Theo Báo Bình Định, ngày 14/6, lãnh đạo tỉnh đã có buổi làm việc với lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan, các địa phương về triển khai các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND tỉnh cho biết, tỉnh đang tập trung thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư (TĐC) đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua địa phận tỉnh. Tổng chiều dài toàn tuyến gần 119 km, qua địa bàn 8 huyện, thị xã, thành phố.
Để triển khai thi công, tổng diện tích đất cần thu hồi để bàn giao mặt bằng sạch khoảng 1.674 ha, trong đó đất lúa hơn 437 ha, đất rừng phòng hộ hơn 32 ha, đất rừng sản xuất hơn 679 ha, các loại đất khác 524 ha. Số hộ dân bị ảnh hưởng cần bố trí TĐC khoảng 1.439 hộ.
Bộ GTVT đã bàn giao cọc mốc GPMB 99 km/119 km, đạt 83% tổng chiều dài toàn tuyến. Sau khi bàn giao cọc mốc, chính quyền các địa phương đã rà soát quy mô, số hộ bị ảnh hưởng, tiến hành họp dân thông báo chủ trương thực hiện dự án.
Trong đó, TX Hoài Nhơn đã kiểm kê đối với 2.621 hộ (đạt 81% tổng số hộ bị ảnh hưởng), với diện tích hơn 179 ha; huyện Phù Mỹ 592 hộ (45%) - hơn 38 ha; huyện Tuy Phước 157 hộ (20%) - gần 9 ha; TX An Nhơn 65 hộ (98%) - hơn 8 ha; huyện Hoài Nhơn 232 hộ (71%) - gần 52 ha…
Theo lãnh đạo UBND huyện Tây Sơn, trên địa bàn huyện đang tập trung triển khai 2 dự án giao thông gồm tuyến cao tốc Bắc - Nam và đường tránh phía Nam thị trấn Phú Phong. Huyện cam kết đến ngày 30/6 này sẽ bàn giao 50% mặt bằng sạch thi công đường tránh phía Nam thị trấn Phú Phong; đến cuối tháng 11 sẽ bàn giao 70% diện tích mặt bằng để thi công tuyến cao tốc Bắc - Nam.
Cùng với đó, toàn tỉnh cũng đang tập trung triển khai 11 dự án giao thông trọng điểm khác. Đại diện Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh cho biết, trong năm 2022, vốn bố trí cho các dự án giao thông trọng điểm là hơn 1.468 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân hơn 1.001 tỷ đồng.
11 dự án giao thông trọng điểm do tỉnh Bình Định triển khai gồm tuyến đường ven biển đoạn Cát Tiến - Diêm Vân (dài hơn 13 km); tuyến đường Điện Biên Phủ nối dài đến khu đô thị Diêm Vân (1,6 km); tuyến đường kết nối từ trung tâm TX An Nhơn đến đường ven biển phía Tây đầm Thị Nại (hơn 9,3 km).
Tuyến đường kết nối từ đường phía Tây với đường ven biển - TX Hoài Nhơn (7 km); tuyến đường kết nối từ đường phía Tây tỉnh đến đường ven biển - huyện Phù Mỹ (19 km); tuyến đường ven biển đoạn Đề Gi - Mỹ Thành (7,6 km); tuyến đường ven biển đoạn từ QL 1D đến QL 19 mới (4,3 km)
Tuyến đường tránh phía Nam thị trấn Phú Phong - Tây Sơn (gần 18 km); tuyến đường tránh ĐT 633 đoạn từ núi Ghềnh đến đường ven biển - huyện Phù Cát (gần 3,5 km); tuyến đường kết nối từ QL 19 đến Khu Công nghiệp, đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định (13 km); tuyến đường phía Tây huyện Vân Canh (kết nối từ Khu Công nghiệp, đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định đến thị trấn Vân Canh, 24 km).
Tổng mức đầu tư của các dự án trên hơn 10.443 tỷ đồng, do Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh làm chủ đầu tư.
Theo cam kết của chính quyền các địa phương, phấn đấu đến cuối tháng 11/2022 sẽ bàn giao 70% diện tích mặt bằng; đến hết quý II/2023 sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng để thi công tuyến cao tốc.
Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố nơi có dự án đi qua cần cùng với tỉnh tháo gỡ từng khó khăn, vướng mắc, đảm bảo các dự án được triển khai đúng tiến độ, nhất là công tác GPMB, TĐC dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam.
Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu từng địa phương phải thành lập ngay ban chỉ đạo thực hiện các dự án giao thông trọng điểm. Khẩn trương thực hiện công tác bồi thường, GPMB, TĐC, sớm bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công.
Vừa qua, UBND tỉnh Bình Định cũng đã có công văn báo cáo Bộ GTVT về việc tổng hợp kinh phí bồi thường, hỗ trợ GPMB và tái định cư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025, đoạn qua địa bàn tỉnh này.
Theo đó, tổng hợp kinh phí dự kiến triển khai thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB và tái định cư dự án xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Định là hơn 7.473 tỷ đồng.
Cụ thể, dự án thành phần đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn cần gần 2.260 tỷ đồng; dự án thành phần đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn cần hơn 3.461 tỷ đồng; dự án thành phần đoạn Quy Nhơn – Chí Thạnh cần 1.752 tỷ đồng.