"Bất cứ ai, từ người dân Myanmar hay khách nước ngoài đã đến Yangon đều biết đến Myanmar Plaza", ông Đức tự hào nói. Nhưng ông cũng cho biết gặp không ít khó khăn trong quá trình đầu tư vào Myanmar, và đang tiếp tục chọn ngành nông nghiệp để phát triển trong tương lai với đối tác chiến lược là Thaco Trường Hải.
Định hướng đẩy mạnh, mở rộng đầu tư vào nông nghiệp, cây ăn trái cũng nằm trong chiến lược tái cơ cấu kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai tại các thị trường trong năm nay sau khi buông bất động sản, thuỷ điện...
Ngoài ra, doanh nghiệp này cùng Thaco xây dựng giai đoạn 2 Dự án phức hợp Myanmar Center với tổng vốn 711 triệu USD, dự kiến hoàn thành vào năm 2022.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ thăm và tặng quà lưu niệm Công ty của Bầu Đức tại Yangon -Myanmar. (Ảnh: VGP).
Ngoài Hoàng Anh Gia Lai, BIDV đã lập chi nhánh tại Yangon từ năm 2016 và ghi nhận lãi 1 triệu USD sau 3 năm hoạt động. Tuy nhiên, ông Phan Đức Tú - Chủ tịch BIDV, cho hay hiện ngân hàng gặp khó khăn khi luật pháp Myanmar chưa cho phép chi nhánh ngân hàng nước ngoài được trả lãi cho khách hàng cá nhân gửi tiền, khiến ngân hàng không thể huy động được nguồn lực tín dụng từ Myanmar.
Tại cuộc tiếp xúc Bộ trưởng Tài chính Myanmar - Soe Win trong khuôn khổ chuyến thăm, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ Myanmar tiếp tục đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm dịch và thông quan cho hàng hoá Việt nhập khẩu vào Myanmar. Chính quyền nước này cũng cần thu hẹp danh mục các mặt hàng nhập khẩu cần xin phép, thực hiện đăng ký sở hữu tài sản đã đầu tư tại Myanmar cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Việt Nam.
Đáp lại, Bộ trưởng Soe Win khẳng định Chính phủ nước này đang nỗ lực đơn giản hóa thủ tục nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng cho doanh nghiệp nước ngoài. Song, ông Soe nhận định, quá trình đòi hỏi cần có thời gian nên "mong các doanh nghiệp Việt Nam kiên nhẫn và hợp tác với phía Myanmar".
Hiện có khoảng hơn 200 doanh nghiệp Việt đang đầu tư, kinh doanh tại Myanmar. Nhìn nhận quốc gia ở cực Tây khu vực ASEAN sẽ trở thành thị trường chiến lược của Việt Nam trong tương lai, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhắn nhủ cộng đồng doanh nghiệp Việt "bền chí, cắm chốt thì sẽ có nhiều cơ hội để tạo dựng thương hiệu và thành công khi thời gian tới sẽ là chu kỳ phát triển của Myanmar".
Ông cũng yêu cầu các doanh nghiệp tuân thủ nghiêm túc luật pháp sở tại, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của Myanmar, có các chương trình thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) với nước sở tại.