An Trường An giải trình việc công ty ngừng hoạt động và chưa đóng mã số thuế

CTCP An Trường An (Mã: ATG) cho biết công ty nhận được công văn của Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HOSE) yêu cầu giải trình thông tin công ty ngừng hoạt động và chưa đóng mã số thuế, vào ngày 14/10.

Số thuế còn nợ tính tới ngày 18/9 là hơn 1,28 tỉ đồng. Phía An Trường An đã có văn bản giải trình và cho biết công ty chưa thực hiện thủ tục nào liên quan đến việc ngừng hoạt động hay giải thể công ty, các hoạt động của công ty vẫn diễn ra bình thường. 

Công ty cho biết đã trao đổi với Cục thuế tỉnh Bình Định về trạng thái ngừng hoạt động và chưa đóng mã số thuế, biện pháp khắc phục là thanh toán dứt điểm toàn bộ nợ thuế tồn đọng.

Hiện nay, công ty vẫn đang cố gắng thu hồi các khoản công nợ để có nguồn tài chính thanh toán nợ thuế nhưng do tình hình khó khăn vì dịch bệnh nên chưa thực hiện được theo đúng tiến độ trong các văn bản giải trình trước đây. Công ty nói thêm sẽ khắc phục tình trạng này trong tháng 10.

HOSE cũng vừa thông báo đưa cổ phiếu ATG vào diện tạm ngừng giao dịch từ ngày 14/10 để bảo vệ lợi ích nhà đầu tư.

Nguyên nhân là An Trường An tiếp tục vi phạm qui định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.

Không nguồn thu, lỗ luỹ kế hơn 24 tỉ đồng

An Trường An cũng vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quí III/2020 và tiếp tục một quí nữa doanh nghiệp không có doanh thu và lợi nhuận âm.

Trong quí III, An Trường An phải trả gần 351 triệu đồng chi phí lãi vay cùng hơn 33 triệu đồng chi phí quản lí doanh nghiệp. Công ty cũng không phát sinh chi phí bán hàng nên hết quí công ty lỗ 384 triệu đồng, giảm so với con số lỗ 607 triệu đồng cùng kì. 

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, công ty không có doanh thu và lỗ gần 1,57 tỉ đồng. Lỗ luỹ kế tới ngày 30/9 là hơn 24 tỉ đồng. Số nhân viên của công ty tại thời điểm cuối tháng 9 là 11 người.

Tổng tài sản cuối quí III là 194 tỉ đồng với khoản phải thu hơn 106 tỉ đồng và hơn 60 tỉ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang. 

Giá trị tài sản dở dang dài hạn đọng ở dự án Thuỷ Sơn Trang (dự án khu du lịch – vui chơi giải trí điểm du lịch số 04, tuyến du lịch Quy Nhơn – Sông Cầu) gần 37 tỉ đồng và hơn 23 tỉ ở dự án khu công nghiệp Sơn Mỹ.

Trong đó, công ty đã không tiếp tục đầu tư và thu hồi vốn tại dự án khu du lịch – vui chơi giải trí tại do không giải toả được 261 ngôi mộ nằm trong dự án nên việc duy trì dự án này không khả thi. 

Với dự án khu công nghiệp Sơn Mỹ, công ty đã ngừng rót vốn từ năm 2019 và sẽ thoái vốn trong tương lai nếu có dự án khác. 

Tại ngày 30/9, tổng nợ đi vay của công ty là 10,2 tỉ đồng với 9 tỉ đồng từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB).

Gần cuối tháng 9, công ty đã bị ngân hàng SHB ra thông báo thu giữ và xử lí tài sản đảm bảo của CTCP An Trường An (Mã: Mã: ATG). Phía SHB cho biết khoản vay của An Trường An đã quá hạn và chuyển sang nợ xấu.

SHB cho hay dù ngân hàng đã nhiều lần hỗ trợ, tạo điều kiện để An Trường An thanh toán và thực hiện nghĩa vụ trả nợ nhưng công ty vẫn không thực hiện đúng các cam kết trả nợ, vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng.

Do đó, SHB đưa ra thông báo sẽ tiến hành thu giữ toàn bộ tài sản đảm bảo gồm tài sản tại các địa chỉ sau: 347, 347A và 347 (sau) Trần Hưng Đạo, phường Trần Hưng Đạo TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định (trụ sở công ty); tài sản tại địa chỉ 31A, khu vực 7 cũng ở phường Trần Hưng Đạo. Trong đó số 347 Trần Hưng Đạo là trụ sở công ty.

Sau đó, phía An Trường An đã có công văn giải trình và cho biết các tài sản đảm bảo này thuộc sở hữu cá nhân của ông Trương Đình Xuân – Chủ tịch HĐQT và bà Trần Thị Mai Xuân – Tổng giám đốc. Do chủ tịch HĐQT đang điều trị bệnh nên dẫn đến việc chậm trễ công bố thông tin này.

An Trường An cho hay công ty đang thu xếp nguồn tiền để thanh toán dứt điểm nợ vay cho ngân hàng, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của công ty tại trụ sở và không ảnh hưởng xấu đến nhà đầu tư.

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.