Bất hiếu với cha mẹ bị xử lý thế nào?

Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ. Nghiêm cấm con có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm cha mẹ.

Theo pháp luật hiện hành, khi con cái không nghe theo lới bố mẹ, không làm theo những việc bố mẹ yêu cầu con cái phải làm thì có vi phạm pháp luật và được coi là bất hiếu hay không? Có điều luật nào để chứng minh những điều đó là không bất hiếu không?

Độc giả: Quỳnh Hoa

tin nhap 20160909014156
Ảnh minh họa

Theo pháp luật hiện hành, không có bất cứ điều luật hay quy định nào xử phạt về hành vi “không nghe theo lời bố, mẹ”.

Tại khoản 2 điều 70 Luật hôn nhân và gia đình về quyền và nghĩa vụ của con: “Có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình”.

Hiếu thảo vốn dĩ là một khái niệm đạo đức trong xã hội, là chuẩn mực được dùng để đánh giá một người trong mối quan hệ với gia đình và rộng hơn là xã hội. Bổn phận của con cái là hiếu thảo, yêu thương cha mẹ, ông bà. Nhưng pháp luật không quy định và không đánh giá sự hiếu thảo như thế nào là đúng, là đủ một cách cụ thể, mà các giá trị, nguyên tắc về đạo đức mới là thước đo chuẩn mực cho điều này.

Bởi vậy, hiện nay không có quy định nào bắt buộc con cái phải nghe theo lời bố mẹ trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh, vì con người đều có quyền được sống, quyền được mưu cầu hạnh phúc cho chính bản thân.

Căn cứ pháp lý

- Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012

- Luật Phòng, chống bạo lực gia đình ngày 21 tháng 11 năm 2007

- Nghị định 167/2013/NĐ-CP

- Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC

Pháp luật quy định về hành vi ngược đãi, hành hạ ông bà, cha mẹ có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với xử phạt hành chính, theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP:

- Đối với hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình (đánh đập gây thương tích) có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt tối thiểu là 1.000.000 đồng và tối đa là 2.000.000 đồng.

- Đối với hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt tối thiểu là 1.500.000 đồng và tối đa là 2.000.000 đồng.

- Đối với hành vi  xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt tối thiểu là 500.000 đồng và tối đa là 1.500.000 đồng.

Bên cạnh đó phải buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu.

Tại điều 151 Bộ luật hình sự về Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình.

“Người nào ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt  tù từ ba tháng đến ba năm”.

Hành vi ngược đãi theo hướng dẫn tại Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC “thường được hiểu là việc đối xử tồi tệ về ăn, mặc, ở và về các mặt sinh hoạt hàng ngày khác đối với người thân như: nhiếc móc, bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách một cách không bình thường hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể người bị hại như: đánh đập, giam hãm,… làm cho người bị hại bị đau đớn về thể xác và tinh thần”.

Như vậy trường hợp của bạn hoàn toàn không đến mức xử phạt hành chính hoặc truy cứu hình sự, cũng chưa để lại hậu quả nghiêm trọng về mặt sức khỏe bởi hành vi “không nghe lời”.

Những trường hợp như trên, phần nhiều là do bất đồng quan điểm dẫn đến tranh cãi, nên cách giải quyết tốt nhất là chia sẻ với nhau nhiều hơn để bố mẹ hiểu mong muốn của con cái, mà con cái cũng hiểu tâm tư của bố mẹ. 

Luật gia Đồng Xuân Thuận

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.