Công nhân tại nhà máy Pegatron. Ảnh: Dejian Zeng |
Dejian Zeng, sinh viên Đại học New York, đăng ký làm việc tại một nhà máy Pegatron ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc, trong kỳ thực tập mùa hè để trải nghiệm cuộc sống của một công nhân nhà máy sản xuất iPhone. Zeng cho biết anh thật sự muốn trải nghiệm cảm giác của các công nhân và biết cuộc sống thực sự của họ ra sao.
"Họ không vui vẻ với cuộc sống của mình, nhưng cũng không quá bất mãn", Zeng nói. Hầu hết công nhân đến từ các vùng xa xôi hẻo lánh. Vì nghĩ mình ít ăn học, họ đều nghĩ rằng không có nhiều lựa chọn.
Phỏng vấn việc làm
Kiếm việc làm ở nhà máy khá đơn giản. Để có được việc làm, anh đã hòa mình vào đám đông và đứng xếp hàng trong đợt tuyển dụng. Phần căng thẳng nhất trong buổi phỏng vấn là đọc lại bảng chữ cái tiếng Anh.
Sau khi được nhận vào làm tại nhà máy, phần lớn công nhân sẽ sống trong khu ký túc xá, mỗi phòng cho 8 người, với giá 160 nhân dân tệ /tháng và được trừ thẳng vào lương. Khu ký túc xá dành cho công nhân cũng có phòng tập gym và phòng y tế.
Không ai được phép hút thuốc lá hay uống rượu bia trong khu ký túc xá. Công nhân cũng không được phép đưa bất cứ thiết bị điện tử nào vào khu vực sản xuất của nhà máy. Tất cả đều phải đeo thẻ và hệ thống nhận diện khuôn mặt sẽ quyết định bạn có được đi qua cửa hay không.
Khuôn viên bên trong nhà máy. Ảnh: Dejian Zeng |
Mỗi ngày làm việc của Zeng ở nhà máy kéo dài 12 giờ, với nhiệm vụ lắp 1.800 chiếc ốc vít vào 1.800 chiếc điện thoại. Cũng như bao công nhân khác, Zeng làm việc cả 8 tiếng ngày thứ 7 và chỉ được nghỉ ngày chủ nhật. Với công việc đơn điệu và nhàm chán này, Zeng nhận được 3.100 nhân dân tệ /tháng. Số tiền lương đã bao gồm cả lương cơ bản cộng với làm thêm giờ.
Zeng lắp ốc vít cho điện thoại iPhone 6s và iPhone 7. Các công việc ở dây chuyền lắp ráp được phân công ngẫu nhiên cho công nhân. Công việc ít tính thuế hơn thường được giao cho công nhân nữ.
Zeng ước tính ở nhà máy có khoảng 70.000 công nhân, đa phần ở độ tuổi 18-30. Tất cả đều được phát đồng phục và đều phải đi dép khi làm việc trong dây chuyền sản xuất. Tuy làm việc ở nhà máy iPhone, rất ít người có loại điện thoại này mà phần lớn là sử dụng thiết bị mang thương hiệu Trung Quốc giá rẻ.
Văn hóa quát mắng
Trên dây chuyền sản xuất, các công nhân thường trò chuyện phiếm hoặc ca hát cùng nhau. Tuy nhiên, những giây phút giải trí hiếm hoi đó thường không kéo dài, khi quản lý nhà máy thường lớn tiếng quát mắng và yêu cầu họ tập trung để đẩy nhanh tốc độ làm việc.
"Quản lý có thái độ cư xử rất tệ với nhân viên" và thường xuyên quát mắng nếu họ không làm nhanh, Zheng tiết lộ. "Bạn có thể nghe tiếng quát mắng suốt ngày. Điều đó trở nên quá bình thường ở nhà máy này".
Có lần, một quản lý đã yêu cầu dây chuyền sản xuất ngưng hoạt động, tập hợp tất cả công nhân chỉ để khiển trách một công nhân mới và không theo kịp tiến độ công việc. Tất cả mọi người đều sốc với phản ứng của người quản lý khi đó.
Bên trong khu ký túc xá của công nhân. Ảnh: Dejian Zeng |
Các nhà hoạt động nhân quyền và vì quyền lợi của người lao động đặc biệt quan tâm tới vấn đề điều kiện làm việc cho công nhân nhà máy ở các nền kinh tế đang phát triển. Cơn ác mộng tự tử từng xảy ra tại nhà máy sản xuất Foxconn ở Đài Loan sau loạt trường hợp năm 2010, 2011 và 2013, làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trên thế giới. Nhiều nhà hoạt động chỉ ra rằng điều kiện làm việc khắc nghiệt là nguyên nhân khiến công nhân tự tử.
Trong khi đó, nhà máy Pegatron, nơi Zeng đang bí mật làm việc, cũng từng được nhắc đến trong các bài viết về mặt tối của công nhân nhân iPhone trên BBC năm 2014 và Bloomberg năm 2016. Trong đó, tác giả cho biết các công nhân thường phải làm quá giờ trong điều kiện làm việc khắc nghiệt.
Hãng Apple cho biết họ có nhân viên giám sát tại các nhà máy lắp ráp. Zeng nói anh đã nhìn thấy nhân viên giám sát 2-3 lần và mỗi lần biết có người giám sát đến, quản lý của nhà máy thường thay đổi thái độ một cách chóng mặt.
"Các nhân viên của Apple sẽ chỉ đi bộ quan sát", Zeng mô tả.
Dejian Zeng mới tốt nghiệp Đại học New York và dự định làm việc cho một tổ chức nhân quyền chuyên về vấn đề Trung Quốc. Với những phát hiện của mình sau 6 tuần làm công nhân nhà máy lắp ráp iPhones, Zeng nói rằng anh mong muốn khách hàng của Apple sẽ biết được họ đang mua sản phẩm gì và chúng được tạo ra như thế nào.
"Khi cầm trên tay chiếc điện thoại hay máy tính, đừng xem thường chúng. Hãy biết rằng có hàng nghìn công công đang làm việc cả ngày lẫn đêm, gần như 24 giờ/ngày, trong nhà máy để làm ra thiết bị bạn đang sử dụng", Zeng nói.