Chuyên gia: Đất nông nghiệp có thể sinh lời gấp hai, gấp ba lần mà không cần phân lô bán nền

Dưới góc nhìn của PGS.TS Nguyễn Minh Ngọc, bỏ qua câu chuyện tách thửa, phân lô bán nền, nếu có thể khai thác bất động sản nông nghiệp theo hướng du lịch, nghỉ dưỡng hay các dịch vụ chuyên đề khác như chữa lành, luyện tập yoga, khí công, trại nghiên cứu sáng tác... thì dòng tiền hoàn toàn có thể gấp hai, thậm chí gấp ba lần.

 

Tại một hội thảo được tổ chức mới đây, PGS.TS Nguyễn Minh Ngọc, Phó trưởng khoa Thẩm định giá - Kinh doanh Bất động sản, Đại học Tài chính - Marketing (TP HCM) đã có những chia sẻ về xu hướng phát triển của ngành địa ốc trong tương lai. 

Theo chuyên gia này, bên cạnh việc ban hành các chính sách vĩ mô chung về bất động sản thì Chính phủ cũng nên có thêm những nghiên cứu chuyên sâu và đưa ra các chính sách, khuyến khích đối với từng phân khúc, từng loại hình, từng mục tiêu phát triển riêng biệt của thị trường.   

Đơn cử như với bất động sản nông nghiệp, vị này đề xuất cần có các chính sách hỗ trợ, hướng dẫn, mang tính chất khởi động ở giai đoạn đầu, sau đó dần tiến tới việc điều chỉnh, “ép” người nắm giữ đất nông nghiệp phải có sự phát triển, đầu tư thực chất trên các sản phẩm này. 

“Đây là cả quá trình dài, không thể chỉ diễn ra trong thời gian ngắn mà có thể cần đến khoảng 5 - 10 năm. Đất nông nghiệp chính là nguồn cung lớn nhất của thị trường. Bỏ qua câu chuyện tách thửa, phân lô bán nền, tôi nghĩ nếu khởi động được chương trình này thì sẽ rất phù hợp với lợi thế vốn có của Việt Nam là nước nông nghiệp. 

Chúng ta vẫn nói Việt Nam là bếp ăn của thế giới, nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế. Chú trọng đầu tư vào đất nông nghiệp và các dịch vụ gia tăng trên đất nông nghiệp hoàn toàn có thể là hướng đi mới, tạo động lực phát triển cho thị trường bất động sản lúc này”, ông Ngọc nói. 

Nguồn cung từ đất nông nghiệp là rất lớn. (Ảnh: Di Anh).  

Trong một cuộc trò chuyện với người viết vào năm ngoái, PGS.TS Nguyễn Minh Ngọc từng dự báo trong tương lai sẽ dần xuất hiện rõ nét một xu hướng đầu tư mới trên thị trường là ngày càng có nhiều người để mắt tới bất động sản nông nghiệp một cách thực chất, tức là đầu tư làm nông nghiệp.

Đây sẽ là xu hướng đầu tư đi kèm hành động, tức là nhà đầu tư sẽ không chỉ mua rồi để đó mà sẽ phát triển bằng cách khai thác, vận hành cho mảnh đất sinh lời. Xu hướng này trước mắt quy mô có thể không lớn, nhưng là một kênh đầu tư tốt trong trung - dài hạn và sẽ ngày càng có nhiều người tham gia.

Theo ông Ngọc, đầu tư bài bản và có định hướng, mục tiêu rõ ràng sẽ mang lại hiệu quả cao hơn so với việc băm nát đất đai chỉ để phân lô, bán nền. Một thực trạng đáng buồn là nhiều bất động sản nông nghiệp nói riêng và bất động sản nói chung bị phân lô bừa bãi đã từng đem lại cảm giác sốt ảo, tưởng chừng để phục vụ nhu cầu ở thực cho người dân nhưng cuối cùng không có người ở.

Hậu quả là nhiều mảnh đất sau khi bị băm nát thì hiện đang có xu hướng được gom lại với nhau thành một thửa lớn để canh tác hoặc khai thác các dịch vụ tổng hợp.

“Tôi cho rằng đây sẽ là hướng đi mới và thậm chí có thể phát triển kéo dài trong vòng 5 - 10 năm tiếp theo. Với cách thức đầu tư kèm theo mục tiêu phát triển rõ ràng, có thể đưa đất đai vào vận hành, khai thác, kinh doanh; hạt sạn đầu cơ sẽ dần bị lấn át. 

Bất động sản nông nghiệp đa dụng sẽ là một lựa chọn sáng giá khi vừa có thể khai thác nông nghiệp, du lịch, nghỉ dưỡng hay các dịch vụ chuyên đề khác như chữa lành, luyện tập yoga, khí công, trại nghiên cứu sáng tác... Khi đó dòng tiền hoàn toàn có thể gấp hai, thậm chí gấp ba lần.

Ở Việt Nam, diện tích đất nông nghiệp rất lớn nhưng chỉ có 0,01% trong đó được coi là đất nông nghiệp đa dụng. Trong quỹ đất nông nghiệp đa dụng, lại chỉ có 0,01% diện tích đất được chấm điểm 7 trở lên trong thang điểm 10, tức là những quỹ đất đặc biệt chất lượng và quý hiếm.

Do đó, nếu nhà đầu tư mà săn được những mảnh đất “0,01 của 0,01” thì dòng tiền sẽ có khả năng sinh lời rất tốt, tất nhiên là phải đi kèm với những năng lực toàn diện, cụ thể để khai thác, kinh doanh... thay vì để đất đai nằm im một chỗ”, vị chuyên gia chia sẻ.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.