Sáng 14/4, sau nhiều ngày làm việc, phiên xem xét kháng cáo của bà Trương Mỹ Lan (69 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) về các sai phạm trong giai đoạn 2 của đại án kết thúc phần tranh luận.
Trước khi bước vào phần lời nói sau cùng, bà Lan bày tỏ rất xúc động khi nhận được thông tin Thủ tướng đã thành lập Ban chỉ đạo trung ương về thu hồi tài sản trong các vụ án tại Vạn Thịnh Phát.
"Đây thực sự là thông tin vô cùng có ý nghĩa, cũng là tâm nguyện bị cáo đã trình bày trong các đơn gửi tới lãnh đạo Đảng và Nhà nước", bà Lan nói.
Bà Trương Mỹ Lan tại phiên phúc thẩm. Ảnh: Thanh Tùng
Theo bị cáo, bà đã nhiều lần trình bày rằng hậu quả của vụ án xảy ra là ngoài mong muốn, xuyên suốt hơn 10 năm qua cho đến nay. Bà nhận trách nhiệm thực hiện việc bồi thường theo các bản án và mong Đảng, Nhà nước, Ban chỉ đạo xem xét có cơ chế đặc biệt trong quá trình khắc phục hậu quả sẽ có sự tham gia của đại diện bị cáo, gia đình và các đối tác mới.
"Bản thân bị cáo không thể tiếp xúc trực tiếp với các đối tác nước ngoài, nên nhờ luật sư và gia đình gặp gỡ, trao đổi. Bị cáo sẽ vô cùng biết ơn", bà Lan nói và cho biết trong sáng nay đã được thông báo về việc đã có liên doanh nhóm đối tác nước ngoài nhận lời giúp bà khắc phục hậu quả vụ án.
Họ đã chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, phương án để khắc phục hậu quả nhanh nhất trong thời gian 2-5 năm và còn hỗ trợ phát triển tất cả tài sản hiện đang thế chấp tại SCB để vừa có thể trả nợ và phát triển đúng giá trị. Dự kiến, nhóm này sẽ trình với các cấp có thẩm quyền các giải pháp mang tính tổng thể và trước mắt. Đến nay, nhóm đã hoàn tất hồ sơ, đề án và dự kiến đệ trình Ban chỉ đạo trung ương, thu hồi tài sản triệt để trong thời gian sớm nhất.
"Trước khi phiên tòa phúc thẩm kết thúc, bị cáo mong muốn có một con số cụ thể từ nhóm liên doanh này nhưng do đang bị tạm giam nên không được tiếp xúc với các đối tác. Bị cáo rất mong HĐXX ghi nhận những nỗ lực của bị cáo và xem xét, đánh giá tổng thể vụ án một cách nhân văn", Chủ tịch Vạn Thịnh Phát nói.
Sau khi bà Lan trình bày, HĐXX cho biết, theo thông tin đã công bố, Thủ tướng đã ký quyết định cử Phó thủ tướng làm Trưởng ban chỉ đạo thu hồi tài sản trong các vụ án xảy ra tại Vạn Thịnh Phát. Trong thời gian thi hành án, bị cáo Lan có quyền gặp người có thẩm quyền đề đạt nguyện vọng của mình để đưa ra phương án tốt nhất về thu hồi tài sản.
"HĐXX đánh giá rất cao việc bị cáo nỗ lực, tìm phương án khắc phục cho bị hại. Trong quá trình thi hành án, nếu tiếp tục có thiện chí thi hành sẽ được xem xét", chủ tọa Phạm Công Mười nói.
Được nói lời sau cùng, giọng bà Lan đầy cảm xúc khi bày tỏ lòng cảm kích với HĐXX, đại diện VKS và cho rằng đây là phiên tòa "khắc sâu trong ký ức, không bao giờ quên" về tính khoa học, nhân văn.
"Bị cáo cũng thực sự có nhiều điều muốn nói với gia đình, người dân và xin lỗi những người này vì đã vất vả trong hai năm qua. Bị cáo cam kết không để người dân phải thiệt hại", bà Lan nghẹn giọng, thêm rằng rất buồn vì chưa sớm khắc phục được toàn bộ thiệt hại cho các trái chủ. Bà cũng một lần nữa đề cập đến việc bị tuyên phạm tội Rửa tiền và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới nên nhiều bạn bè đối tác ở nước ngoài "e ngại trong việc chuyển tiền giúp đỡ khắc phục" nên thủ tục cũng bị chậm trễ.
Chủ tịch Vạn Thịnh Phát sau đó nói về cảm xúc nhớ lại thời còn trẻ đã chọn ở lại Việt Nam kinh doanh buôn bán với mẹ, đến năm 1993 lập gia đình với Chu Lập Cơ rồi ông cũng trở thành người Việt Nam. Bà xin HĐXX, Nhà nước kiểm tra thật kỹ gia tộc của bà về đạo đức, lối sống... và những đóng góp để xem xét cho bà.
"Bị cáo một lòng một dạ làm sao phục hồi SCB, xử lý tài sản khắc phục hậu quả và mong SCB phát triển bền vững. Ngoài việc trả được nợ cho Ngân hàng Nhà nước còn phải phát triển các tài sản hiện đúng với giá trị của nó chứ không bán đổ bán tháo", bà Lan kết thúc trình bày.
Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn. Ảnh: Thanh Tùng
Tương tự, Võ Tấn Hoàng Văn (cựu tổng giám đốc SCB) cũng bày tỏ lòng biết ơn HĐXX, VKS, luật sư, cán bộ áp giải... đã chăm sóc sức khỏe cho mình trong suốt phiên tòa.
Bị cáo nói bản thân đang phải chịu hình phạt rất nghiêm khắc (án chung thân cho cả hai giai đoạn vụ án) về những sai phạm trong thời gian làm việc tại SCB. Những sai phạm này đều liên quan đến quá trình tái cơ cấu SCB và như một "bóng đen" bao trùm rất nhiều gia đình, không riêng gì bản thân mình. Ông xin tòa khoan hồng, xem xét cho mình có động lực trong quá trình thi hành án.
"Bị cáo mong cơ quan quản lý tìm ra những thiếu sót trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng để từ đó khắc phục và giúp nền kinh tế phát triển ổn định. Bị cáo cũng mong Nhà nước tiếp tục tinh thần nâng đỡ nền kinh tế tư nhân khi họ vấp ngã, tạo cơ hội cho bà Lan khắc phục hậu quả vụ án", ông Văn nói, đồng thời bày tỏ cảm ơn người vợ đã thay mình gánh vác trách nhiệm gia đình với cha mẹ và 6 người con bằng sự "cố gắng phi thường";
Các bị cáo còn lại đều giãi bày về hoàn cảnh gia đình, điều kiện phạm tội, xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt.
HĐXX cho biết sẽ nghị án trong một tuần và sẽ đưa ra phán quyết vào ngày 21/4.
Trước đó, quá trình xét xử phúc thẩm, bà Lan được đại diện VKSND Cấp cao đề nghị tòa giảm án chung thân ở tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (30.081 tỷ đồng của 35.824 trái chủ); giữ nguyên hình phạt 12 năm tù về tội Rửa tiền (445.747 tỷ đồng) và 8 năm tù tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới (4,5 tỷ USD - tương đương 106.730 tỷ đồng).
Còn tại giai đoạn một vụ án, hồi 12/2024, bà Lan bị TAND Cấp cao tại TP HCM giữ nguyên án tử hình về tội Tham ô tài sản; Đưa hối lộ; và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Bản án này đã có hiệu lực pháp luật, song khi tuyên án HĐXX cho rằng "nếu bị cáo (bà Lan) tích cực khắc phục 3/4 hậu quả sẽ được xem xét chuyển sang chung thân".
Hôm 9/4, Thủ tướng đã thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về tổ chức thi hành án, thu hồi tài sản "khủng" bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Trưởng Ban Chỉ đạo là Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình, được sử dụng con dấu của Thủ tướng. Phó ban là Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh. 20 thành viên còn lại là lãnh đạo nhiều bộ ngành trung ương và địa phương như Hà Nội, TP HCM, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Quảng Ninh.
Bộ Tư pháp là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo. Ban có trách nhiệm giúp Thủ tướng giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành, đề xuất phương hướng, giải pháp về tổ chức thi hành án, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Chủ đầu tư 07:24 | 04/12/2024
Chủ đầu tư 19:15 | 03/12/2024
Chủ đầu tư 07:27 | 27/11/2024
Chủ đầu tư 14:02 | 26/11/2024
Chủ đầu tư 19:56 | 25/11/2024
Chủ đầu tư 14:21 | 25/11/2024
Chủ đầu tư 14:05 | 18/11/2024
Chủ đầu tư 07:40 | 17/11/2024