Thời gian gần đây, khi mà dư âm của những câu chuyện như “giải cứu giáo viên” hay “bỏ biên chế giáo viên” đang khiến cho dư luận hết sức chú ý. Bên cạnh đó, trên một số diễn đàn mạng xã hội cũng xuất hiện thêm nhiều chia sẻ về nỗi vất vả, hy sinh của người giáo viên.
![]() |
Hình ảnh người giáo viên nhân dân luôn rạng ngời trong tà áo trắng thướt tha. Ảnh CTV |
"Anh bảo không lấy vợ giáo viên
Chấm bài, soạn giảng cứ liên miên
Lên lớp, dự giờ thao giảng cụm
Mang đến cho anh biết bao phiền.
Anh bảo không lấy vợ giáo viên
Thanh tra đột xuất rồi thường xuyên
Đổi mới, chuyên sâu rồi tích hợp
Gây bao sóng gió chẳng bình yên.
Anh bảo không lấy vợ giáo viên
Nửa đêm ngon giấc đang mơ tiên
Vợ gọi... trả bài... tim giật thót,
Cải cách triền miên người muốn điên (?)
Anh bảo không lấy vợ giáo viên
Lương ít vẫn phải diện thật duyên
Bám trường, bám lớp yêu con bạn
Đạo đức phải luôn giống mẹ hiền.
Chắc gì cô giáo đã yêu anh?
Bởi cô duyên dáng lại thông minh
Trồng người... nghiệp ấy... cô đã chọn,
Đầy ắp yêu thương chứa chan tình.
Chắc gì cô giáo đã yêu anh?
Bởi anh ích kỉ... ít thông minh
Nỗi buồn nghề nghiệp không chia sẻ
Nhân xấu anh gieo chẳng ngọt lành.
Chắc gì cô giáo đã yêu anh?
Tuy nghèo lên lớp vẫn đẹp xinh
Thướt tha váy áo luôn duyên dáng
Yêu cả con người lẫn con anh.
Thử xem, cô giáo có yêu anh?
Khi anh nghề nghiệp chẳng ngon lành
Chẳng biết đồng cam và cộng khổ
Chi li tính toán tới ngọn ngành.
Chắc chắn...
Cô giáo chẳng lấy anh
Khi anh gia trưởng lại đành hanh
Công việc gia đình không chia sẻ
Bỏ vê con cái việc học hành.
Chắc chắn...
Cô giáo chẳng lấy anh
Dù anh giàu có thăng tiến nhanh
Học hành chểnh mảng... luôn chắp vá
Tiến sĩ... giấy... mà...
Vẫn cứ khinh...".
Chỉ sau ít giờ, bài thơ trên lập tức nhận được sự đón nhận, chia sẻ và bình luận của cộng đồng mạng.
Theo ý kiến của một số cư dân mạng, đây có thể là những lời tâm sự của một cô giáo đã “trách khéo” một người con trai khi mà anh này nói, sẽ không lấy vợ giáo viên. Cô giáo này đã dẫn giải ra những lý lẽ rất thực tế là những lo toan thường nhật của người giáo viên đứng lớp bằng các hình ảnh: "Chấm bài, soạn giáo án, thao giảng, thanh tra...
![]() |
Làm giáo viên dù chịu nhiều áp lực nhưng cũng chan chứa tình yêu thương học trò. Ảnh minh họa: Đình Tuệ. |
Không chỉ có vậy, tác giả bài thơ cũng nêu lên những chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" như lương thấp nhưng vẫn gắn bó với trường lớp, với học trò cùng tình yêu trẻ thiết tha. Rồi chuyện đạo đức phải giống như mẹ hiền, dù thu nhập không cao nhưng lên lớp là phải mặc đẹp.
Cô giáo Chu Thị Huế - một giáo viên trẻ đang dạy mầm non tại Hoài Đức (Hà Nội) cho biết: "Đây thực sự là những tâm sự về nghề rất thực tế mà chính chúng em đang trải qua. Dù có vất vả, lương không cao và áp lực công việc nhiều, nhưng với các cô nuôi thì chỉ cần nhìn thấy trẻ ăn ngon, ngủ ngoan và chơi đùa là thích rồi".
Còn theo một người dùng mạng khác tên Minh Phuong Tran thì bình luận: "Đọc xong cả bài thơ, tôi rất ấn tượng với nửa sau của bài. Đó là lời tâm sự của một cô giáo với một người con trai. Khi mà anh chàng kia nói không lấy vợ giáo viên, cô giáo này đã đối đáp lại một cách đầy khôn ngoan, nhẹ nhàng mà sâu sắc".
"Nếu người đàn ông không biết lo cho gia đình, công việc không ổn định lại thêm thói gia trưởng, đành hanh thì làm sao có được tình cảm của cô giáo này? Dù anh chàng kia có giàu có và thăng tiến nhanh nhưng bằng cấp lại lại luôn chắp vá, bằng Tiến sĩ giấy thì cô giáo kia cũng không coi trọng", tài khoản này chia sẻ thêm.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng tác giả của bài thơ có thể là một giáo viên. Lời thơ mộc mạc, giàu hình ảnh mà cũng pha chút châm biếm khiến người đọc cảm thấy dễ hiểu. Qua đây cũng phần nào hiểu được sự vất vả của các giáo viên trong nghề.
Bài thơ này sau khi được đăng tải vẫn đang thu hút sự quan tâm của đông đảo người dùng mạng và tiếp tục được chia sẻ.
![]() |
Bài thơ tránh nắng 'Khoan hãy về Hà Nội nghe anh' đầy cảm hứng của cô giáo Tiếng Anh
Bằng những hình ảnh ẩn dụ về một Hà Nội đang oằn mình trước cái nóng khủng khiếp của những ngày hè tháng 6, một ... |