Sáng 23/11 tại TP HCM, CTCP Tập đoàn Asanzo (Asanzo) đã khai trương Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Asanzo (R&D). Trung tâm có qui mô hai tầng lầu, đặt tại TP HCM với tổng vốn đầu tư ban đầu 150 tỉ đồng, với hơn 200 kĩ sư.
Trung tâm R&D Asanzo được thành lập với mục tiêu nghiên cứu thị hiếu khách hàng, đặc biệt là đối tượng khách hàng ở khu vực nông thôn, người lao động thu nhập thấp để tạo ra những sản phẩm công nghệ phù hợp với đặc tính người Việt.
Theo chia sẻ từ phía Asanzo, Trung tâm này được tạo nên với mục đích duy nhất phục vụ khách hàng là người Việt Nam, hướng tới các sản phẩm an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng và bảo vệ môi trường.
Chia sẻ sau buổi lễ khai trương, ông Phạm Văn Tam - CEO CTCP Đầu tư Tập đoàn Winsan, cho biết, mục tiêu của cả Asanzo và Winsan trong thời gian tới đó là trở thành một thương hiệu quốc gia hàng đầu.
"Nói tới Việt Nam là nói tới Asanzo và ngược lại", ông Tam nói.
Ông Phạm Văn Tam cho biết, Trung tâm R&D đóng một vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu này.
Việc thành lập Trung tâm R&D Asanzo đúng theo con đường mà CTCP Điện tử Asanzo đã đi trước đó, khi khách hàng mục tiêu là những hộ gia đình nông thôn và lao động thu nhập thấp.
Hướng tới phân khúc khách hàng rộng, Asanzo đã nhanh chóng đạt được thành công khi chỉ sau một năm có mặt trên thị trường, doanh nghiệp này đã đạt doanh số hơn 100.000 chiếc TV bán ra.
Năm 2015, con số này tăng gấp ba lần. Năm 2016, lượng TV bán ra lên tới con số 500.000 chiếc và tiếp tục tăng 140% một năm sau đó. Ngoài TV, đến năm 2018, Asanzo bán ra trên 4 triệu sản phẩm các loại.
Theo thống kê của doanh nghiệp, vào thời kì đỉnh cao Asanzo từng chiếm tới 15% thị phần TV Việt.
Đầu năm nay, sau sóng gió với Asanzo liên quan đến nghi vấn về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, ông Phạm Văn Tam đã bất ngờ quay lại thương trường bằng việc đứng ra thành lập một tập đoàn đầu tư tài chính với tên gọi Winsan.
Theo chia sẻ khi đó của người đứng đầu, Winsan sẽ hoạt động dưới mô hình công ty đầu tư tài chính cho các doanh nghiệp qui mô vừa và nhỏ.
Không chỉ tập trung đầu tư vào startup điện tử, phần cứng như trước, Winsan có kế hoạch mở rộng danh mục đầu tư thêm nhiều lĩnh vực khác như nha khoa, thực phẩm tiêu dùng, thức uống giải khát,...
"Winsan như một chiếc 'bơm trợ lực' cho các doanh nghiệp có nhiều tiềm năng nhân rộng nhưng còn thiếu nguồn lực tài chính lẫn kinh nghiệm quản trị", ông Phạm Văn Tam chia sẻ.
Ông Tam cho biết, nguồn lực ban đầu của Winsan dự kiến sẽ khoảng 1.000 tỉ đồng và có thể tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới. Khoảng 70% số vốn sẽ tập trung đầu tư cho các doanh nghiệp trong mảng công nghệ - điện tử.
Ngoài ra, Winsan cũng sẽ mở rộng danh mục đầu tư thêm nhiều lĩnh vực khác như nha khoa, thực phẩm tiêu dùng, thức uống giải khát,...
Ngoài đầu tư tài chính, trong thời gian tới Winsan cũng có ý định tiến vào mảng kinh doanh bất động sản công nghiệp và hướng lĩnh vực kinh doanh này trở thành một phần quan trọng của Tập đoàn.
Vị doanh nhân sinh năm 1980 còn đặt mục tiêu kết nối Winsan với các đối tác nước ngoài, từ đó tạo dựng quĩ đầu tư qui mô lớn, tiếp cận và hỗ trợ đa dạng mô hình kinh doanh.
"Với nguồn vốn mạnh, chúng tôi sẽ tăng cường tìm kiếm những sản phẩm phù hợp về các yếu tố bản địa, hiểu người tiêu dùng địa phương, tạo ra những thương hiệu mới mang dấu ấn thật sự trên thị trường", ông Tam khẳng định.