Sau khi đạt những thành công tại nội địa, Woowa Brothers (Hàn Quốc) nhắm tới Việt Nam như một trong những thị trường tiềm năng. Hồi tháng 5/2019, họ đã rót vốn vào Việt Nam để xây dựng thương hiệu giao đồ ăn Baemin. Một năm sau đó, Baemin tiếp tục "Bắc tiến" để triển khai tại Hà Nội.
Mặc dù hồi ấy, thị trường giao đồ ăn Việt Nam đã khá đông đúc, với những Now, GrabFood hay GoFood, Baemin cũng có những lợi thế riêng với sự hậu thuẫn từ Woowa Brothers.
Woowa Brothers được định giá 4 tỉ USD, với hàng loạt các nhà đầ tư như GIC, Hillhouse Capital và Sequoia Capital. Tại Hàn Quốc, Woowa xuất hiện với thương hiệu mang tên Baedal Minjok và là dịch vụ giao đồ ăn lớn nhất tại đây.
Công ty hoàn toàn tự tin vào việc sẽ thành công tại thị trường Việt Nam - nơi có những nét tương đồng về văn hóa với Hàn Quốc. Mục tiêu của Baemin là trở thành ứng dụng được yêu thích nhất tại Việt Nam.
"Trong 2-3 năm tới, chúng tôi cam kết đầu tư tất tay để đạt được mục tiêu tăng trưởng và phát triển", Jin Ha, giám đốc chiến lược của Baemin chia sẻ với Dealstreetasia.
Đương nhiên, Baemin sẽ đối mặt với sự cạnh tranh đáng gờm từ các đối thủ. Năm ngoái, Grab đã cam kết 500 triệu USD vào thị trường Việt Nam để tiếp tục xây dựng hệ sinh thái, đồng thời mở rộng các mô hình kinh doanh mới như GrabMart hay GrabKitchen.
Gojek Việt Nam (tiền thân là GoViet) vốn là một ứng dụng đẩy mạnh vào mảng giao món với hàng loạt các chính sách ưu đãi cho tài xế và khách hàng. Hiện sau khi hợp nhất thương hiệu, Gojek tiếp tục cho thấy tham vọng khi tung ra nhiều chính sách ưu đãi lớn.
Báo cáo của Kantar dự đoán thị trường giao đồ ăn Việt Nam sẽ đạt giá trị 459 triệu USD vào năm 2023, tăng mạnh từ 148 triệu USD năm 2018. Số liệu thống kê cuối năm 2019 của công ty nghiên cứu thị trường Restaurant Association of Vietnam (RAV) cho thấy Việt Nam có 540.000 nhà hàng, 22.000 quán cà phê, và 80.000 cửa hàng bán lẻ.
Ông Jin Ha nhận định thị trường Việt Nam vẫn còn đủ để Baemin cạnh tranh với các đối thủ hiện hữu. Ngoài ra ông cho biết số vốn mà Woowa Brothers đổ vào Baemin ít nhất là ngang với các đôi thủ cạnh tranh.
Dù các khảo sát cho thấy GrabFood và GoFood là những nền tảng giao đồ ăn phổ biến nhất, ông Ha nhận định rằng Now mới là đối thủ lớn nhất về số lượng cửa hàng trên ứng dụng.
Mặc dù vào thị trường muộn hơn, nhưng Baemin cũng có những lợi thế nhất định: 100% tập trung vào mảng kinh doanh giao đồ ăn. Trong khi đó, Now là một trong những đối tác giao vận của Shopee.
Ngoài ra, Baemin cũng hợp tác với Momo và ZaloPay, hai trong số những ví điện tử hàng đầu tại Việt Nam. Đây cũng là một lợi thế cạnh tranh khi khách hàng GrabFood buộc phải thanh toán qua Moca, còn GoFood thậm chí chưa tích hợp tính năng thanh toán phi tiền mặt.
Không phải mọi ứng dụng kết nối trong lĩnh vực giao đồ ăn đều thành công. ZaloFood, ứng dụng giao món của Zalo cũng từng ra mắt rầm rộ năm 2018 trước khi chìm dần vào quên lãng. Ứng dụng gọi xe Be cũng có ý định làm mảng giao món, nhưng sau đó đã phải hủy kế hoạch.