Vừa qua, lô tương ớt Chin-su bị thu hồi tại Nhật Bản vì có chứa chất bảo quản axit benzoic đã nhận được sự quan tâm của dư luận. Theo một số thông tin, nguyên nhân có thể là việc kết hợp giữa natribenzoate (hoặc axit benzoic) với vitaminC tạo ra benzene - chất gây ung thư.
Mẫu tương ớt bị thu hồi ở Nhật Bản. (Ảnh: www.city.osaka.lg.jp).
Dưới góc độ hoá học, có lẽ, chúng ta cần tìm hiểu bản chất của hai chất này cũng như khả năng xảy ra phản ứng giữa các hợp chất trên.
VitaminC còn có tên là axit L-Ascorbic (gọi tắt là axit Ascorbic). Hợp chất này có tính axit (trong phản ứng axit - bazơ) và có tính khử (một đặc tính sẽ được thể hiện trong phản ứng oxi - hoá khử). Còn natribenzoate là một muối hữu cơ của natri, dễ dàng chuyển hoá thành axit benzoic khi gặp axit mạnh hơn (giả sử đó là axit A) với sơ đồ phản ứng như sau:
Axit A + Natribenzoate ----> Axit benzoic + Muối của axit A
Khi xét về độ mạnh - yếu giữa hai axit thường dùng chỉ số pKa (Ka là hằng số điện ly axit). Trong trường hợp của axit ascorbic và axit benzoic, pKa của hai chất lần lượt là: 4,17 và 4,2. Như vậy có thể thấy, đây là hai axit yếu (vì pKa nằm trong khoảng từ 3-5, yếu hơn nhiều so với axit HCl có trong dịch vị dạ dày của con người với pKa là - 8,0) và phản ứng khó xảy ra.
Do đó, giả sử, vitaminC phản ứng với natri benzoate để tạo ra axit benzoic thì việc chuyển hoá từ natribenzoate sang axit benzoic còn dễ dàng hơn nhiều khi chịu tác động của dịch vị dạ dày.
Điều này đồng nghĩa với việc, nếu không phải ăn tương ớt mà là một thực phẩm khác có chứa natribenzoate thì khi vào đến dạ dày, bị dịch vị dạ dày tác dụng, axit benzoic vẫn được tạo ra.
Xét về tính oxi hoá - khử, axit ascorbic là chất thể hiện tính khử. Trong khi đó, để phân huỷ natri benzoate (hoặc axit benzoic) cần có một chất oxi hoá cực mạnh với điều kiện ở nhiệt độ cao (sản phẩm của quá trình oxi hoá này có thể tạo ra benzene). Như vậy, axit ascorbic không thể là tác nhân oxi hoá hay nói cách khác, axit ascorbic không đủ khả năng để chuyển hóa natri benzoate thành benzene trong điều kiện thông thường.
Vậy, điều đáng bàn chỉ còn lại ở chỗ axit benzoic có dễ dàng bị phân huỷ thành benzene?
Axit benzoic là chất có nhiệt độ sôi là 249 độ C, khó tan trong nước và có trong cơ thể động vật và thực vật.
Theo thông tin từ Human Metabolome Database của Canada, khi vào cơ thể, axit benzoic kết hợp với glycine để tạo ra axit hippuric và được bài tiết qua nước tiểu.
Có thể thấy, với nhiệt độ cơ thể và cơ chế đào thải như trên, axit benzoic sẽ không thể tự sinh ra benzene trong cơ thể con người.
Còn bên ngoài cơ thể, với điều kiện thông thường, axit benzoic cũng không có khả năng tự phân huỷ thành benzene và khí cacbonic như một số thông tin xuất hiện trên mạng bởi nó khá bền nhiệt. Phải ở nhiệt độ cao cùng với một số điều kiện khác, axit benzoic mới có khả năng bị phân huỷ.
Theo công bố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bản thân nhóm benzoic - benzoate cũng gây độc ở người nếu tiêu thụ nhiều hơn 5 mg/kg thể trọng mỗi ngày. Vì axit benzoic và các benzoate là độc hại, do đó, hàm lượng có thể được thêm vào thực phẩm được kiểm soát rất chặt chẽ. Theo khuyến cáo của FAO và WHO, không nên tiêu thụ axit benzoic và các benzoate nhiều hơn 5mg/kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày.
Rõ ràng, theo khuyến cáo một người nặng 50kg không nên dùng quá 0,25g các chất này mỗi ngày chứ không phải cấm hoàn toàn. Theo khuyến cáo này, chúng ta có thể hiểu, nếu vượt quá lượng cho phép, cơ thể sẽ khó thể đào thải hết các axit benzoic ra khỏi cơ thể, dẫn đến các cơ quan bài tiết của cơ thể con người phải làm việc vất vả hơn.