Bãi trông xe không phép tồn tại hàng chục năm trong khuôn viên của khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. |
Bãi xe không phép xâm phạm di tích lịch sử
Theo tìm hiểu của phóng viên,từ nhiều năm nay, Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Trung tâm HĐVH KH VM-QTG), đơn vị trực tiếp quản lý di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã nhiều lần có văn bản gửi Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa… để xin cấp giấy phép trông giữ xe tại vườn hoa trong khuôn viên khu di tích.
Các đơn vị nói trên đều nhận định Văn Miếu - Quốc Tử Giám là khu di tích lịch sử có kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt cần được bảo tồn, cho nên không đồng ý cho đơn vị được phép sử dụng để trông giữ xe. Do thực tế du khách đến khu di tích ngày một nhiều, cần có chỗ trông giữ xe, cho nên Trung tâm HĐVH KH VM-QTG đã tự ý tổ chức cho các cá nhân trông giữ xe ngay tại vườn hoa trong khuôn viên khu di tích. Điều này hoàn toàn trái pháp luật.
Vào ngày 24-6-2015, Trung tâm HĐVH KH VM-QTG đã có văn bản số 31/VMQTG gửi Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Phòng Quản lý vận tải đã khẳng định, trong quá trình hoạt động Trung tâm bố trí hai vị trí trong khuôn viên khu vực vườn hoa Giám di tích để trông giữ xe cho cán bộ, nhân viên (hơn 100 người) và khách đến làm việc, tham quan di tích.
Hằng năm, đơn vị thực hiện trích nộp thuế trông giữ xe theo quy định của Nhà nước như sau: trích nộp 10% thuế giá trị gia tăng trên tổng số thu và 25% thuế TNDN sau khi trừ các khoản chi phí. Phần kinh phí còn lại trích vào quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp dùng để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất… Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, không một cơ quan chức năng nào cấp phép cho Trung tâm HĐVH KH VM-QTG được phép trông giữ xe tại khuôn viên khu di tích.
Theo ghi nhận nhiều ngày, vào nhiều khung giờ khác nhau, tại khuôn viên bên tay trái cổng chính của Văn Miếu - Quốc Tử Giám có biển báo chỉ dẫn cho du khách biết ở đây có dịch vụ gửi xe để vào Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Phía bên trong khuôn viên là nhiều dãy xe máy, ô-tô xếp thành nhiều hàng dài. Phía bên ngoài vỉa hè mặt đường Văn Miếu có một phần đường được Sở Giao thông vận tải Hà Nội kinh doanh làm chỗ để xe ô-tô, nhưng thường xuyên có tình trạng lấn lên vỉa hè nằm trong khuôn viên di tích làm vỡ, hư hỏng rất nhiều gạch.
Nhiều ô-tô đỗ tràn lên các bãi cỏ trong khu di tích. |
Sự thờ ơ của cơ quan chức năng
Tại buổi làm việc với phóng viên, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm HĐVH KH VM-QTG khẳng định, nhiều năm qua đơn vị đã xin phép các cấp có thẩm quyền để được sử dụng một phần khuôn viên để trông xe nhưng đều được trả lời đây là đất di tích cho nên không cấp phép để trông xe.
Bởi vậy, nhiều năm qua Trung tâm vẫn tự vận hành việc trông xe trái phép này mà chưa có sự đồng ý của bất kỳ cơ quan nào(!?). Khi chúng tôi cho biết đã nhiều ngày đến ghi nhận và có việc xe được gửi qua đêm tại khu di tích, ông Kiêu cho biết đó là có một số trường hợp gửi xe nhưng do lấy muộn, cho nên sáng hôm sau chủ xe mới…quay lại lấy xe và đơn vị cũng không quản lý được việc này(!?).
Trả lời câu hỏi về chi phí gửi xe được thu như thế nào và sử dụng ra sao? Ông Kiêu cho biết, xe được gửi theo vé và đóng thuế theo quy định, còn tiền trông xe thì trả cho các cá nhân trông xe. Thực tế theo ghi nhận của chúng tôi, khi khách đến gửi xe máy được phát một vé “trông giữ xe đạp ban ngày” với giá 2.000 đồng/lượt, nhưng khi trả tiền thực chất là thu 5.000 đồng.
Tại nhiều thời điểm trong ngày, khu trông xe có hàng trăm xe máy và hàng chục ô-tô gửi, như vậy số tiền thực thu và tiền chênh 3.000 đồng/xe sẽ thành hàng tỷ đồng mỗi năm không biết “rơi” vào túi ai?
Đánh giá từ các chuyên gia cho thấy, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là di tích quốc gia đặc biệt, cần được bảo tồn theo Luật Di sản văn hóa.
Theo đó, các tổ chức, cá nhân quản lý trục tiếp như Trung tâm HĐVH KH VM-QTG phải có nghĩa vụ bảo vệ, giữ gìn di sản văn hóa; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại di sản văn hóa; thông báo kịp thời cho chủ sở hữu hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi gần nhất khi di sản văn hóa bị mất hoặc có nguy cơ bị hủy hoại…
Trong trường hợp phát hiện di tích bị lấn chiếm, hủy hoại hoặc có nguy cơ bị hủy hoại phải kịp thời có biện pháp ngăn chặn và thông báo cho cơ quan chủ quản cấp trên trực tiếp, UBND địa phương hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch nơi gần nhất…
Tuy nhiên điều kỳ lạ ở đây là thay vì gìn giữ, bảo vệ khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám thì đơn vị được giao nhiệm vụ lại lấy lý do là cần chỗ trông giữ xe để hợp thức hóa việc xâm phạm khu di tích quốc gia.
Theo Luật Di sản văn hóa, UBND địa phương hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch khi nhận được thông báo về di tích bị hủy hoại hoặc có nguy cơ bị hủy hoại phải kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ và báo cáo ngay với cơ quan cấp trên trực tiếp.
Tuy nhiên, trao đổi ý kiến với phóng viên vào ngày 8-11, ông Lê Ngọc Tú, Chủ tịch UBND phường Quốc Tử Giám cho rằng Phường không biết có sự việc lấn chiếm, sử dụng không gian của khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám để làm chỗ trông giữ xe (!?).
Di tích lịch sử, văn hóa là nơi lưu giữ những giá trị tinh thần vô giá và nét đẹp bản sắc của mỗi địa phương, vùng miền, nhưng dường như việc ý thức văn hóa và việc ứng xử với di sản đang xuống cấp trầm trọng.
Nhiều cá nhân, tổ chức chỉ vì những lợi ích trước mắt mà vô tình “quên” đi những giá trị lâu dài về lịch sử và những giá trị không thể phục dựng lại nếu bị tàn phá. Sự tồn tại, sức sống của di tích phụ thuộc vào tư duy, trách nhiệm và thái độ ứng xử của người dân, xã hội
Năm 2017 là “Năm kỷ cương hành chính” của TP Hà Nội, đề nghị Quận ủy, UBND quận Đống Đa, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, Thành ủy, UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, xử lý dứt điểm những vi phạm của bãi xe trái phép đã tồn tại hàng chục năm tại khu di tích lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám.