Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho rằng, về mặt thể chế pháp luật hiện đang thiếu các quy định pháp luật để điều chỉnh loại hình bất động sản nghỉ dưỡng.
Bởi theo ông Châu, ngay tại dự thảo sửa đổi các nghị định về luật đất đai lần cuối cùng đã tính đến việc cấp sổ hồng cho condotel, officetel, shophouse… nhưng không thành.
"Trong báo cáo của HoREA cũng đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu để an dân nhưng nhìn lại cơ sở pháp luật để cấp chủ quyền cho loại hình này chưa đầy đủ.
Cụ thể, hiện nay một số tòa condotel đang tồn tại phần sở hữu chung và sở hữu riêng nên phát sinh các vấn đề quản lý vận hành, bảo trì bảo dưỡng… nhưng không có một văn bản pháp luật quy định đầy đủ về vấn đề trên", ông Châu cho biết.
Chủ tịch HoREA phân tích, bởi vì Luật Nhà ở không quy định condotel mà chỉ quy định về căn hộ chung cư hay như Luật Xây dựng và Luật Kinh doanh Bất động sản cũng không quy định loại hình này.
Điều này gây trở ngại cho việc phát triển condotel nói riêng hay các sản phẩm lưu trú du lịch nói chung như biệt thự du lịch, nhà phố du lịch… một cách bền vững.
"Do đó, trước khi nói đến trách nhiệm của chủ đầu tư phải nói đến trách nhiệm của quản lý nhà nước. Tức là hệ thống pháp luật cần phải hoàn thiện nên trong năm tới HoREA sẽ đặt vấn đề để đưa vấn đề bất động sản nghỉ dưỡng vào Luật nhà ở, Luật Đất đai và cả Luật Du lịch…", ông Châu chia sẻ.
Cũng theo ông Châu, hiện nhiều chủ đầu tư có uy tín thương hiệu muốn làm tốt để phát triển bất động sản nghỉ dưỡng nhưng hệ thống pháp luật chưa cho phép. Bên cạnh đó cũng có những chủ đầu tư ăn xổi ở thì đã phá hỏng tính chính trực của các nhà đầu tư phát triển bất động sản nghỉ dưỡng làm nhà đầu tư thứ cấp điêu đứng qua hàng loạt các cam kết không thực hiện được.
"Tuy nhiên cũng cần phải nói đến vai trò của một số tỉnh thành khi cam kết cấp sổ cho một số dự án khiến các nhà đầu tư thứ cấp tin tưởng nên các chủ đầu tư huy động vốn rất nhanh", ông Châu nhận định.
Nói về bất động sản nghỉ dưỡng, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Vietnam (R&D DKRA Vietnam) cho biết phân khúc này vốn đã suy giảm nặng nề từ năm 2019.
Bước sang năm 2020, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến ngành du lịch và bất động sản nói chung, làm cho bất động sản nghỉ dưỡng càng thêm ảm đạm. Bên cạnh đó, một số vấn đề tồn tại lâu nay vẫn chưa được giải quyết cũng khiến thị trường chưa đủ niềm tin.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường còn nhiều thách thức, hiện nay, một số dự án vẫn đang trong quá trình triển khai và sẵn sàng đưa ra thị trường. Nhưng để thu hút khách hàng, ông Hoàng lưu ý việc pháp lý dự án phải rõ ràng minh bạch, loại hình đất ở dân cư hay đất thương mại có thời hạn sử dụng, quy trình tiến độ pháp lý dự án thế nào…
"Đây là yếu tố tiên quyết để khách hàng quyết định mua cho dù tình huống thị trường diễn ra thế nào. Bên cạnh đó, dự án có tính khác biệt, độc đáo, khả thi thế nào để thu hút du khách và cư dân.
Bởi, một dự án đơn thuần chỉ có condotel, biệt thự biển, trong một khu resort có nhà hàng, spa,… thì sẽ rất áp lực trong việc cạnh tranh. Thực tế đã chứng minh, những chủ đầu tư lớn với những dự án quy mô lớn, bài bản, đầy đủ, nhiều khác biệt hấp dẫn du lịch,… thường có sức hút và bán hàng hiệu quả hơn", ông Nguyễn Hoàng nhận định.
Cũng theo Giám đốc R&D DKRA Vietnam, tiềm lực tài chính và năng lực triển khai dự án, kèm theo năng lực vận hành khai thác và quản lý của chủ đầu tư rất quan trọng.
"Do tính chất đa dạng của sự phát triển, bất động sản nghỉ dưỡng có thể nằm trong một tổ hợp dự án đô thị biển có quy mô lớn hoặc nằm riêng lẻ. Đối với những dự án bất động sản nghỉ dưỡng riêng, hợp tác cùng đơn vị quản lý vận hành có uy tín, tên tuổi trên thị trường quốc tế và Việt Nam được xem là một trong các bảo chứng quan trọng về chất lượng và hoạt động của dự án', ông Nguyễn Hoàng phân tích.
Ngoài ra, Giám đốc R&D DKRA Vietnam cũng cho rằng, phát triển bất động sản gắn liền với trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên và môi trường, đây không chỉ là vấn đề vĩ mô, quản lý nhà nước mà nó là xu hướng phát triển.
Bản chất thị trường bất động sản nghỉ dưỡng có nhiều ý kiến trái chiều về việc tác động đến môi trường tự nhiên, dự án nào có bảo chứng về việc bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên là một giá trị cộng thêm.
Cùng nhận định với các chuyên gia trên, ông Phan Việt Hoàng, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Khánh Hòa (KAREB), dự báo trong nửa đầu của năm 2021 thị trường BĐS nghĩ dưỡng vẫn còn nằm trong vòng "đuổi bắt chính sách" cho đến khi hình thành khung pháp lý.
"Do đó, các nhà đầu tư sẽ thay đổi khẩu vị “đầu tư” dòng tiền, tìm kiếm những sản phẩm phù hợp trong tình hình mới.
Tuy nhiên, đối với các dự án đã hình thành và đi vào hoạt động sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ quyết định số 147/QĐ-TTg của Chính Phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.
Theo đó, giai đoạn 2021-2025 lượng khách nội địa và quốc tế sẽ tăng gấp nhiều lần so với các năm trước thúc đẩy nền kinh tế du lịch chuyển mình mạnh mẽ và kéo theo những hoạt động của nghành BĐS Nghỉ dưỡng", ông Phan Việt Hoàng cho hay.
Nhận định về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian tới, chuyên gia bất động sản Lê Hoàng Châu cho rằng, Việt Nam vẫn là thị trường tiềm năng của bất động sản nghỉ dưỡng.
Theo ông Châu, HoREA cũng đã đề nghị các nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng tìm kiếm các thị trường có mùa Đông lạnh giá để đưa nhóm khách này đến Việt Nam nhằm phát triển phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng.
Tuy nhiên, ông Châu cho rằng muốn du lịch phát triển chúng ta cần nhắm đến phát triển theo chuỗi, không thể mạnh ai nấy làm và ăn xổi ở thì như giai đoạn trước.