Tết Nguyên đán là cao điểm tiêu thụ bánh kẹo trong năm. Cứ mỗi dịp Tết đến, các doanh nghiệp bánh kẹo lại tung ra thị trường hàng chục nghìn tấn bánh kẹo phục vụ người tiêu dùng với nhiều mẫu mã đa dạng và phong phú. Ăn theo sự sôi động của thị trường, các cơ sở sản xuất bánh kẹo nhái lợi dụng tung hoành “sáng tác” mẫu mã theo các thương hiệu lớn để trục lợi.
Bánh nhái thương hiệu Danisa có trong giỏ quà Tết. (Ảnh: Phương Đông). |
Hiện nay trên thị trường, bánh kẹo nhập khẩu rất phong phú và đa dạng xuất xứ từ nhiều nước như Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Bỉ…Giá của những sản phẩm nhập khẩu cũng cao hơn giá bánh kẹo trong nước, đặc biệt là các dòng bánh cao cấp. Lợi dụng tâm lý sính ngoại người tiêu dùng có nhu cầu mua quà biếu tết là những mặt hàng cao cấp này, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng hàng giả, hàng kém chất lượng… rồi dán mác “ngoại” để tung ra thị trường tiêu thụ.
Trên thị trường Hà Nội và các tỉnh thành hiện nay, rất nhiều sản phẩm bánh, kẹo có tên na ná với các sản phẩm thật như: bim bim Oishi với Oshi, kẹo Alpeliebe Original với Apellebe OY, kẹo Cheng Gum với Chewing Gum... hoặc các loại vỏ hộp mang mác ngoại với nhãn hiệu Dbent, Danson, Classic, Red Rose... nhưng bên trong là các loại bánh không rõ nguồn gốc. Do mẫu mã vỏ hộp sang trọng và bắt mắt, nắp hộp lại được dán bằng loại tem tự in nên nếu chưa dùng qua các sản phẩm này hoặc đã dùng nhưng không chú ý thì khách hàng dễ dàng “sập bẫy”.
Bánh trứng TIPO “xịn” của Công ty Hữu Nghị (bên trái). Hàng nhái có bánh trứng TIPO có tên gần giống TIPPO (bên phải) |
Ngày 26/1/2018, đội Quản lý thị trường số 24 phối hợp Công an huyện Hoài Đức bất ngờ kiểm tra kho hàng và xưởng sản xuất bánh kẹo của công ty TNHH Hàng tiêu dùng Thái Lan (ở xã La Phù, huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội). Kiểm tra tại chỗ, lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ khoảng 4.000 hộp bánh kẹo nhái các nhãn hiệu bánh kẹo đang bán chạy trên thị trường như Danisa của Đan Mạch (viết thành Damisa), Cosy của Kinh đô (thành Cozy)... |
Bên cạnh đó, trên thị trường cũng xuất hiện rất nhiều loại kẹo, bánh, giá rẻ không rõ nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng. Mặt hàng được đựng la liệt trong những hộp các-tông, rổ, túi hoặc bao lớn, các loại bánh quy, bánh sữa kem không có nhãn phụ, không ghi ngày sử dụng giá chỉ từ 25.000 - 35.000 đồng/kg, các loại kẹo dẻo, bắp dẻo, rau câu có giá từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, kẹo đậu phộng, kẹo me được chào giá cao hơn, từ 60.000 - 80.000 đồng/kg…
Khi được hỏi xuất xứ các loại bánh kẹo này, hầu hết người bán hàng cho rằng, kẹo được sản xuất tại các cơ sở trong nước, một số nhập khẩu vì không mất chi phí bao bì, đóng gói nên có… giá rẻ. Tuy nhiên, nhiều nhãn bánh mứt là tiếng Trung Quốc không hề có nhãn phụ bằng tiếng Việt ghi thông tin về sản phẩm.
Không những vậy, hiện nay còn có hình thức bán hàng trên thị trường mới, đó là “chợ Facebook”. Đây được coi là một trong những kênh bán hàng được ưa chuộng bởi lượng tiếp cận khách hàng khá lớn. Tuy nhiên, điều đáng nói là bên cạnh những mặt hàng có chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì rất nhiều mặt hàng được làm giả, làm nhái và bán ra với giá rất rẻ.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong năm 2017 đã phát hiện 145 vụ vi phạm về hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ, tổng giá trị thu phạt là 1.280.614.000 đồng. Trong đó, phạt hành chính 421.525.000 đồng; trị giá hàng tiêu hủy là 859.089.000 đồng. |
|
Nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm các biện pháp để bảo vệ, đưa ra các giải pháp chống hàng giả như sử dụng tem chống hàng giả để có thể truy xuất ngay nguồn gốc sản phẩm. Tuy nhiên, muốn tạo ra được một thị trường cạnh tranh lành mạnh, sản phẩm chất lượng an toàn đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều cấp ngành từ trung ương đến địa phương, kịp thời phát hiện và có chế tài xử lý nghiêm vi phạm.
Trả lời trên VnExpress, bà Phạm Thị Thanh Thảo, Phó tổng Giám đốc Công ty TNHH chế biến thực phẩm và bánh kẹo Phạm Nguyên cho biế: cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về thì lượng hàng nhái thương hiệu bánh Choco-Pie tăng mạnh. Công ty đã nhiều lần phối hợp với cơ quan chức năng phát hiện những đơn vị làm hàng nhái nhưng vẫn không bao quát hết. Đặc biệt, các tỉnh nghèo miền Trung hầu như thị phần bị giảm mạnh vì hàng nhái tràn lan. Đa phần các sản phẩm không được kiểm định về nguồn gốc và chất lượng, giá thấp hơn nhiều lần hàng chính hãng nên đã làm ảnh hưởng nhiều đến tình hình kinh doanh của công ty. Nhiều gói bánh Choco-Pie bị nhái thành Choco-Pai nhưng người mua khó phân biệt do kích thước và bao bì được thiết kế tinh vi như hàng thật.
Bánh ChocoPie hàng thật, Chocopai hàng nhái nhưng người dân không thể phân biệt được. (Ảnh: Baomoi) |
Sản phẩm Choco-Pie bị làm giả tại Việt Nam. (Ảnh: Quang Tấn) |
Với người tiêu dùng, mặc dù các sản phẩm nhái sao chép về hình thức gần giống hệt với hàng thật nhưng với điều kiện cơ sở vật chất, nguồn nguyên liệu không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm thì không thể kiểm chứng được chất lượng. Vì vậy, nếu người tiêu dùng sơ ý hoặc theo tâm lý thích mua rẻ rất có thể sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và gia đình.
Bởi vậy trước khi cơ quan chức năng chính thức vào cuộc, mỗi người phải trở thành người tiêu dùng thông thái bằng việc lựa chọn những địa điểm mua hàng uy tín, nói không với sản phẩm, hàng hóa giá rẻ, không rõ xuất xứ, trôi nổi. Đồng thời nếu phát hiện ra những cơ sở sản xuất kém uy tín cần báo ngay cho lực lượng chức năng để có biện pháp xử lí kịp thời.
Thị trường luôn có hiện tượng sản phẩm bị làm giả, làm nhái để kéo giá thành xuống, hãy cẩn trọng khi lựa chọn những sản phẩm tết để đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình bạn. (Ảnh: inbrand) |