Trước những phản ánh của phụ huynh về việc Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) tăng tiền ăn bán trú, giải tán ban đại diện cha mẹ của học sinh khiếm thị, PV Báo Lao Động đã có buổi làm việc với nhà trường để xác minh những thông tin này.
Lãnh đạo Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu trả lời về các vấn đề phụ huynh bức xúc. Ảnh: P.V |
“Chắc phụ huynh hiểu nhầm!”
Đó là lời cảm thán của bà Trần Thị Phương Lan – Phó hiệu trưởng phụ trách khối khiếm thị Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu với phóng viên về những vấn đề phụ huynh phản ánh. Theo bà Lan, hiểu đúng phải là: Nhà trường sáp nhập ban phụ huynh và 2 bếp ăn, chứ không phải giải tán.
Bà Lan giải thích: Từ nhiều năm nay, Sở GDĐT Hà Nội cho trường 2 biên chế nấu ăn, chăm sóc cho học sinh khiếm thị. Vì thế, nhà trường có 2 bếp ăn riêng - 1 của học sinh bình thường và 1 của học sinh khiếm thị.
Ngoài ra, vì phụ huynh có nguyện vọng các con khiếm thị ở nội trú thiệt thòi hơn các bạn, không ai tổ chức sinh nhật cho, nên đề nghị lập một ban phụ huynh riêng.
“Tuy nhiên, qua nhiều năm, nhà trường nhận thấy ban đại diện cha mẹ học sinh (BĐD CMHS) của khối khiếm thị hoạt động không hiệu quả. Ban đứng ra thu quỹ của phụ huynh 200.000 đồng/năm, trong khi đó phụ huynh khiếm thị vừa đóng quỹ cho ban này vừa đóng quỹ cho ban ở lớp.
Để bộ máy đỡ cồng kềnh, nhà trường đã có chủ trương sáp nhập ban phụ huynh khiếm thị với ban của trường, để các bố mẹ có con sáng mắt cũng chung tay chăm lo cho các con khiếm thị.
Khi sáp nhập, nhà trường có họp với ban phụ huynh khiếm thị. Khi tuyên bố như vậy, không ai có ý kiến gì, còn có biên bản họp với nội dung đồng ý sáp nhập” – đại diện nhà trường cho biết.
Về vấn đề tăng tiền ăn bán trú, nhà trường cũng cho rằng, phụ huynh đã hiểu sai vấn đề.
"Từ năm học 2017-2018, trường có chủ trương gộp bếp ăn, để bộ máy đỡ cồng kềnh. Trường đã mời Cty Hương Việt Sinh vào nấu. Họ nấu ăn cho hầu hết các trường trên địa bàn Hà Nội và đang phục vụ học sinh sáng mắt trong trường. Công ty này cũng có tư cách pháp nhân, chịu trách nhiệm về nguồn gốc thực phẩm, như vậy học sinh của mình được lợi chứ?” – bà Lan chia sẻ.
Phóng viên đề cập, phụ huynh không biết lợi thế nào, nhưng khi công ty ngoài vào nấu thì tiền ăn bị tăng lên, tại sao không tận dụng hai biên chế của sở để nấu riêng cho học sinh khiếm thị như trước? Đại diện nhà trường giải thích:
“Có thể phụ huynh đã hiểu chưa đúng. Phía Cty Hương Việt Sinh đã hỗ trợ các con khiếm thị rất nhiều, họ không lấy công nấu ăn và tiền chăm sóc. Nhà trường có triệu tập cuộc họp phụ huynh đột ngột để trao đổi về tình hình tăng tiền suất ăn. Có phụ huynh có ý kiến, nhưng sau khi kết thúc cuộc họp, 100% nhất trí tăng bữa ăn sáng từ 5.000 đồng lên 12.000 đồng, bữa trưa và tối từ 15.000 đồng lên 25.000 đồng với THCS và 23.000 đồng với học sinh tiểu học.
Về các khoản thu-chi, đầu năm, nhà trường đều có thỏa thuận với phụ huynh, có biên bản đủ cả” – bà Lan nói thêm.
Khi phóng viên đề nghị nhà trường cung cấp những biên bản thỏa thuận đó, đại diện nhà trường cho biết, sẽ có trách nhiệm báo cáo với Sở GDĐT Hà Nội, còn hiện tại chưa cung cấp cho báo chí.
Liên quan đến những phản ánh của phụ huynh về một số khoản thu-chi của Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, ngày 14.12, phóng viên đã gửi câu hỏi phỏng vấn bằng cả đường văn bản và email tới Sở GDĐT Hà Nội.
Đến nay, chúng tôi vẫn đang chờ hồi đáp từ phía Sở.
Phụ huynh “phản bác”
Trước những thông tin phản hồi của ban giám hiệu Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, PV đã trực tiếp liên hệ với một số phụ huynh có con là trẻ khiếm thị đang theo học tại trường để tìm hiểu.
Nhiều phụ huynh bày tỏ bất ngờ về chi tiết “biên bản đồng ý sáp nhập BĐD CMHS khối khiếm thị” mà nhà trường đưa ra.
“Nhà trường có gọi các thành viên trong ban phụ huynh khiếm thị đến, rồi đưa cho một tờ giấy trắng, nói rằng những ai đi họp thì ký tên điểm danh vào tờ giấy. Ký tên xong, nhà trường thông báo với chúng tôi là giải tán ban phụ huynh khối khiếm thị.
Trước đó, trường chưa có cuộc họp nào để thống nhất với tất cả cha mẹ học sinh khối khiếm thị cả” - một phụ huynh là thành viên trong BĐD CMHS khối khiếm thị cho biết.
Phụ huynh cũng phản bác khi nhà trường nói, BĐD CMHS khối khiếm thị làm việc không hiệu quả: “Phụ huynh của học sinh khiếm thị không phải đóng thêm khoản tiền quỹ nào cả, ngoài 200.000 đồng/năm để duy trì các hoạt động như: Tổ chức sinh nhật, làm lễ ra trường cho học sinh khối 9, tổ chức các hoạt động ngày khuyết tật, thăm hỏi các con ốm, mua hoa quả cho các con khiếm thị ăn.
Tất cả các khoản thu chi đều được công khai cho phụ huynh. Tôi xin nhấn mạnh, BĐD CMHS khối khiếm thị hoạt động như một ban phụ huynh lớp, do phụ huynh khiếm thị bầu lên, muốn giải tán phải có ý kiến của tất cả phụ huynh khiếm thị trong trường”.
Cũng theo nhiều phụ huynh,
từ trước đến nay, rất nhiều Mạnh Thường Quân đến giúp đỡ trẻ em khiếm thị trong trường. Hai năm trở về trước, số tiền trong quỹ từ thiện khi chi tiêu, sử dụng đều được thông qua, bàn bạc với BĐD CMHS khối khiếm thị, nhưng gần đây, việc này không được duy trì nữa.
Đem thắc mắc của phụ huynh hỏi lãnh đạo nhà trường, đại diện trường đã khóc và cho rằng bị nghi ngờ lòng tốt.
Vị này cho biết, hằng năm kiểm toán nhà nước vẫn xuống kiểm tra, trường sẽ có trách nhiệm giải trình với cơ quan chức năng.
Về băn khoăn của phụ huynh, phóng viên cũng liên hệ với một số Mạnh Thường Quân để lắng nghe tâm tư của họ. Nhiều người cùng chung thắc mắc, không biết trường sử dụng số tiền mình ủng hộ ra sao, có thực sự dùng đúng mục đích hỗ trợ cho học sinh khiếm thị hay không?
Lao Động sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.