Nhiều sự kiện động thổ, khởi công, bán hàng... bị hoãn, dời do ảnh hưởng vi rút Corona khiến kì vọng năm 2020 thị trường bất động sản khởi sắc trở lại có nguy cơ bất thành. Trước đó, bất động sản TP HCM đã có 2 năm khó khăn, ảm đạm.
Trong tham luận với chủ đề “Nhà nước kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, cạnh tranh để khai thác tối đa các nguồn lực phát triển đất nước và tạo nền tảng để doanh nghiệp phát triển lành mạnh, bền vững” vừa gửi Ban Kinh tế T.Ư, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cho biết: Năm 2019 cũng là năm thứ hai, thị trường bất động sản (BĐS) và các doanh nghiệp BĐS phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức rất lớn, nhiều dự án nhà ở bị “đứng hình” và môi trường kinh doanh vẫn chưa thực sự đảm bảo tính minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh.
Cụ thể, theo ông Châu, cùng mặt bằng pháp lí như nhau, nhưng các dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp tại TP HCM lại bị vướng, còn tại các địa phương khác lại không bị vướng; các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp, xen kẹt đất nhà nước quản lí tương tự nhau, nhưng có một số dự án được phê duyệt đầu tư xây dựng, trong khi nhiều dự án khác lại không được phê duyệt, nên chưa đảm bảo tính công bằng.
Cũng vì thế, nguồn cung sản phẩm nhà ở bị sụt giảm mạnh, nhất là phân khúc nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội. Cung ít đẩy giá nhà tăng cao, trong đó, căn hộ chung cư tăng giá khoảng 15 - 20%. Cá biệt, có dự án nhà ở tại Q.9 (TP HCM) có mức giá bán căn hộ tăng đến 39% so với năm 2018. Do vậy, số đông người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ, mới lập nghiệp khó tạo lập nhà ở hơn. Nhìn chung, hầu hết các doanh nghiệp BĐS đều bị sụt giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận, thậm chí một số doanh nghiệp bị thua lỗ hoặc đứng trước nguy cơ phá sản.
Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy tổng số giao dịch nhà đất thành công trong cả nước năm 2019 là 83.136 giao dịch, giảm 26,1% so với năm 2018. Trong đó, BĐS du lịch nghỉ dưỡng chỉ có 6.280 giao dịch, cũng giảm 20% so với năm 2018. Những con số này khá đồng nhất với số liệu của Cục Đăng kí quản lí kinh doanh (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) là năm 2019, lĩnh vực BĐS có số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc bị giải thể cao nhất, với 598 doanh nghiệp BĐS đăng kí tạm dừng hoạt động, tăng 36,8% và 686 doanh nghiệp BĐS giải thể, tăng 39,4%, so với năm 2018.
Tại TP HCM, từ tháng 10/2015 đến hết năm 2018, có đến 126 dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp bị ách tắc thủ tục đầu tư xây dựng và 158 dự án BĐS có nguồn gốc quỹ đất thuộc nhà nước quản lí phải rà soát lại thủ tục pháp lí, cá biệt có một số trường hợp thuộc diện phải thanh tra, điều tra. Tháng 3.2019, lãnh đạo TP và cơ quan có thẩm quyền của T.Ư đã quyết định cho 124 dự án được vận hành trở lại bình thường, nhưng trên thực tế hầu hết các dự án này vẫn chưa hoạt động trở lại bình thường.
Ông Lê Hoàng Châu nhận định việc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện rà soát, chấn chỉnh lại các quy trình, thủ tục về đầu tư xây dựng đối với các dự án BĐS, nhà ở thương mại là rất cần thiết, nhằm mục tiêu phát triển thị trường BĐS minh bạch, lành mạnh và bền vững. Đây cũng là đợt sàng lọc để loại bỏ những doanh nghiệp BĐS bất lương, làm ăn chụp giật, thậm chí lừa đảo.
Kết quả là năm 2019, toàn TP chỉ có 1 “dự án nhà ở thương mại có quyền sử dụng đất ở” được “chấp thuận chủ trương đầu tư”, giảm 12 dự án, tương đương tỉ lệ 92%. Chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được “chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư”, giảm 24 dự án, tương đương 85%. Chỉ có 16 dự án nhà ở thương mại được “chấp thuận đầu tư”, giảm 64 dự án, tương đương 80%.
Có 47 dự án với 23.485 căn hộ chung cư “đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai”, giảm 14,1% so với năm 2018, bao gồm: căn hộ cao cấp 15.758 căn, chiếm tỉ lệ áp đảo lên đến 67,1%; căn hộ trung cấp có 5.284 căn, chỉ chiếm tỉ lệ 22,5%; căn hộ bình dân có 2.395 căn, chỉ còn chiếm tỉ lệ 10,2%. Số lượng dự án nhà ở tập trung nhiều nhất tại Q.9 (9 dự án), Q.7 (8 dự án), Q.2 (6 dự án), H.Bình Chánh (4 dự án). Năm 2019, không có dự án nhà ở xã hội mới và chỉ có 3 dự án nhà ở xã hội (cũ) với 2.281 căn hộ đã hoàn thành xây dựng.
Dù vậy, ông Châu cho rằng thị trường BĐS TP hiện nay nhìn tổng thể về bản chất không xấu, chưa có nguy cơ bị khủng hoảng, tính thanh khoản vẫn tốt do “tổng cầu có khả năng thanh toán” vẫn cao và vẫn còn nằm trong chu kì phục hồi và tăng trưởng sau giai đoạn bị khủng hoảng đóng băng 2011 - 2013. Gần như 100% căn hộ trung cấp, căn hộ bình dân đã được tiêu thụ và có những dự án nhà ở cao cấp có tỉ lệ tiêu thụ lên đến hơn 60% trong năm 2019.
“Do thị trường BĐS có “độ trễ”, nên nếu không có biện pháp xử lí hiệu quả các vướng mắc và điểm nghẽn hiện nay, thì tình trạng sụt giảm quy mô thị trường sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới, dẫn đến một số doanh nghiệp BĐS gặp nhiều khó khăn, thậm chí có thể đối diện với nguy cơ phá sản”, ông Châu nhấn mạnh.
1. Đề nghị tiếp tục cải cách thể chế, kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch:
Đề nghị Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, đi đôi với trách nhiệm giải trình, trách nhiệm đối thoại của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền với người dân và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp BĐS.
2. Đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật về đất đai, về đầu tư, về xây dựng, về nhà ở, về kinh doanh BĐS, về dân sự để đảm bảo tính hệ thống, tính đồng bộ và tính liên thông.
3. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt để sớm tháo gỡ các vướng mắc, "điểm nghẽn" cụ thể của thị trường BĐS, để thị trường phục hồi và tăng trưởng trở lại, tạo điều kiện cho tất cả mọi người, trước hết là người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị có nhà ở.