Trên trang chủ, hãng giao đồ ăn Baemin vừa công bố danh tính của các tài xế nợ tiền công ty. Hiện Baemin đang truy thu tiền công nợ của đối tác tài xế, thậm chí tuyên bố họ phối hợp với cơ quan chức năng để truy tố các trường hợp trục lợi tiền hàng.
Căn cứ vào danh sách các tài xế còn nợ tiền mà Baemin công bố, trường hợp nợ lớn nhất lên đến 11,475 triệu đồng và ít nhất là gần 4,5 triệu đồng.
"Việc cố tình giữ tiền hàng, không nộp lại Baemin có thể coi là hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, qui định tại điều 174 Bộ Luật Hình sự", Baemin khẳng định.
Về cách giải quyết, Baemin khuyến cáo tài xế luôn kiểm tra số tiền nợ trên ứng dụng, đồng thời nộp tiền nợ về phía công ty mỗi khi số tiền nợ vượt quá một triệu đồng. Trong trường hợp nợ hơn 1,5 triệu đồng, Baemin sẽ khóa ứng dụng và sẽ mở lại khi tài xế thanh toán đầy đủ.
Hàng tháng, Baemin công khai danh tính các tài xế vi phạm nghiêm trọng bộ qui tắc ứng xử của công ty. Trong hầu hết các trường hợp, Baemin ngừng hợp tác vĩnh viễn với những tài xế này.
Giữa năm nay, Baemin vừa mở rộng hoạt động ra thị trường Hà Nội, sau một năm kinh doanh tại TP HCM. Tiền thân của Baemin là nền tảng giao đồ ăn Vietnammm sau khi tập đoàn Woowa Brothers thâu tóm công ty hồi đầu năm 2019.
Là hãng chuyên giao đồ ăn, nhưng trong giai đoạn giãn cách xã hội, Baemin triển khai thêm dịch vụ đi chợ hộ, mua sắm hàng tiêu dùng thay khách.
Trong một lần phỏng vấn gần đây với Dealstreetasia, đại diện Baemin cho biết công ty sẵn sàng đầu tư ngang hoặc nhiều hơn các đối thủ cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Cũng như các đối thủ trong cùng phân khúc, Baemin đã lỗ khá sâu trong năm đầu tiên vận hành tại Việt Nam.
Số tiền mà các tài xế nợ, có thể khá nhỏ so với mức đầu tư của Baemin. Nhưng nếu công ty không tìm cách giải quyết triệt để, nó sẽ tạo thành một tiền lệ xấu.
Hành vi "bùng hàng" hay tài xế thu tiền hộ rồi không gửi lại công ty không phải là những vấn đề mới trên các diễn đàn về tài xế công nghệ. Một trong những nguyên nhân chủ yếu đến từ thói quen sử dụng tiền mặt khi thanh toán tại Việt Nam.
Với việc sử dụng tiền mặt khi thanh toán COD (ứng tiền, thu hộ), rủi ro luôn tiềm ẩn đối với một trong số các bên tham gia (khách hàng, tài xế hoặc ứng dụng giao hàng). Vì thế, các ứng dụng kết nối luôn phải đảm bảo một chính sách phù hợp nhất để làm hài lòng các bên, đồng thời hạn chế rủi ro xảy ra.
Người đại diện Grab xác nhận công ty yêu cầu các tài xế giao hàng (GrabExpress) phải kí quĩ hai triệu đồng để đảm bảo việc tài xế sẽ nộp lại số tiền thu hộ. Trong trường hợp tài xế không nộp, công ty trừ vào hai triệu đồng kí quĩ. Tài xế sẽ không phải ứng tiền cho chủ hàng khi nhận đơn.
"Công ty không khuyến khích khách gửi hàng có giá trị trên hai triệu đồng, cũng như không khuyến khích tài xế nhận ứng tiền nhiều hơn hai triệu", Grab cho biết.
Tuy nhiên, trong trường hợp tài xế nhận ứng tiền mà không nộp, công ty sẽ có những biện pháp nghiệp vụ để truy thu số tiền thiếu, hoặc thậm chí truy tố. Dẫu vậy, Grab Việt Nam khẳng định rằng, kể từ khi vận hành, công ty vẫn chưa phải truy tố bất cứ trường hợp tài xế nào.
Be lại lựa chọn cách xử lí khác. Tài xế Be sẽ ứng tiền cho khách hàng trước, và nhận tiền từ người nhận trong trường hợp lựa chọn hình thức thanh toán COD.
Để đảm bảo an toàn cũng như giảm thiểu tối đa rủi ro, Be yêu cầu khách hàng xác thực danh tính khi tiếp xúc với tài xế, bằng cách thu thập ảnh chụp chân dung; ảnh chụp giấy tờ tùy thân, hộ chiếu, giấy phép lái xe.
Ngoài ra, Be cũng có chính sách chỉ nhận các đơn thanh toán COD có giá trị tối đa 500.000 đồng. Trong trường hợp xấu nhất, Be sẽ hỗ trợ 50% giá trị đơn hàng cho tài xế.