Bà Trương Mỹ Lan phủ nhận sử dụng 445.748 tỷ đồng của SCB

Chủ tịch Vạn Thịnh Phát nhiều lần nhắc lại quan điểm "tôn trọng cáo trạng truy tố", song cho rằng không sử dụng số tiền 445.748 tỷ đồng của SCB cho cá nhân hay tập đoàn.

"Mong HĐXX làm rõ cho bị cáo. Như Trương Khánh Hoàng (cựu tổng giám đốc SCB) đã khai, trong 104.000 tỷ đồng người này rút ra có 75.000 tỷ đồng các anh em dùng cơ cấu trả nợ cho SCB", bà Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) trả lời tòa vào trưa 25/9, khi bị xét hỏi về hành vi Rửa tiền 445.748 tỷ đồng.

Bà Lan bị cáo buộc sau khi thực hiện hành vi tham ô tài sản của SCB và lừa đảo chiếm đoạt tài sản (thông qua việc phát hành trái phiếu khống), đã chỉ đạo nhóm cán bộ chủ chốt tại SCB và Vạn Thịnh Phát chuyển tiền ra khỏi SCB; hoặc cho cá nhân, pháp nhân rút tiền mặt nhằm cắt đứt dòng tiền, che giấu nguồn gốc bất hợp pháp 445.748 tỷ đồng do phạm tội mà có.

Bà Trương Mỹ Lan. (Ảnh: Thanh Tùng).

Khi tòa hỏi đã sử dụng số tiền trên vào những việc gì, bà Lan không trả lời thẳng mà nói "đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm giai đoạn một". Chủ tọa đề cập lời khai tại cơ quan điều tra về hành vi Rửa tiền, bà cho biết giữ nguyên nội dung.

Vẫn giọng to, mạch lạc khi trả lời thẩm vấn như những buổi làm việc trước, bà Lan nói "tôn trọng lời khai của các bị cáo khác" nhưng muốn giải thích thêm cho rõ. Bị cáo nói không sử dụng số tiền này cho cá nhân mà dùng toàn bộ vào việc cơ cấu SCB. "Còn số tiền chuyển ra nước ngoài là rất ít, trong khi tiền từ nước ngoài chuyển vào thì nhiều hơn. Đối với các khoản dùng để trả cho các ngân hàng khác thì bị cáo không rõ. Vạn Thịnh Phát không vay các ngân hàng, chỉ có SCB vay", bà Lan khai.

Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cũng phủ nhận việc chỉ đạo Nguyễn Phương Hồng (cựu phó tổng giám đốc SCB, đã chết), Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung (cựu tổng, phó tổng giám đốc SCB) và các bị cáo khác trong việc lập hồ sơ vay khống rút tiền khỏi SCB.

Chủ tọa nhắc lại lời khai của các bị cáo khác, thể hiện "khi cần tiền thì bà Lan chỉ đạo Hoàng, Dung lập phương án vay khống để rút". Bà Lan phản đối, nói không giao hay chỉ đạo ai, những người đó "tự động làm như Nguyễn Phương Hồng đã làm". Khoản vay nào đến bạn, các bị cáo này tự động tìm nguồn tiền trả đảo nợ.

"Bị cáo giải thích thế nào về việc các bị cáo khác khai sử dụng một phần tiền cho Vạn Thịnh Phát", chủ tọa hỏi.

Bà Lan đáp, theo Dung khai thì Vạn Thịnh Phát có sử dụng khoảng 287.000 tỷ đồng, song bà chỉ cho SCB mượn tên các công ty để hợp thức hóa các khoản vay chứ Vạn Thịnh Phát không sử dụng. "Bản thân bị cáo chưa bao giờ nhân danh Vạn Thịnh Phát ký bất cứ giấy vay tiền nào. Ngay cả tiền nộp vào các thẻ visa cho mình và người thân sử dụng cũng là tiền cá nhân chứ không lấy của SCB", bị cáo nói.

Khi tòa chuyển qua hỏi về khoản tiền 108.000 tỷ đồng tiền mặt và hơn 14.000 USD mà Bùi Văn Dũng chở từ ngân hàng SCB về, bà Lan nói số tiền này không phải của SCB mà của mình. Trước đó, bà đưa tiền vào SCB để tái cơ cấu nên sau đó lấy ra để trả nợ. "Có lúc bị cáo đã phải vay 15.000 tỷ đồng để đưa vào trả nợ cho SCB", bà Lan khai.

Về việc các bị cáo khác đã lên phương án khống rút tiền ra khỏi ngân hàng, bà Lan không có ý kiến gì, chỉ xin HĐXX xem xét việc "không có tiền rút ra khỏi hệ thống mà là dùng khoản vay mới trả khoản vay cũ".

Trước khi kết thúc phần thẩm vấn, chủ tọa hỏi: "VKS truy tố bị cáo về hành vi Rửa tiền có oan không?".

"Có oan hay không là nghiệp vụ của cơ quan tố tụng, bị cáo không có ý kiến. Nhưng trong 10 năm (từ 2012 đến khi bị bắt 2022), bị cáo chỉ thực hiện một việc mà lại đẻ ra tới 4-5 tội. Có đáng để truy tố bị cáo thêm một tội nữa hay không?", Chủ tịch Vạn Thịnh Phát đáp, song lại đề cập "tôn trọng nội dung truy tố".

Cơ quan điều tra xác định, sau khi "cắt đứt" dòng tiền, bà Lan rút tiền mặt chuyển cho các cá nhân 15.143 tỷ đồng; chi thực hiện dự án 1.800 tỷ đồng; trả nợ giữa các công ty, cá nhân trong Vạn Thịnh Phát (vay mượn nhau) 48.430 tỷ đồng; trả cho các ngân hàng ngoài SCB 7.600 tỷ đồng; chi trả các khoản vay tại SCB 183.228 tỷ đồng; chuyển cho SCB Cầu Giấy 356 tỷ đồng (chủ yếu để mua USD); trả gốc và lãi các gói trái phiếu đã phát hành 1.690 tỷ đồng; chuyển tiền ra nước ngoài 32.164 tỷ đồng; "chi cá nhân và khoản khác" 8.000 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra đã xác định "đích đến" của 298.311 tỷ đồng, riêng số tiền còn lại 147.436 tỷ đồng bà Lan "sử dụng cho mục đích khác".

Bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bà Lan). (Ảnh: Thanh Tùng).

Là người cuối cùng bị thẩm vấn trong nhóm hành vi Rửa tiền, bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bà Lan) thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố. Ông cho biết thường đi công tác nước ngoài nên sử dụng nhiều thẻ tín dụng, trong đó có của SCB. Ông thừa nhận việc bà Lan đã chỉ đạo nhân viên nộp tiền vào tài khoản thẻ do ông đứng tên và có sử dụng 33 tỷ đồng.

"Khi nhận kết luận điều tra, cáo trạng tôi rất ngạc nhiên vì số tiền 33 tỷ đồng có nguồn gốc bất hợp pháp", ông nói và cho biết đã tác động gia đình nộp lại 19 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.

Chiều nay phiên tòa tiếp tục với phần thẩm vấn của VKS, luật sư đối với các bị cáo.

Ngoài hành vi nói trên, những ngày làm việc trước đó, HĐXX đã thẩm vấn bà Lan cùng đồng phạm về hành vi chiếm đoạt 30.000 tỷ đồng của 35.824 trái chủ thông qua việc phát hành trái phiếu. Trong những ngày làm việc sắp tới, tòa xét hỏi các bị cáo về cáo buộc vận chuyển trái phép 4,5 tỷ USD (tương đương 106.730 tỷ đồng) qua biên giới.

chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.