Bất bình đẳng kinh tế ở châu Âu thêm trầm trọng do Covid-19

Nguy cơ gia tăng bất bình đẳng hiện diện dưới nhiều hình thức khác nhau trên thị trường lao động châu Âu và ảnh hưởng đến một số lĩnh vực và các tầng lớp người lao động.
Bất bình đẳng kinh tế ở châu Âu thêm trầm trọng do Covid-19 - Ảnh 1.

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Berlin, Đức ngày 16/4/2021. (Ảnh: THX/TTXVN).

Đây là kết luận chính được rút ra từ phân tích mới nhất của bộ phận nghiên cứu kinh tế thuộc Tập đoàn ING (Hà Lan) về sự khác biệt trong diễn biến thị trường lao động giữa các nước châu Âu.

Theo nghiên cứu, số giờ làm việc giảm 17% trong quý II/2020 so với cùng kỳ năm 2019. Tác động kinh tế tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực bị đình trệ do các biện pháp phong tỏa như ngành giao thông hoặc các ngành nghề có tiếp xúc với con người. 

Cụ thể là ngành sản xuất các phương tiện và thiết bị vận tải; thương mại bán buôn và bán lẻ; khách sạn, nhà hàng và du lịch hàng không; dịch vụ bất động sản; nghệ thuật và giải trí. Mức độ ảnh hưởng khác nhau giữa các quốc gia tùy thuộc vào tỷ trọng của các lĩnh vực này trong nền kinh tế.

Như vậy, so với trước khủng hoảng (cuối năm 2019), tỷ lệ giảm số giờ làm việc được giới hạn ở mức 7,5% ở Hà Lan. Trong khi con số này lên tới 26% ở Hy Lạp. Với mức giảm 15%, Bỉ gần với mức trung bình của châu Âu. Khi bắt đầu cuộc khủng hoảng y tế, tình trạng mất việc làm đặc biệt rõ rệt ở những người lao động trẻ tuổi.


Tuy nhiên, những lĩnh vực nói trên có một số đặc điểm chung ở tất cả các quốc gia, đó là sử dụng nhiều lao động tạm thời hoặc lao động tự do, bao gồm lao động trẻ và lao động phổ thông hoặc các công việc có mức lương thấp.

 

Các lĩnh vực dễ bị tổn thương có thể khác nhau giữa các quốc gia. Chẳng hạn các hợp đồng phi tiêu chuẩn rất phổ biến trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là ở Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Trong khi đó, giống như Pháp và Vương quốc Anh, Bỉ nằm trong số các quốc gia có nguy cơ thấp vì số lao động dễ bị tổn thương tương đối thấp so với các nước khác. 

 

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là tình trạng trì trệ trong các ngành nghề dễ bị tổn thương này sẽ cần nhiều thời gian mới có thể cải thiện, trong bối cảnh nhiều quốc gia vẫn duy trì các biện pháp hạn chế và phong tỏa.

 

Các nhà hàng, khách sạn, rạp hát sẽ không hoạt động hết công suất trong nhiều tháng. Một số nhà máy có liên quan đến các hoạt động này cũng hoạt động cầm chừng. Dữ liệu gần nhất cho thấy trong quý IV/2020, các lĩnh vực dễ bị tổn thương ở nhiều quốc gia vẫn chưa phục hồi, trái ngược hoàn toàn với những lĩnh vực khác của nền kinh tế.

 

Do đó, câu hỏi đặt ra là đã có các biện pháp thích hợp được thực hiện để giúp đỡ những người lao động dễ bị tổn thương nhất hay chưa? Theo các chuyên gia, điều quan trọng là làm sao để những người này không rơi vào cảnh nghèo đói và họ không nên quá phụ thuộc vào trợ cấp xã hội và coi đó như một cứu cánh.   

 

Các tác giả của nghiên cứu đề xuất, các biện pháp được thực hiện khi đại dịch bùng phát không phải lúc nào cũng phù hợp. Để tránh cho những người lao động trong các ngành chịu tác động mạnh của cuộc khủng hoảng rơi vào cảnh nghèo đói, các kế hoạch phục hồi sắp tới cần bao hàm các biện pháp cụ thể và có mục tiêu, đặc biệt là để phục hồi thị trường lao động.

 

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc hoạch định các lĩnh vực cần mang tính toàn diện. Hiện nay hàng chục tỷ USD được bơm vào một số lĩnh vực nhất định như cơ sở hạ tầng hoặc cải tạo các tòa nhà. Do đó, phải chú trọng hơn đến việc đào tạo và tái đào tạo, giúp tăng cơ hội tìm được việc làm cho giới trẻ.
chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.