Hiệp hội BĐS TP HCM đề xuất giải pháp để tăng nguồn cung, giúp người dân mua nhà rẻ hơn

Theo Hiệp hội Bất động sản TP HCM, hai năm gần đây, thị trường bất động sản thành phố đã bị sụt giảm mạnh nguồn cung, giá nhà đất tăng đem lại lợi nhuận lớn cho một số chủ đầu tư, nhưng lại làm cho khách hàng phải mua nhà giá cao hơn.

Thị trường tiếp tục xu thế bị sụt giảm

Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi một số cơ quan chức năng kiến nghị một số giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản.

Cụ thể, theo đối với lĩnh vực bất động sản, HoREA nhận thấy trong hai năm gần đây, thị trường bất động sản TP HCM đã bị sụt giảm mạnh nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là tình trạng quá thiếu nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội. 

76197485_565097707569399_5355553527798169600_n

Ảnh minh họa: Lê Giang.

Và trong 4 năm qua, đã có nhiều dự án nhà ở bị "đứng hình" do không thực hiện được các thủ tục đầu tư xây dựng, hoặc bị dừng triển khai.

Còn trong 9 tháng đầu năm 2019, theo HoREA, thị trường bất động sản tại thành phố này tiếp tục xu thế bị sụt giảm, chỉ có một dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm khoảng 83%.

Cũng trong khoảng thời gian này, không có dự án nhà ở nào được công nhận chủ đầu tư, chỉ có 12 dự án được chấp thuận đầu tư, giảm khoảng 72% và chỉ có 24 dự án được cấp phép xây dựng, giảm khoảng 38%, so với cùng kỳ năm 2018. 

Đồng thời, ở TP HCM, trong 9 tháng đầu năm 2019, chỉ có 32 dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện huy động vốn, với 19.662 căn nhà, giảm 58,44% về số lượng dự án và giảm 30,56% về số lượng căn nhà so với năm 2018. Trong đó, có đến 31 dự án nhà ở quy mô "vừa và nhỏ", nhưng có một dự án đại đô thị tại quận 9 với tổng số 10.007 căn hộ, tỷ lệ 63%, chiếm vị thế áp đảo trên thị trường.

Tình trạng thiếu sản phẩm nhà ở, dẫn đến giá nhà đất tăng đem lại lợi nhuận lớn cho một số chủ đầu tư, nhưng lại làm cho khách hàng phải mua nhà giá cao hơn. Bên cạnh đó, phần lớn người tiêu dùng là người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp đô thị khó tạo lập nhà ở hơn.

Hiệp hội nhận thấy thị trường bất động sản thành phố hiện nay về bản chất không xấu, chưa có nguy cơ bị khủng hoảng, vì vẫn còn nằm trong chu kỳ phục hồi và tăng trưởng (sau giai đoạn bị khủng hoảng đóng băng 2011-2013). 

Ông Châu nói: "Thị trường bất động sản thành phố rơi vào tình thế khó khăn hiện nay chỉ có tính nhất thời, đặc thù, bất bình thường, mà nguyên nhân là do vướng mắc, xung đột của một số quy phạm pháp luật và do cả công tác thực thi pháp luật. 

Tuy nhiên, do thị trường bất động sản có "độ trễ" nên nếu không có biện pháp xử lý hiệu quả các vướng mắc và điểm nghẽn hiện nay, thì tình trạng sụt giảm quy mô thị trường sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới, dẫn đến một số doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn, thậm chí có thể có nguy cơ phá sản". 

Tháo gỡ vướng mắc

Trước tình hình thị trường BĐS tại TP HCM như vây, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA đã đưa ra một số kiến nghị.

Cụ thể, ông Châu cho rằng các cơ quan nhà nước cần đẩy mạnh công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật như rà soát, đề xuất xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, qui hoạch đô thị, nhà ở, kinh doanh bất động sản, đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ, liên thông. 

36_suyx

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM. (Ảnh: Báo Đấu thầu).

Cũng theo ông Châu, các cơ quan chức năng cũng cần tập trung giải quyết các vướng mắc, xung đột giữa một số quy phạm pháp luật của Luật Nhà ở với Luật Đất đai, giữa Luật Đầu tư với Luật Qui hoạch đô thị...

Ông Châu đưa ra một ví dụ điển hình được cho là nguyên nhân chủ yếu gây sụt giảm qui mô thị trường BĐS hiện nay. Đó là qui định phải có 100% đất ở thì mới được chỉ định chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại. 

Tuy nhiên, theo ông Châu, qui định này lại xung đột với một điều trong Luật Đất đai qui định doanh nghiệp được nhận quyền sử dụng đất phù hợp với qui hoạch để làm dự án nhà ở, và không sát với thực tế vì đa số dự án nhà ở thường có quĩ đất hỗn hợp. 

Vị Chủ tịch của HoREA đánh giá: "Đây là một trong những vướng mắc và cũng là một nguyên nhân chủ yếu gây sụt giảm qui mô thị trường bất động sản hiện nay, do phần lớn dự án có quĩ đất hỗn hợp phải thực hiện thủ tục theo Luật Đầu tư. 

Nhưng sau khi đã có quyết định chủ trương đầu tư thì nhà đầu tư lại không làm được thủ tục phê duyệt qui hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 theo qui định của Luật Qui hoạch đô thị. Do vậy, không được công nhận chủ đầu tư dự án".

Cũng theo ông Châu cho hay, trong thời gian qua, lãnh đạo TP HCM đã nhiều lần gặp gỡ, lắng nghe và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc trong công tác thực thi pháp luật. 

Ngoài ra, ông Châu cũng cho rằng các cơ quan chức năng cần tạo một môi trường kinh doanh minh bạch, có như vậy mới tạo ra được sự cạnh tranh lành mạnh.

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.