Bảng nội quy ấn tượng này được thầy giáo Nguyễn Thành Công, giáo viên Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm (thuộc Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) ghi lại, chia sẻ lên mạng xã hội và thu hút sự chú ý của nhiều người.
Bảng nội quy giảng đường tại trung tâm nghiên cứu và phát triển nghiệp vụ sư phạm (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội). |
Cụ thể, để sử dụng hiệu quả các thiết bị và góp phần xây dựng văn hóa sư phạm trên giảng đường, trung tâm đưa ra bảng nội quy giảng đường 4 điều đề nghị các thầy cô và sinh viên thực hiện:
Áp dụng “5 xin” trong giao tiếp gồm: xin chào, xin lỗi, xin phép, xin góp ý, xin cảm ơn.
Thực hiện “4 luôn” khi tiếp xúc: luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu, luôn nhiệt tình giúp đỡ.
Ghi nhớ “4 không” ở giảng đường: không mang đồ ăn vào phòng học; không mang dụng cụ, thiết bị ra ngoài phòng học; không vứt phấn, giấy vụn, vỏ kẹo,…trong phòng học; không nô đùa, nói chuyện to trên giảng đường.
Và cuối cùng là cùng chia sẻ “3 nhớ” và “1 đừng quên” trước khi ra về: “Nhớ lau sạch bảng của mình sau khi đã luyện tập; nhớ thu gom phấn vụn, rác,…cho vào thùng rác ở hành lang; nhớ kê lại bàn ghế, dụng cụ ngay ngắn; đừng quên tắt các thiết bị trong phòng học.
Chia sẻ với
VietNamNet
, thầy Nguyễn Thành Công cho hay, bảng nội quy dành cho sinh viên sư phạm thực tập nghiệp vụ sư phạm.
“Đây là nội quy giảng đường dành cho các sinh viên tham gia lớp học nghiệp vụ sư phạm của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Thực hành nghiệp vụ sư phạm là một hoạt động bắt buộc của sinh viên theo học ngành này. Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm đang trong quá trình xây dựng giảng đường mới nên thầy trò được phép sử dụng phòng học này để dạy chuyên đề cho học sinh chuyên trong thời gian mà sinh viên ĐH Sư phạm không sử dụng”, thầy Công chia sẻ.
Theo thầy Công, xã hội hiện nay, có những điều tưởng chừng như đơn giản, nhưng lại trở thành xa xỉ với nhiều người.
“Bản thân mình khi mới đọc bảng nội quy thấy nó rất đơn giản mà thiết thực, rất nhân văn mà gần gũi. Vì thế tôi cũng giới thiệu cho học sinh mình đang dạy luôn. Nhiều điều trong nội quy này không những nên áp dụng trong phòng học mà còn nên được phổ biến ra bên ngoài xã hội. Đơn giản nhất, biết nói lời xin lỗi, biết nhận lỗi khi làm sai, biết nói lời cảm ơn ngay cả những điều nhỏ nhặt là biểu hiện của một xã hội văn minh.
Nhiều người dù biết mình mắc lỗi, nhưng từ xin lỗi như mắc trong cổ họng mà không thể bật ra thành lời. Nhiều sự giúp đỡ không nhận lại được lời cảm ơn khiến người giúp đỡ cũng dần trở nên vô cảm.
Thầy Công cho rằng, chỉ cần mỗi sinh viên, mỗi người trong xã hội ý thức hơn, biết nói lời xin lỗi, cảm ơn và không vứt rác vô tội vạ ra đường thì đã góp phần giúp đất nước văn minh và phát triển hơn.
Xuất hiện bảng nội quy lạ trong căn tin trường chuyên Lê Quý Đôn
Trên mạng xã hội những ngày qua đang lan truyền bảng nội quy “có một không hai” tại căn tin trường THPT Chuyên Lê Quý ... |