Những ngày giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, chúng tôi đã qua viện dưỡng lão (Hà Đông, Hà Nội) – nơi bà Lưu Thị Dung (89 tuổi, ở Thái Bình) đang sinh sống.
Bà Lưu Thị Dung đang gói những món quà để gửi về cho người bà quý mến tại Thái Bình. (Ảnh: Công Phương). |
Gặp chúng tôi, bà đang lấy giấy báo gói cẩn thận một số món quà và dán địa chỉ người nhận để gửi về quê Thái Bình cho những người bà quý mến.
“Giờ tôi già rồi, không về quê được nên có gói một chút quà gửi cho những người tôi quý tại Thái Bình. Khi nào cháu tôi vào thăm, tôi sẽ bảo cháu mang về gửi cho mọi người”, bà Dung chia sẻ.
Bà Dung cho biết thêm, món quà của bà đôi khi là hộp chè, gói bánh hoặc đôi tất,… Bà gửi vì tình đồng chí, những người bạn quý nhau, giá trị vật chất không nhiều.
Giọng chùng xuống, bà Dung nhìn chúng tôi rồi nói: “Tết này là năm thứ ba tôi ăn Tết tại đây, cũng mong muốn được sum vầy bên gia đình nhưng hoàn cảnh của tôi vậy rồi nên đành chấp nhận thôi”.
Phần quà bà Dung gửi đôi khi là hộp chè, gói bánh hay đôi tất,... (Ảnh: Công Phương). |
Kể lại câu chuyện của mình, bà Dung cho hay, trước đây bà công tác trong ngành ngân hàng ở tỉnh Thái Bình. Hơn 30 tuổi bà lập gia đình với một người đồng nghiệp đã qua một đời vợ. Tuy nhiên vợ chồng bà không có con mặc dù đi chữa trị nhiều nơi.
Cuộc sống của hai vợ chồng bà cứ như vậy, lặng lẽ trôi qua nhưng rồi những bất đồng ngày một lớn, bà phải gánh vác việc nhà quá nhiều và từng muốn chia tay vào các năm 1985, 1992. Vào thời điểm này, bà được mọi người khuyên răn nên vẫn tiếp tục sống cùng chồng.
Tuy nhiên, khi về già, bà mong hai vợ chồng nương tựa nhau nhưng không nhận được sự chia sẻ từ người chồng khiến bà không thể tiếp tục chịu đựng.
Bà Dung kể lại cuộc sống vợ chồng và quyết định li hôn ở tuổi 86 của mình. (Ảnh: Công Phương). |
“Khi về già, tôi bị bệnh đau lưng nên việc đi lại khó khăn, làm việc nhà cũng khó khăn hơn. Tôi có bàn với chồng là thuê người giúp việc đỡ đần nhưng không được đồng ý.
Khi đó, tôi lại tiếp tục nén đau để nấu cơm, giặt quần áo,... Muốn nhờ chồng làm đỡ nhưng không được”, bà Dung kể lại.
Vào tháng 9/2014, ở tuổi 84 bà đã quyết định gửi đơn li hôn ra tòa để giải thoát cho chính mình trong những năm tháng còn lại. Sau hai năm ròng rã và nhờ sự trợ giúp của các cháu, bà đã chính thức bước vào cuộc sống độc thân ở tuổi 86.
Sau khi li hôn chồng, các cháu muốn đưa bà về sống cùng nhưng không muốn làm phiền, bà xin vào viện dưỡng lão sinh sống. Với mức lương hưu 4 triệu đồng của mình, bà được các cháu hỗ trợ thêm để có thể thuê một căn phòng riêng với chi phí hơn 9 triệu mỗi tháng trong viện dưỡng lão.
Nghĩ đến chuyện đời của mình, lắm lúc bà thấy tủi thân vì không được làm mẹ. (Ảnh: Công Phương). |
Đến nay, bà chuẩn bị đón Tết thứ 3 tại viện dưỡng lão và mỗi lần Tết, bà đều trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc: “Tôi nghĩ đến chuyện đời của mình lắm lúc tủi thân vì chưa được hưởng tinh thần thoải mái nhất. Từ khi 6 tuổi tôi đã mất mẹ nhưng cũng không được làm mẹ, chạy chữa mãi không được.
Đến ngày Tết, mọi người sum vầy bên người thân còn mình tôi, lủi thủi trong căn phòng , cảm giác nhớ nhà, nhớ anh em ruột thịt và các cháu da diết, muốn về quê nhưng vì hoàn cảnh không làm khác được.
Do đó, tôi phải tự an ủi bản thân, phải vui vẻ để an hưởng tuổi già”.
Sau khi li hôn rồi về trung tâm dưỡng lão sinh sống, bà cảm thấy thoải mái hơn và sẽ ở lại trung tâm đến những phút cuối đời. (Ảnh: Công Phương). |
Bà Dung thông tin thêm, ở viện dưỡng lão đã 3 năm nay, bà cảm thấy thoải mái, vui vẻ, lạc quan hơn và sẽ ở lại viện dưỡng lão đến những phút cuối đời.
“Ngày thường, cứ nửa tháng cháu tôi lại vào thăm một lần, thi thoảng cháu gọi điện nói chuyện buổi tối. Ngày Tết, cháu cũng vào thăm và tôi cũng chuẩn bị những phong bao lì xì để mừng tuổi cho các cháu. Cuộc sống của tôi như vậy là hạnh phúc rồi,…”, bà Dung chia sẻ.
Gia đình 'không có Tết' vì tài xế container Lê Ngọc Hoàng bị tạm giam hai năm
Chị Vũ Thị Thúy, vợ lái xe container Lê Ngọc Hoàng cho biết, đây là năm thứ hai gia đình chị không có Tết vì ... |