Ba bệnh viện tại Hà Nội tạm ngừng hoạt động vì không đảm bảo an toàn chống dịch Covid-19

Sở Y tế Hà Nội cho biết đã tạm dừng hoạt động của ba bệnh viện, gồm Bệnh viện Mắt Sài Gòn - Hà Nội, Bệnh viện Mắt Việt Nhật, Bệnh viện Mắt Hitec vì không đảm bảo an toàn trong sàng lọc, phân luồng, cách li phòng chống Covid-19.

Sáng nay, Hà Nội vừa có cuộc họp bàn giải pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố.

Bà Trần Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, Hà Nội hiện có 111 bệnh viện (BV), trong đó có 41 bệnh viện công lập, 39 bệnh viện ngoài công lập, 31 bệnh viện Trung ương, bộ, ngành đóng trên địa bàn và 3.587 phòng khám tư nhân với đầy đủ các hình thức tổ chức hành nghề từ đa khoa đến chuyên khoa.

Từ ngày 25/7 đến nay, Hà Nội ghi nhận 36 ca mắc mới, trong đó có 11 ca mắc ngoài cộng đồng và hầu hết số ca mắc này đều phát hiện từ các bệnh viện trên địa bàn. Do đó bà Hà khẳng định, việc phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại các bệnh viện là rất quan trọng.

Qua kiểm tra công tác điều trị, phân luồng, phân tuyến, cách li, điều trị, lấy mẫu xét nghiệm của các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn Hà Nội, Sở Y tế đã phát hiện 3/46 bệnh viện không an toàn, chủ yếu là các nhóm bệnh viện chuyên khoa mắt ngoài công lập.

Cả ba bệnh viện này đều không đảm bảo an toàn trong sàng lọc, phân luồng, cách li. Cụ thể, Bệnh viện Mắt Sài Gòn - Hà Nội, Bệnh viện Mắt Việt Nhật, Bệnh viện Mắt Hitec khi kiểm tra cho thấy không an toàn về phòng chống Covid-19.

Ngay sau khi kiểm tra, Sở Y tế đã yêu cầu các bệnh viện dừng hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để khắc phục sau đó báo cáo thông tin cho Sở Y tế.

Ba bệnh viện Hà Nội tạm ngừng hoạt động vì không đảm bảo an toàn chống dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội ông Ngô Văn Quý tại cuộc họp (Ảnh: Sở Y tế Hà Nội).

Cũng tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Ngô Văn Quý cho biết, trong thời gian qua, các bệnh viện trên địa bàn TP đã làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên còn có những nơi có trường hợp dương tính, thậm chí có nơi có nguy cơ lây nhiễm như BV Hồng Ngọc, BV Bạch Mai, BV Thận Hà Nội, BV Nội tiết Trung ương, BV Hữu nghị Việt Xô, BV E và BV Thanh Nhàn…

Phó Chủ tịch yêu cầu các BV cần có sơ đồ, tổ chức phân luồng khám chữa bệnh, trong đó có biển báo hướng dẫn, tiếp nhận, phân loại bệnh nhân, khám sàng lọc và cách li các ca nghi ngờ.

Ngoài ra, ông Ngô Văn Quý lưu ý các BV cần có qui định cụ thể để người khám bệnh, người nhà hiểu biết được cần phải làm gì trong điều kiện phòng chống dịch hiện nay. Đồng thời, các BV cũng cần có qui định cho các y bác sĩ, qui định nội bộ trong bệnh viện về những điều cần phải làm.

Về tình trạng còn hàng quán buôn bán "nhếch nhác" tại các cổng BV tạo ra nguy cơ lây nhiễm bệnh và ảnh hưởng đến an toàn trật tự, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cũng đề nghị các quận huyện phối hợp với các cơ sở y tế cho kiểm tra, xử lí ngay.

Các kiến nghị của các BV về cơ chế giá còn thấp, mua sắm vật tư y tế, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng điều này sẽ gây khó khăn trong các BV và sẽ có báo cáo với Ban chỉ đạo Trung ương.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.