Khoảng chục năm trước, tiến sĩ Tô Nhật, Phó chủ tịch tập đoàn xây dựng Amaccao, cùng ban lãnh đạo luôn tâm niệm họ phải chọn kĩ sư, cử nhân tốt nghiệp loại khá, giỏi của các đại học danh tiếng nhất. Niềm tin của ban lãnh đạo là "lấy lẽ phải và khoa học dẫn đường cho mọi hoạt động của doanh nghiệp".
"Mọi người đều nghĩ những ai học đại học chính qui danh tiếng và có kết quả cao thì sẽ có năng lực tốt", ông Nhật phát biểu.
Nhưng thực tế cho thấy, trong gần 3.000 người lao động của Amaccao, nhiều tấm gương lao động điển hình có học vấn bình thường, và thậm chí vài người còn chưa tốt nghiệp cấp 1. Nhưng qua thời gian, họ trở thành những thành viên có tầm ảnh hưởng lớn đối với tập đoàn.
Ông Nhật kể câu chuyện về Vũ Văn Ngọc, người vào tập đoàn với tấm bằng cao đẳng kĩ thuật. Cầu thị, luôn sẵn sàng lăn xả, không ngại khổ, Ngọc luôn sẵn sàng làm việc cả ngày lẫn đem, kể cả ngày lễ, để hoàn thành tiến độ. Anh từng nằm vùng ở Lai Châu vài n ăm để thi công các công trình.
Với tinh thần làm việc chủ động, đầy hứng khởi, Ngọc nhanh chóng trở thành cán bộ kĩ thuật giỏi, rồi nắm vị trí Giám sát kĩ thuật, Chỉ huy trưởng.
Năm 2013, Amaccao lần đầu tiên nhận một công trình lớn của tập đoàn Vingroup tại quận Long Biên, Hà Nội. Vì đây là dự án mà tập đoàn rất coi trọng nên ban lãnh đạo huy động toàn bộ lực lượng tinh nhuệ nhất để bảo đảm chất lượng và tiến độ nhằm ghi điểm với đối tác và hi vọng họ sẽ có cơ hội nhận thêm những dự án khác của Vingroup.
Ban đầu, Chủ tịch tập đoàn điều động một tổng giám đốc công ty thành viên chỉ huy công trường, nhưng chỉ hai hôm sau ban lãnh đạo đã nhận thấy tình hình không ổn. Vì thế, Chủ tịch điều động một chỉ huy trưởng có bằng kĩ sư chính quy của Đại học Xây dựng thay thế vị tổng giám đốc. Vẫn cảm thấy không yên tâm nên ban lãnh đạo cử ông Nhật trực tiếp chỉ huy.
Đội ngũ giúp việc cho ông Nhật gồm 3 phó chỉ huy - Vũ Văn Ngọc và hai kĩ sư chính qui từ Đại học Xây dựng. Sau khoảng một tháng, ông Nhật thấy ông Ngọc thường xuyên phê bình, thậm chí "mắng" những người làm kém, ẩu và vô kỉ luật. Nhờ sự quyết liệt của Ngọc mà mũi thi công của ông làm việc xuất sắc. Sau đó, ông Nhật đề nghị ban lãnh đạo bổ nhiệm ông Ngọc làm chỉ huy trưởng công trường.
Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của ông Ngọc với hơn 500 người, Amaccao đã hoàn thành xuất sắc dự án. Vingroup đánh giá tập đoàn là nhà thầu mạnh.
Từ đó về sau, ông Ngọc luôn giữ chức Tổng chỉ huy mọi đại công trường và những dự án qui mô nhất, phức tạp nhất như công viên Đại Dương (Hạ Long), Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình.
Sau đó, ban lãnh đạo đã bồi dưỡng, huấn luyện để ông Ngọc đảm nhiệm những vị trí cao hơn như Phó Tổng giám đốc, Tổng giám đốc VinaDic - công ty thành viên lớn nhất trong tập đoàn.
Với trọng trách của người đứng đầu VinaDic, ông Ngọc phát huy tối đa văn hóa lăn xả, cống hiến vì khách hàng và tinh thần yêu lao động. Ông cũng biết vận dụng bài học về lãnh đạo doanh nghiệp mà ông từng học và tích lũy trong quá trình làm việc vào hoạt động quản trị.
"Chưa đầy hai năm đảm nhận vị trí, anh Ngọc đã giúp VinaDic tăng gấp đôi doanh số. Hiện tại, anh Ngọc đã trở thành một trong 10 thành viên quản trị của tập đoàn. Đầu năm 2020, anh kiêm nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc Amaccao", ông Nhật nói.
Qua câu chuyện của ông Vũ Văn Ngọc và nhiều cá nhân tiêu biểu khác trong tập đoàn, ông Nhật rút ra bài học: Thái độ, tư duy và bản chất của con người mới là yếu tố quyết định, chứ không phải bằng cấp, trình độ học vấn.
Phó Chủ tịch Amaccao nhận định rằng kiến thức, kĩ năng là thứ mà chúng ta có thể học tập, trau dồi theo thời gian. Chỉ cần thái độ và tư duy đúng (cầu thị, cởi mở, ham học hỏi, lăn xả vì mục tiêu chung), mọi thứ khác sẽ trở nên rất dễ dàng. Vì thế, Amaccao đã thay đổi quan điểm tuyển dụng.
"Yếu tố quan trọng nhất với ứng viên là thái độ, tư duy, nhân cách. Tri thức và kĩ năng sẽ đến khi người lao động có thái độ và tư duy đúng", ông Nhật nhấn mạnh.