Mới đây, tại chương trình Landshow do VTV24 tổ chức, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã trả lời, làm rõ nhiều nội dung liên quan đến dự án Luật Đất đai sửa đổi.
Bộ trưởng cho biết việc định giá đất hiện nay đang sử dụng khung giá đất do nhà nước ban hành và bảng giá là do các địa phương ban hành. Ngoài ra, các trường hợp đền bù đất đai cụ thể được áp dụng theo giá thị trường. Trong đó, khung giá đất rất khó theo kịp biến động giá đất trên thị trường. Bảng giá cũng không thể sát giá thị trường vì không được lớn hơn 30% so với khung giá.
Để khắc phục tình trạng này, sắp tới sẽ bỏ khung giá và xây dựng bảng giá đất hàng năm.
"Bảng giá đất sẽ sát giá thị trường hơn và giải quyết những bất cập do sự chênh lệch lớn giữa khung giá và giá thị trường", Bộ trưởng cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng, việc thu thập dữ liệu giá đất phải chính xác, khi Nhà nước giao đất cần tiến hành đấu giá, đấu thầu để có giá thị trường, mọi giao dịch đất đai của doanh nghiệp cũng đều phải công khai, chính xác, thông qua sàn giao dịch.
Đặc biệt, sẽ không tính tiền chuyển nhượng sử dụng đất theo giá kê khai trong hợp đồng.
"Việc kê khai giá trên hợp đồng là một trong những căn cứ để thu thuế nên người bán người mua thường có tâm lý làm sao để kê khai giá đất thấp nhất. Trong dự thảo Luật lần này chúng ta sẽ không căn cứ vào giá kê khai trong hợp đồng mà sẽ căn cứ vào bảng giá đất", Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết,.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, nghĩa vụ của người sử dụng đất là phải công bố giá đất, đăng ký công khai, minh bạch và chính xác. Đăng ký không chính xác giá đất ghi trong hợp đồng là vi phạm pháp luật.
Việc thu thập thông tin dữ liệu đất đai giúp xây dựng một hệ thống thông tin thống nhất, tập trung đa mục đích và chia sẻ.
"Điều này sẽ giải quyết bài toán về phòng chống tham nhũng, đảm bảo minh bạch; giải quyết bài toán về dịch vụ công, đảm bảo cải cách thủ tục hành chính minh bạch cho người dân. Thêm vào đó, chúng ta có thể giám sát được mọi biến động đất đai trên toàn quốc", Bộ trưởng cho hay.
Theo Nghị quyết 18, đến năm 2025 xây dựng dữ liệu thông tin đất đai thống nhất, tập trung quốc gia, kết nối từ trung ương tới địa phương và các bộ ngành, cùng với các hệ thống số khác như danh mục định danh dân cư hoặc các hệ thống liên quan thuế,... Người dân có thể thực hiện các thủ tục hành chính trên hệ thống này, bên cạnh đó là giám sát, tiếp cận các thông tin được quyền tiếp cận theo quy định như Luật Đất đai tới đây.