Bà Rịa - Vũng Tàu: Hoàn thiện mạng lưới giao thông kết nối

Xác định phát triển, hoàn thiện mạng lưới giao thông là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội, những năm qua tỉnh BR-VT đã huy động mọi nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ này.
Bà Rịa - Vũng Tàu: Hoàn thiện mạng lưới giao thông kết nối - Ảnh 1.

Quốc lộ 51 được chỉnh trang khang trang và tiếp tục được nâng cấp mở rộng trong thời gian tới.

Giao thông thông suốt

Tỉnh BR-VT là cửa ngõ quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và BR-VT. Do vậy, việc đầu tư xây dựng hoàn thiện mạng lưới giao thông đóng vai trò quan trọng trong phát triển các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tỉnh như: công nghiệp, cảng biển, thương mại, dịch vụ du lịch.

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm đặc biệt, có nhiều chỉ đạo về việc hoàn thiện kết nối hạ tầng giao thông Đông Nam Bộ, bao gồm cả đường bộ, đường hàng không, đường sắt, đường thủy. 

Đến thời điểm hiện tại, cơ sở hạ tầng kỹ thuật nói chung và mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh được đầu tư tương đối hoàn chỉnh. Hệ thống giao thông kết nối các tỉnh thành trong khu vực gồm 3 Quốc lộ là QL51, QL55, QL56 với tổng chiều dài 132km đã được cải tạo nâng cấp. Ngoài ra, nhiều tuyến giao thông trọng điểm nội tỉnh cũng đã được đầu tư, như đường và cầu từ Gò Găng sang Long Sơn, đường 965, đường 991B, đường Phước Hòa - Cái Mép, đường Hội Bài - Châu Pha - Đá Bạc - Phước Tân...

Ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở GT-VT đánh giá, thời gian qua tỉnh BR-VT chủ động thực hiện nhiều giải pháp, đặc biệt giải pháp về nguồn vốn để từng bước đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông kết nối. Trong điều kiện nguồn lực nhà nước có hạn, Sở GT-VT đã tham mưu Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh có kế hoạch tiếp cận nhiều nguồn vốn. 

Chẳng hạn như với nguồn vốn ứng trước của Công ty hóa dầu Long Sơn, ngành GT-VT đã triển khai đầu tư truyến đường kết nối từ QL51 vào KCN dầu khí Long Sơn dài khoảng 4,5km. Con đường này đã hoàn thành đưa vào khai thác vào cuối năm 2018. 

Trước đó, với nguồn vốn ODA của Nhật Bản, trong quá trình triển khai đầu tư cảng Cái Mép - Thị Vải, Sở GT-VT đã chủ động tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ GT-VT sử dụng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản đầu tư xây dựng đường 965 dài khoảng 8km kết nối từ QL51 vào cụm cảng Cái Mép.

Các tuyến đường giao thông được hình thành kết hợp với các quốc lộ tạo thành mạng lưới ngang, dọc đan xen và trải đều trên toàn địa bàn tỉnh, tạo điều kiện giao thông, vận chuyển hàng hoá nông sản, các sản phẩm công nghiệp từ nơi sản xuất đến các nơi tiêu thụ.

Hệ thống đường đô thị cũng được đầu tư xây dựng với đầy đủ các hạng mục kết cấu hạ tầng: giao thông, thoát nước, vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng, cấp nước... Ngoài các tuyến tỉnh lộ, hệ thống các đường liên thôn, liên xã phát triển đều khắp ở các huyện, có tác dụng thiết thực trong việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tiếp tục đầu tư hoàn thiện mạng lưới

Trong thời gian tới, ngành GT-VT quyết tâm tìm kiếm giải pháp nguồn vốn của Trung ương, vốn ngoài ngân sách để đầu tư các tuyến giao thông kết nối khu vực cảng biển; trung tâm logistics Cái Mép hạ; các trục kinh tế ven biển - du lịch; phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp; trục phát kinh tế nông nghiệp; kết nối các huyện, thị xã, thành phố; kết nối đô thị để thu hút đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025. Từ đó, tạo động lực quan trọng để, phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh mạnh về kinh tế biển và cảng Thị Vải - Cái Mép xứng tầm cảng trung chuyển của quốc gia.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Hoàn thiện mạng lưới giao thông kết nối - Ảnh 2.

Quốc lộ 55, đoạn đi qua địa bàn huyện Xuyên Mộc được đầu tư bài bản, thông thoáng.

Nói về các giải pháp cụ thể, ông Trần Thượng Chí cho biết,  tỉnh BR-VT sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành Trung ương kiến nghị Quốc hội, Chính phủ bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng cầu Phước An kết nối đường liên cảng Thị Vải - Cái Mép với cao tốc Bến Lức - Long Thành. Việc kết nối sẽ tạo hành lang vận tải quan trọng từ khu cảng Thị Vải - Cái Mép đến phía nam TP. HCM và khu vực Tây Nam bộ rộng lớn, đồng thời giảm áp lực vận tải trên tuyến QL51.

Ngoài  ra, để tăng các phương thức vận tải cho hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải, Sở GT-VT tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ GT-VT xem xét sớm có giải pháp về nguồn vốn để sớm  đầu tư đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu. Đồng thời kiến nghị Bộ GT-VT bổ sung tuyến đường sắt kết nối từ Tây Ninh, Bình Phước qua Bình Dương, Đồng Nai vào tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu để vận chuyển hành hóa ra khu vực cảng Thị Vải - Cái Mép.

“Năm 2021 và những năm tiếp theo tỉnh vẫn quan tâm tạo điều kiện về vốn cho các dự án giao thông lớn nhằm nỗ lực từng bước đầu tư xây dựng, nâng cấp đồng bộ mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông, tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. 

Trong đó phải kể đến vai trò, tầm quan trọng của những dự án trọng điểm như: tuyến nối từ đường Hội Bài - Phước Tân vào KCN Đá Bạc, huyện Châu Đức; Tỉnh lộ 44B; Đường 997 kết nối từ đường ven biển (Lộc An) theo hướng Bắc - Nam với huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai; Đường quy hoạch 991 kết nối từ TL 328, đến xã Bình Châu; Nâng cấp, mở rộng Tỉnh lộ 994 (đường ven biển) để thu hút và phát triển các dự án du lịch ven biển; Nâng cấp, mở rộng tuyến Bà Rịa - Châu Pha kết nối TP. Bà Rịa với huyện Châu Đức, TX. Phú Mỹ…”, ông Trần Thượng Chí thông tin thêm.


chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.