Sau vụ Asanzo, luật sư kiến nghị bổ sung qui định ghi rõ xuất xứ linh kiện để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng

Trước tình trạng doanh nghiệp phớt lờ việc ghi rõ xuất xứ linh kiện vì không phạm luật, một luật sư kiến nghị bổ sung qui định ghi rõ xuất xứ linh kiện để người tiêu dùng lựa chọn.

Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Bộ Công an (C03) đã công bố kết quả điều tra liên quan đến Công ty CP Tập đoàn Asanzo (gọi tắt là Asanzo) do ông Phạm Văn Tam làm chủ tịch HĐQT.

Những dấu hiệu sai phạm tại Asanzo mà C03 điều tra gồm “sản xuất, buôn bán hàng giả” hoặc “lừa dối khách hàng” trong việc xuất nhập khẩu hàng hóa, linh kiện có xuất xứ Trung Quốc, nhưng về thay nhãn hàng hóa hoặc lắp ráp đơn giản, rồi dán nhãn “Asanzo” có xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam hoặc xuất khẩu sang nước thứ ba; “buôn lậu” hoặc “trốn thuế”.

Đối với hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam của sản phẩm mang nhãn hiệu Asanzo, C03 xác định pháp luật hiện hành hiện chưa điều chỉnh về xuất xứ hàng hóa lắp ráp và lưu thông trong nước và cũng chưa có qui định tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn “sản xuất tại Việt Nam”.

Asanzo mua linh kiện từ các công ty và cá nhân trong nước (bao gồm 4 công ty do những người trong gia đình ông Phạm Văn Tam đứng tên gồm: Công ty CP Điện tử Asanzo Việt Nam, Công ty CP Đầu tư Asanzo, Công ty CP Viễn thông Asanzo và Công ty TNHH Truyền Thông Asanzo).

Sau đó Asanzo gia công, lắp ráp để tạo ra sản phẩm điện tử hoàn chỉnh; rồi ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam” hoặc “chế tạo tại Việt Nam”, “nước sản xuất Việt Nam”, “xuất xứ Việt Nam” hoặc “sản xuất bởi Việt Nam”. 

Asanzo - Ảnh 1.

Đối chiếu với các qui định hiện hành, Asanzo không sai trong ghi nhãn sản phẩm. (Ảnh: Asanzo).

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, giám đốc công ty luật TGS thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội, nhận định kết luận của C03 đối với Asanzo phù hợp qui định pháp luật hiện hành.

"Nghị định 31/2018/NĐ-CP qui định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa đã có quy định rõ về tiêu chí xuất xứ để xác định nhãn mác đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, nhưng chưa có qui định đối với hàng hóa lưu thông trong thị trường nội địa", ông Tuấn nói.

Đối chiếu với các qui định hiện hành, Asanzo không sai trong ghi nhãn sản phẩm. Nhưng theo luật sư Tuấn, nhiều doanh nghiệp không muốn ghi trên nhãn thông tin về xuất xứ linh kiện, nhất là linh kiện Trung Quốc.

"Do người tiêu dùng Việt Nam không ưa chuộng hàng hóa xuất xứ Trung Quốc, và bởi không ghi rõ xuất xứ linh kiện cũng không trái luật nên doanh nghiệp cố tình phớt lờ. Đây là kẽ hở mà cơ quan chức năng nên xem xét lại và cân nhắc bổ sung qui định ghi xuất xứ linh kiện để người tiêu dùng lựa chọn.

Nếu luật không qui định rõ ràng về nhãn hàng hóa, có thể nhiều cá nhân, tổ chức sẽ đưa hàng hóa, linh kiện ở quốc gia khác về Việt Nam lắp ráp và dán nhãn hàng Việt để hưởng lợi khi xuất khẩu.

Từ vụ Asanzo, luật sư kiến nghị bổ sung qui định ghi rõ xuất xứ linh kiện để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng - Ảnh 2.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, giám đốc công ty luật TGS. (Ảnh: NVCC).

Ông Tuấn nói nếu một sản phẩm 100% linh kiện sản xuất ở nước ngoài, Việt Nam chỉ lắp ráp thì chúng ta không nên coi là "Made in Vietnam". Theo ông, để thúc đẩy năng lực sản xuất trong nước và bảo đảm đúng ý nghĩa của hàng Việt thì sản phẩm được coi là "Made in Vietnam" phải do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, với ít nhất 40% linh kiện được sản xuất trong nước. 

"Với các nhãn 'Sản xuất tại Việt Nam', 'Chế tạo tại Việt Nam', chúng ta cũng cần nghiên cứu bổ sung quy định chặt chẽ hơn để tránh bị trục lợi", luật sư Tuấn nói.

Mặc dù kết luận điều tra cho thấy Asanzo không vi phạm nhưng việc quảng cáo sản phẩm công nghệ Nhật với sản phẩm từ linh kiện Trung Quốc và lắp ráp ở Việt Nam chính là hành vi "lòe" người tiêu dùng. 

Nếu biết linh kiện sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc, theo luật sư Tuấn, có lẽ nhiều người tiêu dùng sẽ không mua.

Bởi vậy, ông Tuấn nhận định luật pháp cần quy định chặt chẽ hơn vì lợi ích người tiêu dùng, tránh tình trạng nhập nhèm sản phẩm "phong cách Nhật" nhưng thực chất được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ nước khác. 

"Nếu không điều chỉnh, vi phạm trong sở hữu trí tuệ và sở hữu công nghệ nói chung sẽ khó xác định, bản thân các cơ quan quản lí cũng rất khó xử lí", ông Tuấn nói.

chọn
Tiến độ Vinhomes Vũ Yên
Vinhomes Vũ Yên có tổng diện tích hơn 877 ha, tổng mức đầu tư 44.044 tỷ đồng. Vingroup cho biết, đến nay đã hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động 46 căn shophouse và 1.076 căn nhà liền kề...