Ăn uống với đương sự, thẩm phán sẽ bị hạ lương?

Lần đầu tiên TAND Tối cao xây dựng quy định về việc xử lý trách nhiệm, kỷ luật đối với chánh án, phó chánh án, thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký tòa nếu có sai phạm…

TAND Tối cao đang xây dựng dự thảo quy chế xử lý trách nhiệm đối với người giữ chức danh tư pháp trong các TAND (chánh án, phó chánh án, thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký tòa). Dự thảo dành hẳn một chương quy định về việc xử lý kỷ luật người giữ chức danh tư pháp với các hình thức từ khiển trách, cảnh cáo hoặc hạ bậc lương, giáng chức hoặc cách chức và buộc thôi việc. Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu một số nội dung đáng chú ý.

Hách dịch, cửa quyền: Khiển trách

Dự thảo quy định người giữ chức danh tư pháp trong ngành tòa án bị khiển trách khi có một trong các hành vi:

- Khi xét xử mặc không đúng trang phục xét xử; ngủ gật; sử dụng ĐTDĐ để nghe, gọi; hút thuốc; uống rượu, bia, đồ uống có cồn khác hoặc các hành vi làm ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của phiên tòa, uy tín của tòa, đã được người có thẩm quyền nhắc nhở nhưng vẫn vi phạm.

- Cố ý để vợ (chồng), cha mẹ đẻ, cha mẹ vợ (chồng), con, anh chị em ruột tham gia bào chữa hoặc tư vấn những vụ việc được phân công giải quyết.

- Có thái độ hách dịch, cửa quyền hoặc gây khó khăn, phiền hà đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao.

- Tiếp bị can, bị cáo, đương sự hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ việc mình có trách nhiệm giải quyết tại địa điểm, thời gian không đúng quy định của pháp luật.

- Thiếu trách nhiệm dẫn đến hư hỏng, mất, thất lạc hồ sơ, tài liệu, vật chứng, chứng cứ của vụ án nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS).

- Cố ý không thực hiện quy định về cấp, giao, gửi hoặc thông báo các quyết định, văn bản tố tụng…

Với những vi phạm này ở mức độ cao hơn, người giữ chức danh tư pháp có thể bị cảnh cáo hoặc hạ bậc lương. Chẳng hạn tiếp bị can, bị cáo, đương sự hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tại địa điểm, thời gian không đúng quy định, gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của tòa. Gặp gỡ, ăn uống với đương sự trong vụ việc mà mình được giao giải quyết, xét xử, làm ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ việc hoặc ảnh hưởng tới uy tín của tòa…

an uong voi duong su tham phan se bi ha luong
Quy chế xử lý trách nhiệm sẽ giúp siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong ngành tòa án. Ảnh minh họa: H.YẾN

Nhận tiền đương sự: Giáng chức, cách chức

Dự thảo cũng quy định người giữ chức danh tư pháp bị giáng chức hoặc cách chức khi có một trong các hành vi:

- Nhận tiền hoặc lợi ích vật chất khác nhưng chưa đến mức xử lý TNHS để giải quyết hoặc tác động đến người có trách nhiệm giải quyết vụ việc trái quy định của pháp luật, quy chế, quy định của TAND.

- Môi giới, đưa, nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trong tuyển dụng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, bố trí công tác, nâng ngạch trái quy định.

- Thiếu trách nhiệm làm mất hồ sơ vụ việc, gây hậu quả nghiêm trọng đến việc giải quyết vụ việc.

- Tổ chức, tham gia đánh bạc, gá bạc hoặc các tệ nạn xã hội khác chưa đến mức truy cứu TNHS.

- Bị phạt tù cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ…

Đặc biệt, người vi phạm một trong những hành vi sau sẽ bị buộc thôi việc: Bị phạt tù mà không được hưởng án treo. Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống TAND. Nghiện ma túy có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền…

“Giúp cán bộ tòa biết sợ”

Một thẩm phán TAND TP Hà Nội cho biết TAND TP Hà Nội đã tổ chức thảo luận về dự thảo quy chế này và “cảm giác chung là thấy rất nặng nề”. Đây cũng là tâm trạng của một số thẩm phán khác khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.

Tuy nhiên, theo tờ trình của Ban Thanh tra TAND Tối cao (đơn vị chủ trì soạn thảo quy chế), việc ban hành quy chế là rất cần thiết nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong các tòa. Thực tế hiện nay có một bộ phận cán bộ giữ chức danh tư pháp ở một số tòa chấp hành kỷ cương, kỷ luật công vụ chưa nghiêm. Trong khi đó, việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ tòa được thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và văn bản hướng dẫn với những điều khoản còn chung chung. Cho đến nay TAND Tối cao chưa có quy định về việc xử lý trách nhiệm, kỷ luật đối với đội ngũ công chức, viên chức giữ chức danh tư pháp, dẫn đến những khó khăn, bất cập khi xử lý vi phạm.

Theo Trưởng ban Thanh tra TAND Tối cao Hoàng Văn Hồng, không phải tất cả sai sót, sai phạm của cán bộ tòa đều do năng lực mà một phần rất lớn là do thái độ tiếp cận công việc. “Quy chế này nếu được ban hành vừa có tính khả thi, vừa là một trong những công cụ để bảo vệ cán bộ chứ không phải chỉ nhằm xử lý cán bộ. Nó vừa giúp người quản lý siết chặt kỷ cương, kỷ luật, vừa để cho từng cán bộ tòa biết sợ, biết thận trọng, từ đó hạn chế được sai lầm, sai sót” - ông Hồng khẳng định.

Ghi thiếu biên bản phiên tòa: Thư ký bị kỷ luật

Theo dự thảo, thư ký tòa có thể bị kiểm điểm trước cơ quan khi có một trong các hành vi: Từ chối nhận đơn trái quy định của pháp luật trong trường hợp được người có thẩm quyền phân công. Không ghi biên bản, biên nhận, giấy hẹn cho người nộp đơn, không ghi sổ nhận đơn hoặc không chuyển đơn cho người có thẩm quyền xem xét theo quy định, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đương sự. Đem hồ sơ vụ án, tài liệu trong hồ sơ vụ án ra khỏi cơ quan hoặc sao chụp hồ sơ tài liệu nếu không vì nhiệm vụ được giao hoặc không được sự đồng ý của người có thẩm quyền. Thiếu trách nhiệm trong thực hiện quy định về cấp, giao, gửi hoặc thông báo các quyết định, văn bản tố tụng, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, bị cáo, người bị kết án, người bị hại…

Thư ký tòa có thể bị tạm đình chỉ công tác một tháng khi có một trong các hành vi:Thiếu trách nhiệm dẫn đến trong một năm công tác có từ hai hành vi vi phạm ghi không đầy đủ, không đúng sự thật mọi diễn biến tại phiên tòa, phiên hòa giải, phiên họp, biên bản lấy lời khai và các loại biên bản khác khi được người có thẩm quyền phân công, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức.Thiếu trách nhiệm dẫn đến trong một năm công tác có từ hai hành vi vi phạm quy định về cấp, giao, gửi hoặc thông báo các quyết định, văn bản tố tụng, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, bị cáo, người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ việc.

Thư ký tòa đã bị xử lý trách nhiệm bằng hình thức tạm đình chỉ công tác nhưng sau đó tiếp tục tái phạm sẽ bị bố trí làm công việc khác.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.