Ông Chu Lập Cơ, Trương Huệ Vân, Nguyễn Cao Trí được giảm án

Toà phúc thẩm ghi nhận ông Chu Lập Cơ là doanh nhân nước ngoài đầu tiên khởi nghiệp tại Việt Nam, có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế... nên giảm 2 năm tù.

Ngày 3/12, sau hơn một tuần nghị án, TAND Cấp cao tại TP HCM công bố bản án phúc thẩm đối với kháng cáo của bà Trương Mỹ Lan; ông Chu Lập Cơ, Trương Huệ Vân (chồng và cháu của bà Lan) cùng 45 người khác về các sai phạm tại giai đoạn một đại án Vạn Thịnh Phát.

Ông Chu Lập Cơ tại tòa sáng nay. (Ảnh: Quỳnh Trần). 

Đối với ông Chu Lập Cơ (chồng bà Trương Mỹ Lan), HĐXX xác định, bị cáo đã ký các biên bản họp đại hội đồng cổ đông, biên bản họp HĐQT Công ty Times Square để thế chấp tài sản của Công ty Times Square bảo lãnh nợ vay cho 73 khoản vay, giúp sức vợ gây thiệt hại cho SCB số tiền hơn 9.000 tỷ đồng.

Tại phiên phúc thẩm, ông Cơ thay đổi kháng cáo toàn bộ bản án sang xin giảm nhẹ hình phạt; đại diện VKS đã ghi nhận cho bị cáo tình tiết giảm nhẹ mới là khắc phục thêm một phần hậu quả vụ án, đề nghị HĐXX giảm từ 9 năm xuống 7-8 năm tù.

Theo HĐXX, ông Cơ có vai trò giúp sức hạn chế, là người nước ngoài không biết tiếng Việt, và chỉ làm theo lời vợ. Bị cáo là doanh nhân nước ngoài đầu tiên khởi nghiệp tại Việt Nam, có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân; có nhiều thành tích được ghi nhận như chung sức xây bệnh viện dã chiến thời điểm Covid-19 hoành hành tại TP HCM, góp phần giúp đất nước vượt qua đại dịch, có nhiều bằng khen của cơ quan nhà nước; sau phiên sơ thẩm nộp thêm 15 tỷ đồng...

"Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ và không có tình tiết tăng nặng, mức án sơ thẩm 9 năm là nghiêm khắc. Để thể hiện sự khoan hồng, tòa chấp nhận giảm một phần hình phạt", HĐXX nêu quan điểm giảm án xuống 7 năm tù.  

Bị cáo Trương Huệ Vân. (Ảnh: Quỳnh Trần). 

Còn Trương Huệ Vân, bị xác định đã làm theo chỉ đạo của bà Lan, cho thành lập và sử dụng 51 công ty "ma", thông đồng với lãnh đạo SCB lập phương án kinh doanh khống là mua bán nông sản với Công ty cổ phần Lavifood để tạo lập hồ sơ vay vốn khống; từ đó rút 1.088 tỷ đồng từ SCB chiếm đoạt, gây thiệt hại 25 tỷ đồng.

Trong phần phát biểu quan điểm xem xét kháng cáo của Huệ Vân, VKS ghi nhận thêm nhiều tình tiết giảm nhẹ, đề nghị tòa giảm cho bị cáo mức án từ 17 xuống 14-15 năm tù về tội Tham ô tài sản. Theo VKSND Cấp cao, bị cáo Vân là người gây thiệt hại thấp nhất cho SCB trong vụ án, thực hiện hành vi do tin tưởng cô ruột của mình.

Khi được nói lời sau cùng, ông Cơ và Vân không xin giảm án cho mình, mà nói nhiều về các tình tiết giảm nhẹ cho bà Lan. Họ xin HĐXX cho Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được hưởng khoan hồng.

HĐXX đánh giá, Vân Là người duy nhất có quan hệ họ hàng và được bà Lan cưu mang từ nhỏ. Bản thân bị cáo không có kiến thức tài chính, chỉ mong chia sẻ với bà Lan trong kinh doanh. Vân chỉ tham gia một số hồ sơ vay vốn nhất định, số tiền giúp sức tham ô, gây thiệt hại thấp nhất so với các bị cáo; bản thân dùng tài sản riêng để khắc phục...

Ở phiên phúc thẩm, Vân đã vận động gia đình nộp thêm tiền để khắc phục hậu quả, và số cổ phiếu đang giữ. Ngoài ra, bị cáo đã cung cấp nhiều thành tích trong tham gia thiện nguyện, nhiều bằng khen, giấy khen...

"Bản án sơ thẩm có phần nghiêm khắc", tòa phúc thẩm nêu, và giảm án xuống 13 năm tù đối với Vân.

Ông Nguyễn Cao Trí tại tòa sơ thẩm. (Ảnh: Quỳnh Trần). 

Ông Nguyễn Cao Trí, 54 tuổi, Chủ tịch tập đoàn Capella, được TAND Cấp cao tại TP HCM chấp nhận đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; tuyên giảm xuống 6 năm tù.

Ông này đã nhiều lần nhận tiền của bà Lan, tổng cộng 40 triệu USD (khoảng 1.000 tỷ đồng), thông qua ba hình thức là chuyển nhượng 65% vốn điều lệ Công ty Cao su Công nghiệp, mua 100% vốn điều lệ Công ty Sài Gòn Đại Ninh và đầu tư dự án tại huyện Hải Hà tỉnh Quảng Ninh.

Theo HĐXX, năm 2018, bị cáo Trí gặp bà Lan tại trụ sở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đặt vấn đề bán cho bà 30% cổ phần của ông tại Công ty cổ phần Cao Su, tỉnh Đồng Nai. Bà Lan đồng ý mua và đặt cọc 6 triệu USD, sau đó nhiều lần thanh toán bằng tiền Việt tổng cộng là 500 tỷ đồng (23 triệu USD) và nhờ Hồ Quốc Minh đứng tên. Chủ tịch tập đoàn Capella còn hứa giúp bà Lan sở hữu trên 66% cổ phần để nắm toàn quyền quyết định công ty, song không thực hiện.

Đến năm 2019, ông Trí mời bà Lan hợp tác trong dự án Khu công nghiệp tại huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh (hơn 20.000 ha). Đây là dự án ông Trí dùng Công ty CP Tập đoàn Bến Thành Holdings group đi xin dự án và chịu trách nhiệm lo về pháp lý. Bà Lan đã giới thiệu đối tác nước ngoài vào đầu tư và làm việc với ông Trí. Ông Trí nhiều lần ứng mượn tiền của bà tổng cộng 12,5 triệu USD và thống nhất khi dự án được triển khai thì khoản tiền này được tính vào chi phí ông Trí được hưởng.

Tuy nhiên, do dự án triển khai chậm, bà Lan yêu cầu chuyển trả lại số tiền trên hoặc chuyển nhượng Công ty Bến Thành cho bà, song ông Trí không thực hiện.

Liên quan đến Công ty cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh, năm 2020 ông Trí gặp bà Lan thuyết phục, năn nỉ đầu tư dự án này nhưng bà không có nhu cầu. Ông Trí sau đó mượn tiền bà để đầu tư dự án.

Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chuyển cho ông Trí vay 300 tỷ đồng nhưng không ký giấy tờ biên nhận. Do bà không muốn làm, nên ông Trí nói sẽ chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư ngoài Hà Nội và sẽ trả cho bà 500 tỷ đồng nhưng không thực hiện.

Sau đó, hai bên gặp nhau tính toán công nợ, chốt: ông Trí nợ bà Lan 1.000 tỷ đồng. Chủ tịch tập đoàn Capella chuyển nhượng cho bà 10% cổ phần Công ty cổ phần đầu tư và quản lý giáo dục Văn Lang để cấn trừ nợ. Số cổ phần này bà cũng nhờ Hồ Quốc Minh đứng tên, còn bà giữ sổ cổ đông.

Sau khi bà Lan bị bắt giam, Trí đã chỉ đạo trợ lý soạn thảo các văn bản điều chỉnh giá và thanh lý toàn bộ hợp đồng chuyển nhượng đã ký trước đó, nhằm xóa bỏ quyền sở hữu của bà Lan trong các dự án, chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng.

HĐXX phúc thẩm ghi nhận bị cáo Trí có thêm tình tiết giảm nhẹ, khắc phục toàn bộ hậu quả, bồi thường thêm để khắc phục chung hậu quả toàn bộ vụ án, trong quá trình công tác có thành tích xuất sắc, hiện sức khỏe yếu, nên có căn cứ xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Ngoài vụ án này, ông Trí đang là bị can Đưa hối lộ để "siêu" dự án Sài Gòn Đại Ninh tiếp tục được triển khai, sau đó bán sang tay cho Novaland với giá 27.600 tỷ đồng, hưởng lợi 2.700 tỷ.

Bị cáo Dương Tấn Trước - người được bà Lan "thưởng" 1.000 tỷ đồng. (Ảnh: Quỳnh Trần). 

Bị cáo Dương Tấn Trước, CEO Công ty Tường Việt, được giảm án nhiều nhất (5 năm) - từ 11 năm tù xuống 6 năm tù về tội Tham ô tài sản.

Theo HĐXX, bị cáo Trước có vai trò đồng phạm hạn chế, không phải nhân viên SCB, phạm tội do tin tưởng Lan, mục đích muốn vay tiền bà này, nên cho mượn pháp nhân công ty giúp bà này phạm tội.

Sau vụ án đã nộp toàn bộ tiền khắc phục hậu quả, hoàn trả cho Lan tiền không liên quan là gần 3.000 tỷ đồng, góp phần khắc phục hậu quả chung của vụ án. Tại tòa phúc thẩm, Trước tích cực hợp tác, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, căn cứ này HĐXX sẽ khoan hồng đặc biệt, nên giảm một phần mức án.

Dương Tấn Trước, CEO Công ty Tường Việt bị xác định giúp bà Lan chiếm đoạt của 4.752 tỷ đồng của SCB và gây thiệt hại 605 tỷ, thông qua hai khoản vay khống. Trong đó, khoản vay 3.500 tỷ của Công ty Thuận Tiến, Công ty Khánh Minh liên quan đến việc mua dự án Thanh Yến của bà Lan. Tuy nhiên, ông Trước không phải trả tiền mà chỉ cần lập hồ sơ vay vốn khống giúp bà Lan đảo nợ. Do ông Trước không thụ hưởng số tiền này nên không có nghĩa vụ khắc phục.

Ngoài ra, bị cáo còn giúp bà Lan một số việc khác như xin cấp giấy phép xây dựng siêu dự án Mũi Đèn Đỏ và Sài Gòn Bình An, nên bà Lan "trả công" 1.500 tỷ đồng thông qua hợp đồng vay, giải ngân cho Công ty Tường Việt. Công ty Việt Đức (thuộc nhóm Tường Việt) còn vay 248,5 tỷ đồng của SCB. Như vậy, thông qua hai khoản vay, các bị cáo đã rút của SCB 1.748,5 tỷ đồng.

Đến ngày 17/10/2022 (Bộ Công an khởi tố vụ án), ông Trước và Tường Việt đã tất toán hơn 813 tỷ đối với số tiền 1.500 tỷ đồng được bà Lan trả thông qua các khoản vay tại SCB. Ngoài ra, quá trình làm ăn, ông Trước còn nhận của bà Lan hơn 2.697 tỷ đồng, đã đưa lại 492,5 tỷ đồng (thông qua Trương Huệ Vân, cháu bà Lan), hiện còn hơn 2.204 tỷ đồng.

Tương tự, nhiều bị cáo nguyên là lãnh đạo, nhân viên của SCB và Vạn Thịnh Phát được tòa phúc thẩm giảm 1-2 năm tù. 

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.