Buổi gặp đầu khóa của lớp liên thông ngành giáo dục tiểu học vừa học vừa làm của Trường ĐH Vinh liên kết từ đối tác này sang đối tác khác. |
Ngày 26.6.2017, Trường ĐH Vinh có quyết định công nhận trúng tuyển hình thức vừa học vừa làm khóa 2017 - 2020 đối với 33 thí sinh ngành giáo dục tiểu học. Các thí sinh này sẽ học tại Trung tâm giáo dục thường xuyên Q.Bình Thạnh (TP.HCM) thông qua đơn vị liên kết là Trường trung cấp (TC) Miền Đông. Tuy nhiên, những học viên này thực chất đã trúng tuyển... trước cả ngày thi. Cụ thể, trường ra quyết định trúng tuyển ngày 26.6 nhưng đến ngày 2.7, các thí sinh mới dự thi 3 môn đầu vào!
Chị N.H, một học viên đang học lớp này, cho biết tốt nghiệp ngành ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Chị dạy tại một trường tiểu học ở Bình Chánh vì thừa giáo viên THCS. Năm học này, chị cần phải bổ sung thêm bằng chuyên môn giáo dục tiểu học nên nộp hồ sơ vào chương trình liên thông lên ĐH của Trường ĐH Vinh với 1,8 triệu đồng ôn thi và lệ phí thi. Khi vào học thì nhận ra nhiều vấn đề. Lớp học khoảng 40 người nhưng có đủ học viên cả 3 hệ: Liên thông từ TC lên ĐH (học 1,5 năm/3 học kỳ); CĐ liên thông lên ĐH (2,5 năm/5 học kỳ), văn bằng 2 (2 năm). Theo chị H., trong lớp còn có một vài học viên chưa kịp thi tuyển cũng được cho vào học rồi sẽ tổ chức thi bổ túc đầu vào sau.
Học một thời gian, các học viên cũng phải chuyển trường bất đắc dĩ. Từ Trung tâm giáo dục thường xuyên Bình Thạnh đến tháng 10 thì chuyển lên Trường TC Công nghệ Bách khoa (Q.Phú Nhuận). Sau đó Trường TC Miền Đông không mở lớp nữa nên chuyển lớp qua Trường TC Công nghệ Bách khoa. Lúc này, nhiều học viên bắt đầu cảm thấy hoang mang, yêu cầu phải cho xem hợp đồng ký kết giữa 2 trường và các quyết định liên quan. Nhưng đại diện Trường TC Công nghệ Bách khoa không thể chứng minh được bởi thực tế, ở thời điểm đó, Trường ĐH Vinh và TC Công nghệ Bách khoa chưa ký hợp đồng liên kết đào tạo.
Ông Nguyễn Hồng Soa, Trưởng phòng Hành chính tổng hợp Trường ĐH Vinh, cho biết năm 2016, thời điểm bắt đầu tuyển sinh lớp này, trường đang thực hiện hình thức thi tuyển với lệ phí 1,8 triệu đồng. Đến đầu năm 2017, trường đã xây dựng đề án xét tuyển. Một số học viên ghi danh trước nên bộ phận tuyển sinh của đơn vị liên kết vẫn nghĩ rằng số học viên này sẽ phải thi tuyển theo quy chế cũ của nhà trường. Ông Soa cho biết sẽ trả lại các chi phí này cho học viên nhưng việc “nhầm lẫn” này cho thấy sự giám sát hết sức lỏng lẻo của trường với đơn vị liên kết đào tạo. Chưa kể, giải thích của ông Soa là không hợp lý vì theo nhiều học viên, họ ghi danh vào chương trình này trong tháng 5 - 6.2017, nửa năm sau khi quy chế đã sửa.
Giải thích việc học viên phải chuyển từ trường này sang trường khác, ông Soa cho rằng từ cuối năm 2016, Trường TC Miền Đông tuyển sinh nhiều học viên ở khu vực TP.HCM. Do trường này đóng ở Đồng Nai nên để tạo điều kiện thuận lợi cho người học cũng như công tác quản lý sau này, Hiệu trưởng Trường TC Miền Đông đã có văn bản gửi Trường ĐH Vinh về việc chuyển đơn vị liên kết sang Trường TC Công nghệ Bách khoa và Trường TC Nguyễn Tất Thành (đóng tại TP.HCM), là đơn vị có hoạt động liên kết với trường này. Tuy vậy, cho đến gần cuối tháng 11.2017 mới có hợp đồng liên kết giữa Trường ĐH Vinh và TC Công nghệ Bách khoa. Ông Hoàng Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường TC Công nghệ Bách khoa, cho biết lãnh đạo Trường TC Miền Đông đã có công văn gửi đến Trường ĐH Vinh để học viên sang học tại Trường TC Công nghệ Bách khoa. Tuy nhiên, vì lúc này trường có sự thay đổi giữa hiệu trưởng cũ và mới nên chậm trễ hợp đồng liên kết với Trường ĐH Vinh!
Tuy thực tế cả nước thiếu giáo viên bậc tiểu học nhưng việc để các trường đào tạo các chương trình liên thông tràn lan như vậy sẽ rất khó kiểm soát về chất lượng giảng dạy.
PGS Bùi Hiền giải thích sao về bộ chuyển đổi tiếng Việt Nguyễn Thu Hảo thành Quyễn Wu Hảo?
"Bộ chuyển đổi Tiếng Việt" đang là từ khóa được nhiều người dùng mạng chia sẻ một cách chóng mặt. Vậy đây có đúng là ... |