực đất đai này chỉ bằng giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và thu thuế.
“Đất đai thuộc khu vực quyền tài sản công” gồm đất do nhà nước giao không thu tiền cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đất sử dụng vào mục tiêu công cộng, đất chưa giao, chưa cho thuê và đất chưa sử dụng.
Theo ông Đặng Hùng Võ, ở các nước phát triển, công việc quản lý đất đai chủ yếu tập trung vào khu vực đất công. Trong khi đó, ở Việt Nam, đất đai thuộc khu vực quyền tài sản công thường không được các cơ quan quản lý đất đai đặt thành trọng tâm.
“Chính vì vậy mà nguồn lực công sản bị rơi vào hoàn cảnh dễ dàng bị tham nhũng, lãng phí. Để khắc phục tình trạng quản lý lỏng lẻo này, cần bổ sung vào Luật Đất đai sửa đổi quy định về đất đai thuộc khu vực quyền tài sản công và đất đai thuộc khu vực quyền tài sản tư và gắn với nó là các quy tắc quản lý phù hợp”, GS.TS Đặng Hùng Võ cho hay.
Năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 67 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 167/2017 nhằm hoàn chỉnh cơ chế sắp xếp lại việc sử dụng nhà đất thuộc khu vực công. Tuy nhiên, theo GS.TS Đặng Hùng Võ, chỉ có một số công ty nhà nước thực hiện được các cơ chế theo quy định tại các Nghị định 67, còn lại, phần lớn doanh nghiệp cổ phần và các cơ quan, đơn vị, tổ chức của nhà nước chưa tích cực thực hiện.
“Các cơ quan, đơn vị của nhà nước thường lấy thế mạnh của các cơ quan trung ương, không trả lại nhà đất tại các cơ sở cũ cho địa phương sau khi đã di dời đến các cơ sở mới”, GS.TS Đặng Hùng Võ cho hay.
Theo vị chuyên gia, đây là cách thức vốn hóa đất đai rất hiệu quả đối với các nước có nền kinh tế chuyển đổi và nhà nước phải thu được giá trị đất đai rất lớn từ khối lượng tài sản công hình thành trong thời kỳ bao cấp chuyển đổi sang cơ chế thị trường. Tuy nhiên, để làm được việc này, cần có những quy định pháp luật thực sự rõ ràng với bản chất là vốn hóa đất đai.
“Sự sắp xếp lại việc sử dụng nhà đất thuộc tài sản công có kết quả là phần nhà đất công dôi dư sẽ mang lại nguồn thu ngân sách rất lớn. Đó là hệ quả tài chính và phải được coi như một nguồn thu từ đất, phải được định giá thành tiền để đưa vào nguồn thu ngân sách nhà nước. Điều khó khăn Việt Nam chưa vượt qua được vẫn là việc giải quyết mối quan hệ giữa lợi ích công và lợi ích từ trong quá trình chuyển đổi”.
GS.TS Đặng Hùng Võ cho rằng, việc sửa đổi Luật đất đai cần có quan tâm đặc biệt tới quá trình giải quyết chuyển dịch từ quyền tài sản công đối với quyền sử dụng đất về thỏa mãn nhu cầu các nhà đầu tư tư nhân, nhưng Nhà nước phải thu đầy đủ quyền tài sản đó. Luật Đất đai sửa đổi cần quan tâm tới việc luật hóa Nghị định 67/2021/NĐ-CP có bổ sung cho hợp lý.