"Bị cáo muốn ưu tiên khắc phục hậu quả cho các trái chủ, vì có nhiều ông bà cụ già đã mua và đó là tiền tiết kiệm cả đời của họ. Họ vì tin tưởng Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát mà mua. Bị cáo cam kết bằng mọi cách sẽ khắc phục hậu quả cho các bị hại", bà Lan, 68 tuổi, trình bày với tòa, chiều 23/9.
Trong phiên làm việc chiều nay, TAND TP HCM tập trung xét hỏi bà Lan về sai phạm trong việc phát hành các gói trái phiếu khống, lừa bán cho 35.824 trái chủ chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng.
Bà Lan bị cáo buộc là người chi phối, chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; đưa ra chủ trương sử dụng các công ty thuộc tập đoàn để phát hành trái phiếu. Thực hiện việc này, bà Lan đã họp bàn với các nhân sự chủ chốt của Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, Công ty chứng khoán Tân Việt - TVSI chọn và sử dụng 4 công ty thuộc tập đoàn là: An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra phát hành 25 mã trái phiếu khống với tổng khối lượng 308.691 triệu trái phiếu để huy động vốn, chiếm đoạt tiền.
"Cáo trạng mô tả đúng hành vi của bị cáo. Bị cáo tôn trọng các tội danh mà VKS truy tố", bà Lan trả lời thẩm vấn, song đề nghị: "Kính xin HĐXX xem xét thấu đáo về nguyên nhân bối cảnh động cơ của việc phát hành trái phiếu".
Giọng to, rõ ràng, trước mỗi câu trả lời bà Lan luôn "kính thưa HĐXX, VKS". Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cũng nói "tôn trọng lời khai của 28 bị cáo trả lời thẩm vấn trước đó (nhận tội như cáo trạng, khai bà Lan là người ra chủ trương), không có ý kiến gì".
"Mỗi người có hoàn cảnh, công việc khác nhau nhưng họ đều là người làm công ăn lương, không được hưởng lợi gì từ việc phát hành trái phiếu. Họ cũng vì muốn cứu SCB mà làm", bà Lan trình bày.
Bà Lan khai người ra chủ trương phát hành trái phiếu đang trốn truy nã, hoặc đã chết
Trả lời HĐXX về việc có hay không phải là người đưa ra chủ trương phát hành trái phiếu, bà Lan nói, Vạn Thịnh Phát từ trước đến giờ không có nhu cầu phát hành trái phiếu. Nhưng xuất phát từ việc Đinh Văn Thành (Chủ tịch HĐQT SCB trước đây, đang trốn truy nã) và Nguyễn Phương Hồng (Phó tổng giám đốc SCB, đã chết) đề xuất. Do tình hình SCB khó khăn, nên bị cáo đã tổ chức buổi ăn trưa với sự có mặt của nhiều lãnh đạo SCB, Vạn Thịnh Phát và Công ty chứng khoán Tân Việt để trao đổi về vấn đề này.
"Phương Hồng nói 'chị ơi ngân hàng bị thanh tra liên tục không có tiền trả cho người dân' nên nói bị cáo đề nghị mượn các công ty của Vạn Thịnh Phát để phát hành trái phiếu", bà Lan khai. "Lúc đó, bị cáo nói Vạn Thịnh Phát không có nhu cầu phát hành trái phiếu, dù tập đoàn đủ tài sản để phát hành. Nhưng vì nghĩ mình đưa bao nhiêu tài sản vào SCB rồi mà không phát hành trái phiếu, SCB sụp đổ là mất hết nên đồng ý cho mượn các công ty", bà Lan trình bày.
Tiếp đó, bà này khẳng định: "Bị cáo biết gì mà ra chủ trương. Bị cáo chỉ đồng ý cho mượn công ty, còn việc phát hành là của ngân hàng. Xin HĐXX, VKS xác định lại".
Bà Lan cho rằng, sau khi đồng ý cho mượn các công ty thuộc Vạn Thịnh Phát để phát hành trái phiếu, mọi việc còn lại do Nguyễn Phương Hồng và người của SCB triển khai, "chỉ có ngân hàng mới biết cách làm thế nào".
Về Hồ Bưu Phương, phó tổng giám đốc phụ trách tài chính của Vạn Thịnh Phát, theo bà Lan, người này hiểu biết về các vấn đề tài chính, kiểm toán nên nhờ người này cũng như một số nhân viên khác của Vạn Thịnh Phát đứng ra lo giúp thủ tục cần thiết cho SCB. Bà hoàn toàn không biết gì về trái phiếu và thủ tục phát hành.
Về việc riêng pháp nhân của Công ty An Đông phát hành trái phiếu thu hơn 25.000 tỷ đồng, bà Lan nói "rất đau lòng". Sau khi nghe Phương Hồng nói SCB cần tiền gấp, bà đã huy động cả người thân, bạn bè mua trái phiếu tới 5.000 tỷ đồng.
Đối với việc quản lý và theo dõi quá trình phát hành trái phiếu cũng như dòng tiền sử dụng vào việc gì, bà Lan khai "đều giao cho Nguyễn Phương Hồng phụ trách".
"Bị cáo và Vạn Thịnh Phát không sử dụng tiền của các gói trái phiếu. Vạn Thịnh Phát đủ khả năng phát hành trái phiếu tới hàng trăm nghìn tỷ nhưng không có nhu cầu, mà tiền này sử dụng cho SCB", bà Lan nhiều lần nhắc lại nội dung này trong quá trình bị thẩm vấn.
Bà Lan phân trần, bản thân cũng rất mù mờ và phải nhờ cơ quan điều tra giải thích xác minh dòng tiền từ phát hành trái phiếu sử dụng vào mục đích gì. "Chỉ cần bị cáo biết sự thật về việc sử dụng số tiền này, bị cáo sẵn sàng đứng ta giải quyết hết", bà Lan nói.
Theo bị cáo, trước đó bà không biết phát hành bao nhiêu trái phiếu thu về bao nhiêu tiền cho tới khi cơ quan điều tra ra kết luận. Nhưng trong đó không có khoản tiền nào bà sử dụng mà dùng để cho SCB và trả lãi cho dân.
Trong khi đó, cáo trạng xác định, sau khi thu được tiền từ việc bán trái phiếu, các đồng phạm của bà Lan đã thực hiện giao dịch chuyển tiền cho cá nhân được thuê để rút tiền tại SCB nhằm che giấu, cắt đứt dòng tiền và sử dụng toàn bộ tiền bán trái phiếu vào mục đích: trả nợ vay ngân hàng; trả gốc, lãi trái phiếu; chi dự án; chuyển tiền ra nước ngoài và mục đích cá nhân khác của bà Lan, dẫn đến mất khả năng chi trả cho người mua trái phiếu.
Đề xuất phương án khắc phục cho gần 36.000 bị hại
Về hướng xử lý khắc phục thiệt hại cho các trái chủ, bà Lan cho biết, ở giai đoạn một của vụ án, tòa đã tuyên buộc các cá nhân, tổ chức hoàn trả cho bà tổng cộng 21.000 tỷ đồng. Ngoài ra, có nhiều tổ chức tín dụng đã sử dụng tổng cộng 17.000 tỷ đồng có nguồn gốc từ tiền phát hành trái phiếu nên đề nghị tòa ưu tiên dùng số tiền này khắc phục thiệt hại.
Ngoài ra, bị cáo nói sẵn sàng dùng toàn bộ tài sản của gia đình để khắc phục thiệt hại. Trong đó, SCB đang "mượn" dự án 6A ở khu Trung Sơn - có trị giá lên đến 20.000 tỷ đồng và 65 tài sản khác của bị cáo nên "đề nghị tòa hỗ trợ để bị cáo lấy lại các tài sản này, khắc phục thiệt hại cho các trái chủ".
"Nếu không đủ, bị cáo còn có một dự án ở khu trung tâm quận 1 gấp 3 lần Timesqure, những tài sản này chưa bị kê biên", bà Lan nói, thêm rằng có rất nhiều cơ hội khắc phục hậu quả "nhưng ở trong này không thể làm gì. "Bị cáo một lòng một dạ muốn khắc phục thiệt hại cho người dân", bà Lan vừa khóc vừa nói.
Sau khi kết thúc phần thẩm vấn của HĐXX đối với bị cáo Lan, phiên xử tiếp tục với phần xét hỏi của đai diện VKS đối với các bị cáo.
Trong giai đoạn hai của đại án, ngoài hành vi trên, bà Lan và đồng phạm bị cáo buộc hành vi "rửa" 445.747 tỷ đồng, vận chuyển trái phép 4,5 tỷ USD (tương đương 106.730 tỷ đồng) qua biên giới.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/.
Chủ đầu tư 15:06 | 09/10/2024
Chủ đầu tư 15:19 | 07/10/2024
Chủ đầu tư 13:40 | 04/10/2024
Chủ đầu tư 15:53 | 30/09/2024
Chủ đầu tư 15:02 | 27/09/2024
Chủ đầu tư 18:47 | 26/09/2024
Chủ đầu tư 13:43 | 24/09/2024
Chủ đầu tư 18:27 | 23/09/2024