Hai người đàn ông bắt rắn bằng tay trần. Ảnh: AFP |
Kali và Vedan là người dân bộ lạc Irula sinh sống ở ngoại ô phía nam thành phố Chennai. Họ có thể áp dụng các kỹ năng được truyền từ thế hệ trước trong việc bào chế thuốc chống nọc độc vì rắn cắn ở Ấn Độ, quốc gia có tỷ lệ tử vong vì loài động vật này cao nhất thế giới, theo AFP.
Từ khi hình thành những năm 1970, trung tâm liên hợp chuyên bắt rắn của bộ lạc Irula đã có phương pháp điều trị rắn cắn bằng loại thuốc được bào chế từ chính chất lỏng trong cơ thể rắn. Loại thuốc đặc biệt này được sản xuất và phân phối tới tất cả bệnh viện trên khắp đất nước.
Nghề bắt rắn để tạo thuốc chống nọc độc đem lại nguồn thu nhập cho người dân Irula. Trước đây, người dân bộ lạc bắt và bán da rắn để kiếm sống, nhưng phải bỏ nghề vì lệnh cấm của chính phủ năm 1972.
Kali học kỹ năng săn lùng và bắt rắn từ cha anh, một người săn rắn nổi tiếng của cộng đồng Irula. Người đàn ông 36 tuổi áp dụng những kỹ năng học được để bắt rắn cho trung tâm liên hợp. Chính phủ cấp phép cho trung tâm bắt và thu hoạch nọc độc rắn chỉ trong một tháng và yêu cầu thả con vật về thiên nhiên. Rắn bị "nhốt" ở trung tâm một tháng và chích nọc độc 4 lần.
Hành trình bào chế thuốc
Trong tháng này, Kali có nhiệm vụ bắt rắn lục hoa cân và rắn độc Russell - hai trong 4 loài rắn nguy hiểm nhất tại Ấn Độ. Chỉ 20 phút sau khi bắt đầu tìm kiếm ở cánh đồng lúa cách đường cao tốc nhộn nhịp chưa đầy 2 km, Kali phát hiện một con rắn nhỏ dưới hàng rào. Nó có bộ da y hệt màu gỗ nên những người không chuyên sẽ khó nhận ra.
Vài phút sau, Vedan đã tóm gọn con vật bằng bàn tay trần. Anh nhét nó vào một túi vải, thắt nút chặt và treo vào giỏ nhựa.
"Nó là một con rắn lục hoa cân cái, một trong những loài rắn độc nhất", Kali cho biết. "Vào mùa đông, chúng muốn ẩn mình trong vỏ cây. Đó cũng là cách chúng tôi tìm ra".
Kali chích nọc từ con rắn. Ảnh: AFP |
Kali sẽ nhận số tiền công 300 rupee (4,5 USD) với con rắn vừa bắt được. Nếu là rắn hổ mang, tiền công sẽ lên tới 2.500 rupee (khoảng 36,7 USD). Số tiền kiếm được sẽ giúp anh trang trải học phí cho các con. Nếu gặp may, Kali sẽ tìm thấy lũ rắn ngay lập tức. Nhưng cũng có những ngày anh đi miết cũng không tìm được con nào.
Sau khi bắt được rắn, Kali và Vedan lôi nó khỏi túi nhựa, đặt con vật trong nồi đất để chuẩn bị chích nọc độc. Họ sẽ giữ chặt đầu rồi ấn phần răng nanh vào lớp da bọc trên miệng một chiếc bình thủy tinh nhỏ để từng giọt nọc độc rắn chảy xuống.
"Con rắn chỉ phun nọc độc khi cắn người", người đàn ông tên R. Kumar giải thích sau khi cắt một ít vảy từ da rắn để chỉ vị trí họ vừa chích nọc độc.
Lượng nọc không gây tử vong từ 4 loài rắn sẽ được tiêm vào những con ngựa để sản sinh kháng nguyên, được dùng làm chất chống nọc độc cho mọi loại vết cắn.
Công việc quan trọng
Anh Kali coi việc bắt và chích nọc từ rắn là quan trọng và thiêng liêng. Ảnh: AFP |
Ấn Độ là "nhà" của của 244 loài rắn. 4 loại độc nhất gồm hổ mang chúa, rắn cạp nong, rắn lục hoa cân và rắn độc Russell sinh sống ở mọi nơi trên khắp đất nước.
Số liệu từ chính phủ chỉ ghi nhận một vài trường hợp bị rắn cắn mỗi năm. Hầu hết đều không được thống kê vì người dân không tới bệnh viện để kiểm tra vết thương. Theo số liệu năm 2011, số ca tử vong hàng năm do bị rắn cắn ở Ấn Độ là khoảng 46.000 trường hợp. Rắn rất dễ bò vào nhà và gây nguy hiểm cho họ khi ngủ, nhưng không ít người vẫn chủ quan.
"Trong làng tôi có một người bị rắn cắn. Anh ấy được đưa tới viện và chữa khỏi", Maragadham, một người trông trẻ 36 tuổi, cho hay.
Theo Maragadham, rắn có mặt ở hầu khắp các nhà, nhưng không phải mối đe dọa của người dân bởi hầu hết cơ sở y tế Ấn Độ có đủ thuốc chống nọc độc rắn. Còn đối với những người bắt rắn như Kali và Vedan, chích nọc độc rắn để làm thuốc chữa bệnh là công việc quan trọng và thiêng liêng.