Bộ Công an: Chưa có căn cứ xác định Asanzo có hành vi lừa dối khách hàng

Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) vừa có kết quả điều tra về các dấu hiệu sai phạm gồm “sản xuất, buôn bán hàng giả” hoặc “lừa dối khách hàng”; “buôn lậu” hoặc “trốn thuế” liên quan đến Công ty CP Tập đoàn Asanzo.

Theo Pháp luật TP HCM, mới đây, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) có thông báo về kết quả điều tra liên quan đến Công ty CP Tập đoàn Asanzo (gọi tắt là Asanzo) do ông Phạm Văn Tam làm chủ tịch HĐQT.

Theo đó, các dấu hiệu sai phạm tại công ty này được điều tra gồm “sản xuất, buôn bán hàng giả” hoặc “lừa dối khách hàng” trong việc xuất nhập khẩu hàng hóa, linh kiện có xuất xứ Trung Quốc, nhưng về thay nhãn hàng hóa hoặc lắp ráp đơn giản, rồi dán nhãn “Asanzo” có xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam hoặc xuất khẩu sang nước thứ ba; “buôn lậu” hoặc “trốn thuế”.

Cụ thể, đối với hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam của hàng hóa mang nhãn hiệu Asanzo, C03 xác định pháp luật hiện hành hiện chưa điều chỉnh về xuất xứ hàng hóa lắp ráp và lưu thông trong nước và cũng chưa có qui định tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn “sản xuất tại Việt Nam”.

Asanzo thực hiện việc mua linh kiện từ các công ty và cá nhân trong nước (trong đó có bốn công ty do những người trong gia đình ông Phạm Văn Tam đứng tên gồm: Công ty CP Điện tử A. sanzo Việt Nam, Công ty CP Đầu tư Asanzo, Công ty CP Viễn thông Asanzo và Công ty TNHH Truyền Thông Asanzo).

Sau đó thực hiện việc gia công, lắp ráp để tạo ra sản phẩm điện tử hoàn chỉnh; rồi ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam” hoặc “chế tạo tại Việt Nam”, “nước sản xuất Việt Nam”, “xuất xứ Việt Nam” hoặc “sản xuất bởi Việt Nam”. Điều này là phù hợp qui định pháp luật hiện hành.

Đáng chú ý, liên quan tới hành vi có dấu hiệu “Buôn lậu” và “Trốn thuế” tiêu thụ đặc biệt, thuế Giá trị gia tăng của Asanzo, báo Người Lao động cho biết từ kết quả điều tra ban đầu, C03 đề nghị Tổng cục Hải quan tiếp tục thực hiện kiểm tra sau thông quan đối với Công ty Asanzo và các công ty liên quan nhập khẩu các lô hàng hóa mang nhãn hiệu Asanzo và linh phụ kiện hàng hóa để sản xuất sản phẩm mang nhãn hiệu Asanzo. 

Nếu có dấu hiệu tội phạm "buôn lậu" hoặc "trốn thuế" thì chuyển hồ sơ, tài liệu cho Cơ quan CSĐT Công an TP HCM (PC03) để điều tra theo thẩm quyền.

Bộ Công an: Chưa có căn cứ xác định Asanzo lừa dối khách hàng  - Ảnh 1.

Nhà máy sản xuất của Asazo. (Ảnh: Asanzo).

Về việc sử dụng cụm từ “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản” và “Hàng Việt Nam chất lượng cao” cho một số sản phẩm và trên các thông tin quảng cáo để xác định có hay không hành vi lừa dối khách hàng, theo kết quả điều tra, mặc dù Tập đoàn Sharp xác định không có việc Công ty Sharp - Roxy kí hợp đồng dịch vụ với Asanzo vào ngày 24/1/2017 và càng không có việc Công ty Sharp - Roxy kí thư xác nhận hợp tác với Công ty Asanzo như công ty này công bố trong buổi họp báo vào tháng 9/2019.

Tuy nhiên, đến nay Bộ Công an chưa nhận được bất cứ đơn tố cáo hay tố giác Công ty Asanzo có hành vi lừa dối khách hàng trong việc bán sản phẩm mang nhãn hiệu Asanzo.

Đồng thời các công ty là đại lí, nhà phân phối và tiêu thụ các sản phẩm mang nhãn hiệu Asanzo đều xác nhận không vì câu slogan của các sản phẩm của Asanzo để làm đại lí phân phối, tiêu thụ sản phẩm của Asanzo mà căn cứ vào chất lượng, giá cả của các sản phẩm mang nhãn hiệu Asanzo để bán hàng, báo Thanh Niên đưa tin. 

Cũng theo C03, việc Công ty TNHH đầu tư sản xuất Phương Nguyên Asanzo và Công ty Việt Tài nhập khẩu 14 container hàng hóa mang nhãn hiệu Asanzo và có xuất xứ Trung Quốc thuộc diện hàng hóa được phép nhập khẩu, được 2 công ty này kê khai thuế đầy đủ.

Asanzo vừa mua hàng hóa nguyên chiếc mang nhãn hiệu Asanzo từ các công ty có hoạt động nhập khẩu hàng hóa xuất xứ Trung Quốc hoặc lắp ráp linh kiện thành sản phẩm nguyên chiếc, vừa mua linh kiện để lắp ráp sản phẩm nguyên chiếc mang nhãn hiệu Asanzo để bán.

Hiện nay, pháp luật chưa điều chỉnh về xuất xứ hàng hóa lắp ráp và lưu thông trong nước và cũng chưa có quy định, tiêu chí để hàng hóa được ghi nhận “Sản xuất tại Việt Nam”.

Ngoài ra, chưa có căn cứ xác định việc hưởng lợi của Asanzo trong việc bán hàng hóa xuất xứ “Trung Quốc” đội lốt hàng hóa có xuất xứ “Việt Nam” tại thị trường Việt Nam

Do vậy, C03 cho rằng chưa có căn cứ xác định Asanzo có hành vi lừa dối khách hàng trong việc bán các sản phẩm hàng hóa mang nhãn hiệu Asanzo, Pháp luật TP HCM dẫn kết luận của C03.

chọn