Doanh nghiệp tố nhiều cán bộ thuế "có vấn đề"
Tại toạ đàm về các rào cản trong kinh doanh, bà Thái Hương, Chủ tịch TH Group nêu quan điểm: “Việc làm luật hiện nay còn xa rời thực tiễn, nên nhiều khi không thúc đẩy sản xuất, thậm chí còn kìm hãm sản xuất, khi đã ban hành luật thì đè người ta ra thu thuế”.
Bà Hương cũng dẫn chứng, có những công cụ cơ giới hoá đưa vào đầu tư nông nghiệp công nghệ cao thì được miễn thuế nhưng cơ quan thuế lại tận thu, đòi thu thuế 5% với lý do công cụ đó không có trong biểu thuế của Nhà nước.
"Tôi cũng chưa hiểu họ dựa vào đâu để áp thuế 5%. Tôi thuộc diện được ưu tiên không nộp thì họ lại sẵn sàng đưa tôi vào danh sách trốn thuế", bà Hương nói.
"Có một thời sau 1 ngày họ phải dỡ bản danh sách thuế của Cục Thuế Nghệ An đưa sang bên Hải quan nói TH trốn thuế rồi. Lúc đó, tôi đang đi nước ngoài thì Cục Hải quan Nghệ An nói tôi thuộc danh sách trốn thuế. Để tránh ảnh hưởng đến thanh danh, tôi mới nói nhân viên nộp ngay rồi sẽ kiến nghị hoàn thuế sau”, bà Hương bức xúc.
Bà Thái Hương. Ảnh Quang Sơn. |
Đồng quan điểm, ông Phí Ngọc Trịnh, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần May Hồ Gươm thì cho rằng, đạo đức công chức nhiều cán bộ thuế đang có vấn đề. Tình trạng “trên trải thảm, dưới trải đinh” vẫn phổ biến.
“Doanh nghiệp chúng tôi muốn đóng thuế lớn cho Nhà nước, nhưng đạo đức cán bộ thu thuế cần phải nâng cao hơn. Có cán bộ đến công ty yêu cầu đưa hồ sơ 7-8 năm trước, trong khi những thứ đó để hệ thống đầy đủ mất nhiều thời gian, đề nghị họ lên hệ thống điện tử lấy thì không chấp nhận”, ông Thịnh nói.
Đại diện doanh nghiệp này nói thêm: "Hiện nay những cán bộ thuế đến doanh nghiệp là đến với tâm thế của người soi mói. Anh có làm sai tôi mới đến, và tôi đến thì phải có “gì đó”. Hiện May Hồ Gươm hoạt động ở 9 tỉnh, và 9 đoàn thu thuế thì có 9 tính chất khác nhau".
Còn theo bà Hương Vũ, Phó tổng giám đốc Ernst & Young Việt Nam, các chính sách luôn hướng tới đơn giản, dễ hiểu, nhất quán, nhưng chính sách không phù hợp thực tiễn.
"Việt Nam nói hội nhập quốc tế, bao nhiêu doanh nghiệp đa quốc gia đã vào Việt Nam, nhưng sổ sách kế toán vẫn phải in ra, trong khi đối với một công ty thực hiện 20, 30 ngàn nghiệp vụ mỗi ngày thì một năm lấy đâu ra chỗ để lưu những hồ sơ về các nghiệp vụ đó? Yêu cầu gửi bản mềm thì cơ quan thu thuế không nghe, sau đó doanh nghiệp không nộp được đủ thì không hoàn thuế, làm họ phải chạy khắp nơi để có thể đủ giấy tờ bản cứng để hoàn được thuế. Đây là quyền được thụ hưởng của doanh nghiệp mà họ phải đi xin, cậy cục", bà nêu ví dụ.
Bà cho biết thêm: "Tiếp theo là khâu hành thu. Hội nhập quốc tế cho các doanh nghiệp đa quốc gia vào, họ bỏ ra nhiều tiền để mua hệ thống khai thuế. Họ không có thói quen của các cán bộ thuế, đó là sau khi hoàn thành một khoản nào đó, cán bộ thuế đòi hỏi thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hiện nay thực hiện việc khai thuế qua mạng nên những đòi hỏi của các cán bộ thuế là vô lý".
Muốn thay đổi đạo đức thì phải thay đổi thu nhập
Theo ông Trịnh, thái độ của nhân viên thu thuế trong những năm gầy đây có những thay đổi nhưng cái mà các doanh nghiệp mong muốn là những cái khác, nhiều hơn sự thay đổi. Các cán bộ thuế phải tư vấn cho doanh nghiệp, phải đến với tâm thế hỗ trợ cho doanh nghiệp.
"Mà để thay đổi đạo đức của người công chức thì phải thay đổi thu nhập của họ", ông Trịnh nói.
Trong khi đó, bà Hương Vũ thì cho rằng: "Không có cách nào khác là phải thay đổi tư duy. VCCI hãy bàn với các cục thuế địa phương để lập đường dây nóng, tiếp nhận phản ánh một cách minh bạch. Nhưng phải thực sự là nóng. Chứ đừng như đường dây chết, không ăn thua".
"Tôi mong muốn một điều, đó là đã đến lúc Tổng cục thuế cũng thay đổi đi. Sao cứ đưa ra danh sách vùng này đạt bao tỷ, vùng kia phải bao tỷ đồng. Sao không nghĩ rằng không có nợ thuế thì đó là tiến bộ của Việt Nam, sao anh chỉ chăm chăm thu thêm bao tỷ đồng", bà nói.
Theo vị chuyên gia trong ngành thuế, kiến nghị quan trọng mà hàng triệu doanh nghiệp đều quan tâm là cán bộ phải thay đổi cả chất và hình thức, thay đổi từ tư duy nghi vấn, áp đặt, đưa ra những nghĩa vụ thuế không hợp lý với doanh nghiệp, sang đào tạo cán bộ thấm nhuần chính sách, hỗ trợ, hợp tác với doanh nghiệp.
"Cán bộ thuế hiện không thực chất. Thói quen thu thuế của các cán bộ thuế nhiều năm nay mang tính áp đặt và nghi vấn, có thể xuất phát từ những động cơ khác. Người đi thu thuế hiện nay cũng mang tính đối kháng. Cục trưởng Cục thuế Hà Nội từng nói với tôi: “Tôi đi thu thuế là thu cả lòng dân”. Tuy nhiên, vấn đề là anh truyền tải quan điểm đó đến nhân viên của mình như thế nào", bà Hương Vũ nói thêm.