Aranya Việt Nam trúng dự án nhà ở gần 900 tỷ ở Sóc Trăng

Dự án Nhà ở thuộc Khu thiết chế công đoàn tại KCN An Nghiệp, Sóc Trăng sẽ chia thành hai giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 sẽ khởi công xây dựng trong vòng 12 tháng kể từ ngày được giao đất.

TP Sóc Trăng. (Ảnh: Đảng Cộng sản).

Vừa qua, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có quyết định chấp thuận nhà đầu tư dự án Nhà ở thuộc Khu thiết chế công đoàn tại KCN An Nghiệp, Sóc Trăng đối với CTCP Aranya Việt Nam. Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 874 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu của Aranya Việt Nam là 175 tỷ đồng, còn lại 699 tỷ đồng là vốn huy động.

Dự án sẽ được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 đầu tư hạ tầng kỹ thuật, trường mầm non và 5 tòa NOXH, khởi công xây dựng trong vòng 12 tháng kể từ ngày được giao đất và hoàn thành trong 36 tháng xây dựng.

Giai đoạn 2 sẽ đầu tư tòa nhà ở thương mại và tòa nhà ở xã hội còn lại, khởi công trong vòng 9 tháng kể từ ngày hoàn thành giai đoạn 1 và hoàn thành trong vòng 21 tháng xây dựng. 

Aranya Việt Nam được thành lập năm 1997, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê. Doanh nghiệp này được biết đến là chủ đầu tư của Dự án Nhà ở xã hội - Chung cư Aranya (phường Phú Xuân, TP Huế).

Trước đó, vào đầu năm 2023, Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sóc Trăng đã phát thông báo mời đăng ký thực hiện Dự án Nhà ở thuộc Khu thiết chế Công đoàn tại Khu công nghiệp An Nghiệp. Kết quả, có 2 nhà đầu tư đăng ký thực hiện gồm Aranya Việt Nam và Liên danh CTCP Xây dựng Thăng Long - CTCP Xây dựng và Thương mại UNICO.

Khu nhà ở nói trên có diện tích 3,5 ha, được xây dựng tại phường 7, TP Sóc Trăng, hiện trạng khu đất đã giải phóng mặt bằng. Thời hạn hoạt động là 50 năm.

Sơ bộ cơ cấu sản phẩm nhà ở bao gồm: 6 tòa nhà ở xã hội (gồm 3 tòa cao 9 tầng, 2 tòa cao 12 tầng, 1 tòa cao 15 tầng) với khoảng 1.050 căn hộ; 1 tòa nhà ở thương mại cao không quá 15 tầng. Dự án dự kiến đáp ứng quy mô dân số khoảng 2.100 - 2.500 người.

chọn
Đề xuất siết tín dụng với người mua nhiều nhà đất
Ngoài đánh thuế, Hội Môi giới đề xuất giảm hạn mức cho vay, tăng tỷ lệ thanh toán bằng vốn tự có với người mua nhiều nhà đất nhằm hạn chế đầu cơ.