Đó là những nội dung được các nhà quản lí, chuyên gia, doanh nghiệp phát biểu tại Hội thảo “Thị trường bất động sản (BĐS) thế nào sau dịch Covid-19?” do Báo Thanh Niên tổ chức sáng nay 11/6.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho biết, thị trường bất động sản của Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng không phải bây giờ mới khó. Lĩnh vực này luôn có độ trễ từ khi dự án triển khai cho tới khi đi vào vận hành, từ chính sách tác động đến hoạt động đến các doanh nghiệp.
Theo ông Châu, thị trường bất động sản sau khủng hoảng từ năm 2013 đã dần phục hồi và đạt đỉnh cao vào năm 2017. Tuy nhiên, tới 2018, thị trường bắt đầu khó khăn rõ rệt và trầm trọng hơn vào năm 2019. Đến đầu năm 2020, tưởng chừng thị trường có thể vượt qua khủng hoảng thì đại dịch Covid-19 lại làm trầm trọng thêm các khó khăn.
“Nhiều người nhận định, bất động sản đang trải qua một cuộc khó khăn kép, thủ tục chưa xong nay thêm dịch Covid-19. Điều này hoàn toàn chính xác” - ông Châu nhận định.
Nguồn cung khan hiếm, tổng cầu vẫn rất cao. Tất cả các dự án nhà ở từ cao cấp đến bình dân khi đưa ra thị trường đạt tỉ lệ hấp thụ rất cao, đến 99 - 100% ở phân khúc nhà ở xã hội. Phân khúc nhà ở thương mại giá trị từ 2 tỉ đồng trở xuống đạt tỉ lệ 100% tiêu thụ và nhà ở cao cấp đạt 70 - 80%, có những dự án tiêu thụ tới 100%. Nhà đầu tư thứ cấp thời gian qua cũng được hưởng lợi nhờ khan hiếm sản phẩm. Khó khăn lớn nhất chính là khan hiếm dự án, sản phẩm.
Cụ thể, nếu trong năm 2018, nguồn cung chỉ giảm ở mức 20% thì đến 2019 đã sụt giảm tới 70%. Cả năm 2019 chỉ có 1 dự án được "chạy". Điều này là nguyên nhân chính khiến dù khủng hoảng do đại dịch nhưng giá bất động sản thời gian qua không vẫn không giảm.
"Giá chỉ xuống ở thị trường thứ cấp vì nhà đầu tư không chịu được áp lực dòng tiền. Còn ở thị trường sơ cấp, các nhà đầu tư dự án bất động sản uy tín vẫn duy trì hoạt động với mức giá phù hợp" - ông Châu khẳng định.
Theo ông Châu, nguyên nhân lớn nhất khiến nguồn cung bất động sản khan hiếm nghiêm trọng là sự chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột trong các qui định pháp luật hiện hành. Theo thống kê, từ 10 - 12/2015 đến cuối 2018, có tới 126 dự án nhà ở có quĩ đất tổng hợp bị tắc vì thủ tục đầu tư. Từ đó đến nay, các doanh nghiệp không còn trình xin đầu tư thêm dự án nào. Có những dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư vẫn vướng qui hoạch 1/500 chỉ vì tắc ở một chữ - "quyền sử dụng đất" và "quyền sử dụng đất ở" được qui định trong Luật Đất đai.
Bên cạnh đó, qui trình cấp phép hiện nay được thực hiện theo 4 bước. Trong đó, bước 4 cho phép doanh nghiệp được làm song song các thủ tục để rút ngắn thời gian nhưng qui định "chỉ khi doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất" đã biến qui trình song song trở thành qui trình tuần tự. Doanh nghiệp muốn thi công dự án phải trải qua tất cả các bước phía trên, mất rất nhiều thời gian.
"Tháng 5, thị trường bất động sản đang bật dậy. Tỉ lệ dự án đưa ra thị trường tăng lên khoảng gần 6 lần, tỉ lệ tiêu thụ được trong tháng 5 so với tháng 4 tăng lên đến 15 lần. Điều đó cho thấy khả năng phục hồi của thị trường bất động sản là rất cao nếu được tháo gỡ thêm các khó khăn về chính sách. Nếu không nhanh chóng tháo gỡ từ cấp địa phương, TP HCM có thể phải đối mặt với tình trạng chảy dòng vốn đầu tư về các tỉnh, ảnh hưởng nguồn thu ngân sách. Doanh nghiệp bất động sản không xin hỗ trợ bằng tiền, chỉ xin tháo gỡ về chính sách" - ông Châu cảnh báo.
Ông Trần Quốc Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh cho rằng, khan hiếm nguồn cung có vai trò của các cơ quan quản lí nhà nước. Doanh nghiệp mong muốn có một môi trường đầu tư, chính sách rõ ràng để đẩy nhanh tiến độ các dự án, từ đó sẽ giảm chi phí giá thành, tạo nguồn cung mới cho thị trường.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land cho rằng, nhiều sản phẩm hiện nay không còn phù hợp với thị trường, doanh nghiệp muốn điều chỉnh lại qui hoạch nhưng rất ngại phải trở lại thủ tục. Chính vì vậy, đơn giản hóa thủ tục cũng góp phần cho sản phẩm bất động sản phù hợp hơn với thị trường.
Nói về tháo gỡ những thủ tục cho đầu tư dự án nhà ở, ông Lê Trần Kiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP cho biết đang tham mưu trình các bước qui trình thực hiện dự án để UBND TP xem xét. Các bước này rất rõ ràng về mặt thời gian, trách nhiệm của từng sở, ngành.
Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lí nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) đã giải đáp hầu hết các thắc mắc của doanh nghiệp về những vướng mắc thủ tục khi triển khai dự án.
Tuy nhiên, theo ông Ninh, về mặt quản lí nhà nước UBND TP HCM phải có văn bản chính thức gửi Bộ Xây dựng nói riêng và các bộ, ngành Trung ương nói chung thì các cơ quan này mới có cơ sở để xem xét giải quyết hay điều chỉnh một vấn đề nào đó liên quan đến chính sách.