(Ảnh minh hoạ: Hoàng Huy).
Đã hơn 6 tháng kể từ khi Luật Đất đai 2024 chính thức có hiệu lực. Chính sách mới được kỳ vọng giúp thị trường đất nông nghiệp phát triển. Tuy nhiên, khi giá trị đất nông nghiệp tăng lên cũng có những lo ngại về tình trạng đầu cơ, nhất là trong các giai đoạn sốt đất.
Bàn về vấn đề này tại tọa đàm mới đây của Báo Dân Việt, ông Lê Văn Bình, Phó vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: "Khái niệm đầu cơ cần thay đổi, tôi cho đây là đầu tư".
Theo ông Bình, giá đất nông nghiệp tăng lên là nhìn nhận đúng về giá trị vốn có. Đất nông nghiệp tăng một phần do bảng giá, còn phần lớn là do người dân thấy giá trị đất tăng lên.
Giá đất nông nghiệp tăng lên, người dân sử dụng đất sẽ quý trọng đất hơn, ý thức đầu tư vốn, bỏ công bồi bổ đất để làm tăng sinh lợi đất, kích thích chuyển dịch đất nông nghiệp cho người có nhu cầu mua.
Trước đây, Luật Đất đai cũ không cho người không làm nông nghiệp được sở hữu, sử dụng đất nông nghiệp, sở hữu đất trồng lúa; song hiện nay đối tượng này đã có thể được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa.
Điều này có thể giúp người dân làm việc ở lĩnh vực khác như công chức, viên chức đam mê nông nghiệp có thể nhận chuyển nhượng để trồng lúa. Bên cạnh đó, người dân được nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, được gom đất để làm các dự án nông nghiệp.
"Tôi không lo đầu cơ khi giá đất nông nghiệp tăng lên, nỗi lo lớn hiện nay là làm sao để đất nông nghiệp không lãng phí, không bỏ hoang. Khi đất nông nghiệp tăng giá, người ta có thế sử dụng lợi thế đất đai, chăm lo vun vén cho thửa ruộng của mình một cách tốt hơn", Phó vụ trưởng Vụ Đất đai nói.
Đối với lo ngại nhà đầu tư gom đất nông nghiệp, ông Bình cho rằng không đơn giản bởi khi gom đất thì phải được Nhà nước cho phép đúng quy hoạch, khi thoả thuận đền bù, người dân, doanh nghiệp phải xin Nhà nước thoả thuận, khi cơ quan Nhà nước cho phép, họ mới được quyền thoả thuận với người dân.